Bẹ chuối xơ xác, quần bò rách bỏ đi... nghệ thuật kiếm tiền triệu mỗi ngày

Những thứ tưởng bỏ đi như vỏ tràm, bẹ chuối, vải quần jean cũ,... đã được một người ở Kiên Giang 'hô biến' thành những bức tranh độc đáo, giá trị. Trong khi đó, một người ở Bình Thuận đã tái chế lốp xe thành bàn, ghế, xích đu.

Chàng trai 'hô biến' bẹ chuối, quần bò cũ thành tranh

Anh Lê Hoàng Nhân (ngụ xã Đông Hưng B, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) được biết đến là một nghệ nhân đa tài, luôn tìm kiếm vật liệu mới để làm tranh. Các chất liệu vỏ tràm, bẹ chuối, vải quần jean cũ... đã được anh Nhân “hô biến” thành những bức tranh vô cùng độc đáo, sống động, mang đậm hơi thở của vùng quê miệt thứ.

"Tranh từ bẹ chuối cũng là thể loại tranh xé, dán giống như tranh vỏ tràm. Vậy nên khi sử dụng chất liệu này để làm tranh, tôi cũng không gặp nhiều khó khăn để thực hiện. Bẹ chuối sẽ được dán bằng hỗn hợp keo đã được xử lý chống mối mọt, vừa có khả năng chống nước, chống thấm. Nên độ bền của tranh lên đến 20-30 năm", anh cho biết trên báo Dân Việt.

Anh Nhân luôn tìm kiếm vật liệu mới để làm tranh (Ảnh: DT).

Anh Nhân luôn tìm kiếm vật liệu mới để làm tranh (Ảnh: DT).

Hiện mỗi bức tranh bẹ chuối được anh làm trong vòng 1 ngày, giá từ vài trăm đến vài triệu đồng.

Tái chế lốp xe bỏ đi thành 'hàng độc' ai cũng thích

Chứng kiến hàng nghìn lốp xe đã qua sử dụng chất đống bên đường, vừa lãng phí lại gây ô nhiễm môi trường, anh Dương Anh Vũ (Bình Thuận) quyết định dành thời gian tái chế lốp xe thành những sản phẩm độc đáo như bàn, ghế, xích đu,…

Anh Vũ tiết lộ, một bộ bàn ghế được tạo thành từ khoảng 70 lốp xe đạp. Sản phẩm khi hoàn thiện có thể chịu lực tới 250kg mà không cần thêm khung sắt. Mỗi chiếc ghế đều có lưng tựa, tay vịn được chế tác hoàn toàn tinh xảo từ lốp xe. Từ chân ghế, chân bàn đến lưng ghế, mặt ghế đều được bện lại từ những sợi cao su. Các bộ phận, chi tiết được kết nối chắc chắn bằng ốc vít, inox và thép. Vết rãnh vốn có trên bề mặt vỏ xe tạo nên những đường nét hoa văn rất đặc thù, lạ mắt.

Quán cà phê tạo từ 24 cây si 'khủng' ở Long An

Quán cà phê tạo từ 24 cây si

Quán cà phê nằm trên Quốc lộ 1A, huyện Thủ Thừa, Long An thu hút người đi đường và du khách nhờ thiết kế từ 24 cây si độc đáo. Toàn bộ quán không có tường, phần mái nhà thay vì dùng tôn, chủ quán đã dùng lá cây si cắt tỉa gọn để tạo không gian xanh. Bên trong quán rộng khoảng 250m2, 24 cây si được trồng theo từng hàng.

Nhờ các tán lá, quán không dùng quạt nhưng gió vẫn lồng lộng. Chủ quán sắp xếp bàn ghế nhựa, võng cho người đi đường nghỉ chân. Quán là điểm đến hấp dẫn cho nhiều du khách.

Gốc bằng lăng cườm khổng lồ, nhiều nu lạ hiếm có

Anh Nguyễn Văn Xuyên (phường Hiệp Lợi, TP. Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) sở hữu gốc bằng lăng cườm hàng trăm năm tuổi. Gốc bằng lăng này có bề hoành rộng 6m, cao 2,5m. Đặc biệt, gốc bằng lăng cườm có rất nhiều nu lạ mắt được hình thành tự nhiên.

Gốc bằng lăng cườn hàng trăm tuổi gây xôn xao.

Gốc bằng lăng cườn hàng trăm tuổi gây xôn xao.

Anh Xuyên tâm sự trên báo Dân Việt: "Thấy gốc cây bằng lăng này quý hiếm nên tôi theo đuổi 2 năm mới mua được từ một người có tiền ở Campuchia".

Chợ côn trùng ngày họp 2 tiếng, tan trước hừng đông

“Chợ côn trùng” nằm ở ngã ba Chế Lan Viên - Trường Chinh (quận Tân Bình, TP.HCM). Từ tờ mờ sáng, những người bán hàng đã bắt đầu dọn hàng. Côn trùng có đủ loại từ giun đất, sâu gạo đến cào cào, dế lửa,...

