Bê bối rò rỉ tài liệu: Mỹ và Ukraine khẳng định nhiều bí mật chiến tranh vẫn an toàn

Các nhà lãnh đạo Ukraine đánh giá vụ rò rỉ tài liệu tình báo mật của Mỹ không thể tác gây tổn hại cho những chiến dịch quân sự trong tương lai.

Một binh sĩ Ukraine phóng lựu đạn vác vai tại chiến trường Bakhmut. Ảnh: AP

Một binh sĩ Ukraine phóng lựu đạn vác vai tại chiến trường Bakhmut. Ảnh: AP

Và lý do chính mà Kiev đưa ra là từ lâu họ đã không chia sẻ những thông tin chiến sự quan trọng nhất vì nghi ngờ vào khả năng giữ bí mật của Washington.

Cả giới chức Ukraine và Mỹ trong tuần này đều khẳng định rằng chỉ có người Ukraine nắm được một số kế hoạch chiến đấu và các thông tin chiến dịch quân sự khác chứ không phải người Mỹ - đồng minh quan trọng nhất của họ. Do đó, vụ rò rỉ các tài liệu quân sự bí mật mới đây của Lầu Năm Góc, trong đó có những đánh giá về điểm mạnh và điểm yếu của Kiev trên chiến trường, có thể chưa đủ để thay đổi cục diện cuộc chiến của Ukraine với Nga.

“Khi lên kế hoạch quân sự, chỉ có một nhóm người nhỏ nắm được về chiến dịch đặc biệt đó”, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết hôm 12/4. Bà khẳng định nguy cơ rò rỉ bí mật chiến tranh quan trọng là rất nhỏ.

Tuy nhiên, Mỹ lại nhìn nhận vụ rò rỉ trên là nghiêm trọng. Các tài liệu mật này tiết lộ những thông tin nhạy cảm chưa từng được báo cáo trước đây về Ukraine, Hàn Quốc, Israel, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và một số quốc gia khác. Các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực xóa bỏ luồng thông tin mật này khỏi các mạng xã hội và trang web, đồng thời ngăn chặn tổn hại lâu dài trong mối quan hệ với các đồng minh và đối tác chiến lược.

Và nhiều tài liệu quan trọng hơn vẫn có thể tiếp tục rò rỉ. Hiện những tài liệu mật này vẫn tiếp tục xuất hiện trên mạng và có thể gây bất lợi cho Ukraine nhiều hơn so với những tài liệu đã được công khai cho đến nay.

Trong khi đó, Nga nói rõ rằng họ đang nghiên cứu kỹ từng bí mật bị tiết lộ. “Khá thú vị”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói về vụ rò rỉ.

Tuy nhiên, các diễn đàn trực tuyến bằng tiếng Nga cho thấy các blogger quân sự đang tranh luận về việc liệu vụ rò rỉ có phải là một chiến thuật thông tin sai lệch của Washington để nhằm đánh lạc hướng Nga hay không.

Các quan chức và cả người dân thường Ukraine đều khẳng định đất nước này sẽ không bị chia rẽ với Mỹ, quốc gia đã cung cấp cho Ukraine hơn 100 tỷ USD viện trợ, sau vụ rò rỉ tin mật.

Cờ Ukraine và Mỹ được đặt trên bàn họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal tại Lầu Năm Góc ngày 12/4. Ảnh: AP

Cờ Ukraine và Mỹ được đặt trên bàn họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal tại Lầu Năm Góc ngày 12/4. Ảnh: AP

Sau cuộc trao đổi với người đồng cấp Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói với các phóng viên ở Washington rằng các bí mật quan trọng như kế hoạch phản công của Ukraine sắp tới vẫn còn an toàn.

“Họ có một kế hoạch tuyệt vời… nhưng chỉ Tổng thống Zelensky và ban lãnh đạo của ông ấy mới thực sự biết toàn bộ chi tiết của kế hoạch đó”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.

Khi được hỏi liệu vụ rò rỉ tin mật có gây tổn hại quan hệ với Mỹ hay không, các chính trị gia và lãnh đạo quân sự của Ukraine – những người đang liên tục công du châu Âu và Bắc Mỹ để thu thập vũ khí và tiền mặt của phương Tây – đã trả lời rằng sự thống nhất giữa các đồng minh là một trong những nhu cầu chiến tranh quan trọng nhất của Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói với các phóng viên ở Madrid hôm 12/4 rằng các chi tiết được tiết lộ “không dễ nghe chút nào” và rất nhiều thông tin không đúng sự thật.

Ông gọi vụ rò rỉ là một chiến dịch thông tin có chủ ý, nhằm mang lại lợi ích cho Nga, với mục đích hạ thấp mức độ tin cậy giữa các đồng minh.

Thượng nghị sĩ Joe Manchin cho biết những mối lo ngại về tác động của vụ rò rỉ thông tin tình báo của Mỹ đã xuất hiện ở khắp mọi nơi tại cuộc họp với các quan chức Ukraine ở Kiev ngày 12/4.

Ảnh chụp lại các bản tài liệu nhàu nát xuất hiện trên mạng cho thấy chúng được ghi chi tiết theo thời gian thực từ tháng 2 và tháng 3 về các vị trí chiến trường của Ukraine và Nga cũng như số lượng vũ khí bị mất và vừa được chuyển vào Ukraine từ các đồng minh.

Báo cáo cũng tiết lộ các hệ thống phòng không quan trọng của Ukraine sẽ cạn kiệt tên lửa vào cuối tháng 5, nếu không có nguồn tiếp tế đáng kể. Điều đó có thể dẫn đến nhiều cuộc không kích và pháo kích hơn từ phía Nga.

Phát biểu với các phóng viên ở Toronto, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã hạ thấp mức nguy cơ, đồng thời bày tỏ sự lạc quan rằng Ukraine sẽ nhận được nguồn tên lửa phòng không mới.

Cựu quan chức cấp cao John Sipher tại Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nhận định vụ rò rỉ không thực sự gây tổn hại đến nỗ lực chiến tranh của Ukraine. Ông nói những bí mật quan trọng và được bảo vệ tốt nhất của cộng đồng tình báo sẽ không xuất hiện trong các bản tóm tắt của Bộ Quốc phòng Mỹ như vậy.

Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak đã mô tả những rò rỉ liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine là không dựa trên hoạt động thực tế và có một phần là giả mạo.

Ông nói: “Các kịch bản của chiến dịch vẫn đang được phát triển vì tuyến đầu rất linh hoạt và những bước thay đổi vẫn diễn ra hàng ngày”.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, truyền thông đã đưa tin về việc giới chức Mỹ bình luận rằng các nhà lãnh đạo Ukraine đã giữ kín bí mật chiến tranh của họ. Đáng chú ý, Mỹ được cho là nắm được tình trạng chiến tranh của Nga rõ hơn là của Ukraine.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo AP)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/be-boi-ro-ri-tai-lieu-my-va-ukraine-khang-dinh-nhieu-bi-mat-chien-tranh-van-an-toan-20230413111748025.htm