Bê bối tình dục tiếp tục nhấn chìm đế chế nội y
Dù đang từng bước lấy lại hình ảnh trong mắt khán giả, Victoria's Secret vẫn chịu sự ghẻ lạnh vì bê bối của hãng vẫn không ngừng bị khui ra.
“Họ bắt tôi dùng cocaine, quan hệ tình dục và ép tôi giảm cân khi chưa đủ 18 tuổi. Đau đớn hơn, tôi từng bị một người đàn ông lớn tuổi lạm dụng xác thịt. Bước chân vào ngành này, các cô gái phải chịu đựng việc trở thành nạn nhân của tội ác”.
Bridget Malcolm - cựu người mẫu Victoria’s Secret - chia sẻ trên mạng xã hội cuối tháng 6.
Theo New York Post, gia nhập Victoria’s Secret là giai đoạn kinh hoàng trong sự nghiệp của Malcolm. Chân dài người Australia chịu áp lực nặng nề, mắc chứng rối loạn ăn uống dẫn đến bệnh lo âu từ nỗi ám ảnh về xâm phạm tình dục.
Từ chính lời tố cáo của người trong cuộc, góc khuất đen tối đằng sau hãng nội y Mỹ một lần nữa trở thành chủ đề gây xôn xao.
Lời chia sẻ mới của người mẫu
Trong đoạn video công bố, Malcolm nói từng muốn tự tử cách đây 4 năm vì không thể chịu đựng nổi. Mỗi ngày, cô đều đối diện với cơn hoảng loạn.
Thừa nhận không thể giao tiếp với xã hội nếu không uống rượu để khiến bản thân say khước, hoặc phụ thuộc quá nhiều vào các loại thuốc an thần, Malcolm bắt đầu vực dậy, tìm lại sự tỉnh táo cho chính mình.
Từ năm 2019, cô áp dụng các liệu pháp chăm sóc sức khỏe tâm lý. Tình trạng của người mẫu ngày một chuyển biến tốt hơn, và giờ đây, cô có thể tự tin khẳng định đang trên đà hồi phục.
Malcolm nhấn mạnh: “Lý do duy nhất khiến tôi công bố câu chuyện của mình vì tôi tin ngành công nghiệp thời trang cần phải thay đổi, bởi công việc của người mẫu không có chỗ cho sự lạm dụng”.
Ở đoạn chia sẻ của Malcolm còn nhắc đến Ed Razek - cựu giám đốc tiếp thị Victoria’s Secret, người đã từ chức hồi năm 2019 sau loạt bê bối tình dục và xem thường người mẫu.
Tờ New York Times khi đó công bố bài điều tra: “Thiên thần trong địa ngục: Văn hóa coi thường phụ nữ ở Victoria's Secret", và dẫn chứng lời khai của 30 người đã làm việc cho thương hiệu này (giám đốc điều hành, nhân viên, người mẫu…).
Tất cả đều tố Ed Razek lạm dụng quyền lực để bắt nạt và quấy rối mẫu nữ. Thông tin trên báo viết: "Ông ta cưỡng hôn, bắt các cô gái ngồi lên đùi, thậm chí còn chạm vào nội y của người mẫu trước thềm diễn ra show 2018".
Andi Muise, nữ người mẫu lên tiếng tố bị ép hôn Razek trong lúc tới nhà hàng ăn tối. Vì từ chối lời đề nghị nên Victoria's Secret loại thẳng tên cô khỏi show diễn. "Tôi muốn chỗ nào đó thật nóng bỏng để có được em", Muise kể Razek đã thốt ra câu nói kinh tởm này.
Bella Hadid, chân dài 9X đang lên của làng mốt, cũng được đề cập với vị trí nạn nhân. Razek được cho là bình phẩm thô lỗ về đôi gò bồng đảo của em gái Gigi, xin số điện thoại, gạ gẫm lên giường các cô mẫu khác.
Trong 27 năm làm việc cho Victoria's Secret, người đàn ông này còn dùng lời lẽ miệt thị, xúc phạm cơ thể của nhân viên như cơm bữa.
Khi ông lớn của hãng là tội phạm
Ba năm qua, kể từ bài điều tra của New York Times nổ “phát súng” trên công cuộc chinh phạt những tội ác nhục dục, ngày càng có nhiều trường hợp trong giới bị vạch trần ra ánh sáng.
Đáng chú ý nhất là bê bối của Jeffrey Epstein - cố vấn thân cận của chủ tịch L Brands (công ty mẹ Victoria’s Secret). Ông này đã bị Cục Điều tra liên bang Mỹ bắt với các cáo buộc tấn công tình dục.
Báo cáo cho biết Epstein đã chi hàng trăm USD cho các cô gái từ 14 tuổi (gồm cả những người mẫu trẻ) để quan hệ tình dục. Nhờ nắm giữ thế lực, hành vi bẩn thỉu của ông vẫn không bị phát hiện qua nhiều năm.
Nhưng cuối cùng, công lý đã được thực thi, ông trùm truyền thông Mỹ thân bại danh liệt và phải tự tử trong tù ngay trước ngày nhận bản án.