Côn trùng ở đây được thu gom từ nhiều nguồn, nuôi có, tự nhiên có, nhiều chủng loại. Những người bán ở đây chủ yếu đến từ các huyện ngoại thành như Hóc Môn, Củ Chi, thậm chí có người mang côn trùng từ Tây Ninh lên bán.

Vườn xương rồng "siêu chất" thu hút giới trẻ Hà Nội

Theo Báo Dân Việt, vườn xương rồng ở chân cầu Nhật Tân (Đông Anh, Hà Nội) đang là địa chỉ check-in, sống ảo mới thu hút giới trẻ Hà Nội.

Vườn xương rồng thu hút giới trẻ Hà Nội

Vườn xương rồng thu hút giới trẻ Hà Nội

Không gian trong vườn được trồng hàng trăm loại cây xương rồng lớn, nhỏ. Xương rồng ở đây chủ yếu được nhập từ châu Mỹ và lai tạo giống ở Việt Nam. Ngoài những loài xương rồng phổ biến như xương rồng hình trụ, hình tròn thì nơi đây còn có những giống đặc biệt như xương rồng thần long, xương rồng cầu vồng. Có nhiều loại xương rồng được lai tạo giống, đột biến gen phức tạp với chiều cao lên tới hơn 3m và ước chừng 40 năm tuổi.

Lão nông Sóc Trăng trồng chanh leo lạ, vàng óng, ngọt thơm

Báo Dân Việt thông tin, tại Hội chợ nông nghiệp quốc tế Việt Nam 2020 được tổ chức ở quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ, nhiều người bất ngờ khi một lão nông đứng giới thiệu loại trái cây mới lạ đó là chanh leo ngọt (chanh dây ngọt), khác hẳn với chanh dây vị chua xưa nay. Trái chanh leo này có vị ngọt thanh, mùi thơm đậm đà, vỏ vàng óng, quả to tròn và rất tốt cho sức khỏe.

Lão nông này tên là Nguyễn Hữu Công (61 tuổi, quê Sóc Trăng). Theo ông Công, khách rất thích thú khi được ông giới thiệu về chanh leo ngọt nên nhiều người ưng ý, mua hết 150 cây giống (100.000 đồng/cây).

Ngôi làng 'nghiện' ăn thịt chuột ở Hà Nội

Tháng 9 âm lịch hàng năm, khi vụ lúa vừa kết thúc, người dân làng Canh Nậu (Thạch Thất, Hà Nội) lại lùng sục khắp các cánh đồng để bắt chuột. Lúc này, chuột đồng ăn nhiều thóc nên béo. Chuột đồng làm sạch, thui vàng có giá từ 120.000-150.000 đồng/1kg.

Thịt chuột thường được người dân ở đây ví như ăn thịt chó, mèo, nhưng mềm và ngon hơn. Món ăn này dần trở thành “đặc sản” ở làng, từ trẻ em đến người già, phụ nữ ai cũng “nghiện”. Chế biến món ăn từ chuột là bí quyết riêng của từng vùng. Khác với chuột ở làng Giống (Hải Dương), chuột ở Đình Bảng (Bắc Ninh), ở Canh Nậu, chuột đồng được chế biến thành các món như: luộc, hấp sả, nấu giả cầy, xào sả ớt,...

Bộ tam đa phi lao, cây đa dáng làng 'độc nhất vô nhị' ở Hà Nội

Nghệ nhân Đỗ Văn Hài (Gia Lâm, Hà Nội) được giới chơi gọi là “ông vua phi lao” miền Bắc bởi ông sở hữu vườn phi lao quý hiếm bậc nhất Việt Nam, được định giá triệu USD. Mỗi cây một dáng thế rất độc lạ. Trong hàng chục cây phi lao đẹp trong vườn, ông chọn 3 cây phi lao, một cây dáng trực, hai cây dáng xiêu để tạo thành bộ tam đa độc đáo, giá 1,5 tỷ đồng.

 Bộ tam đa tiền tỷ của 'vua phi lao' miền Bắc (Ảnh: Dân Trí)

Bộ tam đa tiền tỷ của 'vua phi lao' miền Bắc (Ảnh: Dân Trí)

Ông Hài cũng là chủ nhân của cây đa dáng làng được định giá 2 tỷ đồng. Tác phẩm có dáng thế tự nhiên, thân cây ôm đá, tuổi đời khoảng 70 năm. Người nghệ nhân mất 20 năm tạo tác. Giới chơi cây đánh giá đây là cây đa dáng làng đẹp nhất Việt Nam.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/ho-bien-be-chuoi-lop-xe-bo-di-thanh-hang-doc-688838.html