Năm 2019, Victoria’s Secret Fashion Show chính thức bị khai tử sau hàng loạt bê bối, kết thúc cho kỷ nguyên từng vốn rất rực rỡ và huy hoàng. Những bộ nội y đắt đỏ ôm trọn đường cong gợi cảm của các người mẫu đẹp đến từng centimet, đã không còn được tôn sùng.
Đó là chưa kể doanh thu thương hiệu sa sút thảm bại, lượng rating show rơi vào mức thấp kỷ lục, các thương hiệu đối thủ tấn công. Tất cả đã khiến thương hiệu nội y quyền lực nhất, từng được trông chờ nhất trong chớp mắt bị quay lưng.
Tại thị trường thời trang quốc tế, phong trào #MeToo và #TimesUp đã được thổi bùng lên và ngày càng phát triển mạnh hơn. Minh chứng rằng nhiều cá nhân, tổ chức đã lên tiếng chống trả những thế lực đen tối.
Tạp chí Harper’s Bazaar đã kết hợp với Liên minh Người mẫu thực hiện đoạn video phơi bày nạn xâm hại thể xác trong làng mốt do 10 người mẫu đứng ra làm chứng.
Tổ chức phi lợi nhuận Model Alliance đã gửi thư buộc bộ phận quản lý của hãng có trách nhiệm đảm bảo sự an toàn cho người mẫu.
Trong khi đó, hơn 100 người (gồm các người mẫu Edie Campbell, Karen Elson, Amber Valletta, Christy Turlington, Gemma Ward, Francesca Summers... và bộ đôi nhiếp ảnh gia Inez & Vinoodh) ký vào thư yêu cầu giám đốc John Mehas làm mọi cách kiểm soát và ngăn chặn vấn nạn xâm phạm tình dục.
Victoria’s Secret nên bị khai tử?
Theo Harper’s Bazaar, từ tháng 6, Victoria’s Secret tái định nghĩa khái niệm gợi cảm bằng cách chiêu mộ 7 gương mặt mới đa dạng về sắc tộc, nghề nghiệp và tôn giáo cho chiến dịch VS Collective. Điều đó đồng nghĩa dàn thiên thần cũ sẽ bị thay thế.
Như vậy, với nước đi này, Victoria’s Secret chứng tỏ những nỗ lực cứu vớt hình ảnh về sự đẳng cấp như cách họ từng xây dựng nên vẻ đẹp siêu thực của Gisele Bundchen, Tyra Banks, Adriana Lima… cũng như những siêu mẫu nội y thời trước.
Tuy nhiên, giới chuyên môn phân tích rằng rõ ràng Victoria’s Secret đã quá muộn trong cuộc chơi này. Về cơ bản, họ đang cố làm những gì mà các đối thủ đã bắt đầu từ cách đây hàng thập kỷ.
Giai đoạn Victoria’s Secret sụp đổ, các thương hiệu đối thủ đã vùng lên mạnh mẽ, điển hình như Savage X Fenty của Rihanna.
Savage X Fenty tung các chiến dịch quảng cáo quy tụ nhiều người mẫu có những số đo khác nhau phù hợp với 36 kích cỡ cúp ngực từ 32A đến 44DD, quần lót từ kích cỡ nhỏ XS đến ngoại cỡ 3X - điều mà hiện tại Victoria’s Secret mới rục rịch thực hiện.
Không phải ngẫu nhiên Savage X Fenty được định giá hơn 1 tỷ USD và siêu sao nhạc RnB được tôn vinh là một trong những người tạo ra cuộc cách mạng theo hướng không phân biệt sắc tộc, màu da. Phụ nữ thanh mảnh hay có thân hình ngoại cỡ đều xứng đáng diện những bộ đồ lót gợi cảm.
Mặt khác, thực sự thì vết nhơ quá lớn từ Ed Razek trong gần ba thập kỷ ngồi ghế giám đốc tiếp thị vẫn chưa thể xóa nhòa hoàn toàn. Công chúng vẫn có cái nhìn ác cảm về hãng.
Ngày 23/6, trên Insidehook đăng bài viết có tiêu đề “Victoria’s Secret đã đến lúc bị khai tử? - nêu lên quan điểm từ góc nhìn của chuyên gia nội y Cora Harrington đối với chiến dịch Collective mới nhất.
Cora Harrington - tổng biên tập The Lingerie Addict, đồng thời là người xuất bản cuốn sách In Intimate Detail: How to Choose, Wear, and Love Lingerie - nhận định mọi tuyên bố sẽ gần như vô nghĩa nếu khách hàng không thể mặc hoặc không đón nhận sản phẩm của hãng.
Nhiều người muốn Victoria’s Secret nên được khép lại, Harrington cảm nhận rõ điều đó. Bà cho biết phải mất vài thập kỷ để thương hiệu đổi mới, dẫn dắt ngành thời trang nội y đi qua từng giai đoạn. Tuy nhiên, sự trở lại này chắc chắn sẽ là một cuộc đấu tranh.
“Hướng đi mới có thể phù hợp với những người không có cảm giác tiêu cực về Victoria's Secret, nhưng tôi không biết có bao nhiêu người trong số đó, hoặc liệu họ có quan tâm hay không” - Harrington nhận định.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/be-boi-tinh-duc-tiep-tuc-nhan-chim-de-che-noi-y-post1234240.html