'Bệ đỡ' của nông dân
Những năm qua, kinh tế tập thể mà nòng cốt là Hợp tác xã (HTX) đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Không chỉ đẩy mạnh liên kết, bao tiêu sản phẩm mà còn tạo hàng ngàn việc làm cho lao động nông thôn.
New Page 1
Liên kết tìm đầu ra cho nông sản
Bưởi da xanh Đông Hà, huyện Đức Linh có vị ngọt thanh, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. 8 năm về trước, nắm bắt được lợi thế, nhiều nông dân trên địa bàn xã đã trồng diện tích lớn loại cây này tại xứ đồng “Mũi Tàu”, thuộc địa phận thôn 2A, Đông Hà. Thổ nhưỡng phù hợp cộng với sự cần cù chăm sóc của người nông dân nên cây bưởi phát triển tốt và cho năng suất cao. Thế nhưng, thời điểm này đầu ra cho sản phẩm gặp khó khăn, giá cả không ổn định, chủ yếu bán cho các thương lái đưa về đầu vựa trái cây ở tỉnh Bến Tre rồi mới phân phối ra thị trường trong nước. Do vậy, dù ngon, ngọt như thế nào thì giá bưởi ở đây vẫn thấp hơn nhiều so với giá thị trường.
Trước thực trạng trên, để ổn định đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm và thúc đẩy sản xuất, chính quyền địa phương đã vận động bà con trồng bưởi ở xã liên kết thành lập HTX. Năm 2017, HTX Bưởi da xanh Đông Hà ra đời, gồm có 16 thành viên tập trung vào 4 ngành nghề kinh doanh: Dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất bưởi; dịch vụ cung cấp giống cây bưởi; dịch vụ giải quyết đầu ra sản phẩm trái bưởi của thành viên; dịch vụ chuyển giao khoa học công nghệ phát triển cây bưởi da xanh. Ông Nguyễn Duy Khang - Giám đốc HTX Bưởi da xanh Đông Hà cho biết: Những ngày đầu thành lập, HTX gặp muôn vàn khó khăn, thế nhưng được hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, các thành viên trong HTX đã trồng bưởi theo quy trình an toàn, cùng nhau liên kết để không bị ép giá như trước. Hiện toàn bộ sản phẩm của các thành viên trong HTX đã được công ty ở miền Tây thu mua với giá ổn định, nhờ đó đời sống của người dân ngày càng khấm khá.
“Tôi trồng 3 ha bưởi cho thu hoạch được hơn 5 năm, khi chưa tham gia hợp tác xã, mỗi lần vào vụ bưởi chín tôi phải tìm thương lái thu mua, lại còn bị ép giá. Giờ thì ổn rồi, đầu ra đã được HTX giải quyết; năm vừa rồi thu được 700 triệu đồng”, anh Nguyễn Thanh Phong, tổ 8, thôn 2A, xã Đông Hà chia sẻ.
Trong khi đó, HTX thanh long Thuận Tiến (xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc) đã ký những hợp đồng dài hạn với những đối tác lớn trong và ngoài nước, cung ứng hàng chục tấn thanh long mỗi năm cho thị trường, kể cả những thị trường khắt khe như Pháp, Mỹ... Ông Trần Đình Trung - Chủ tịch HĐQT HTX thanh long Thuận Tiến chia sẻ: Vào thời kỳ đầu thành lập, các thành viên HTX cùng tâm huyết hợp lực tổ chức sản xuất theo một quy trình chuẩn VietGAP, được hiểu là một tiêu chí tốt, an toàn và chuẩn mực trong thực hành sản xuất nông nghiệp. Đến cuối năm 2009, HTX đạt 100% VietGAP trên khoảng 40ha và phát triển đến nay lên tới hơn 88ha. “Hàng năm, chúng tôi đều tổ chức cho các thành viên tham gia nhiều cuộc hội thảo và tập huấn kỹ năng chăm sóc, xử lý, thu hoạch, bảo quản cây và trái thanh long. Nhờ sản xuất an toàn, đáp ứng được những nhu cầu khắt khe nên dù giá cả của trái thanh long có nhiều lúc bấp bênh nhưng những thành viên trong HTX vẫn có đầu ra ổn định”, ông Trung cho biết thêm.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 70% số HTX hoạt động hiệu quả, tạo đầu ra cho sản phẩm của người nông dân. Tiêu biểu như mô hình trồng nấm linh chi, nấm rơm tại HTX nông nghiệp Lạc Tánh, huyện Tánh Linh; trồng rau thủy canh ở xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh của HTX rau Tiến Phát; HTX thanh long Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc đã ứng dụng khoa học - công nghệ, chế biến thành công rượu vang từ quả thanh long…
Liên minh HTX tỉnh cũng đã ưu tiên, triển khai những giải pháp đồng bộ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các HTX trên địa bàn tỉnh đến với người tiêu dùng. Nhờ đó, nhiều HTX đã kết nối mở rộng thị trường, thu hút các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp.
Thay đổi diện mạo nông thôn mới
Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên, nhiều HTX ở tỉnh Bình Thuận còn đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM, Liên minh HTX tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Sở NN&PTNT phụ trách tiêu chí số 13.1 về xây dựng và phát triển HTX trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 187 HTX và 2 Liên hiệp hợp tác xã, trong đó 138 HTX nông nghiệp, thủy sản, chiếm tỷ lệ 75%. Nhiều địa phương để đạt được xã nông thôn mới cũng đã chú trọng xây dựng HTX trên địa bàn. Điển hình, tại xã Đức Bình, huyện Tánh Linh, mô hình HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình chuyên sản xuất lúa hữu cơ đã và đang đóng góp vào tiêu chí 13.1 của xã. Ông Nguyễn Anh Đức -gíam đốc HTX cho biết: HTX mạnh dạn làm cầu nối, vận động bà con thay đổi cách làm cũ, áp dụng kiến thức mới như tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm, tìm nhà cung ứng vật tư đầu vào. Từ đó tạo nên một chuỗi giá trị trong sản xuất, sản phẩm làm ra được thu mua theo đúng hợp đồng.
Ông Phan Đình Khiêm, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Thuận cho biết: Thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đối với khu vực kinh tế tập thể, nhận thức của người dân về vai trò của HTX trong chuỗi liên kết đã thay đổi mạnh mẽ. Các HTX đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất có hiệu quả và nhất là đã thực hiện việc liên kết, bảo đảm đầu ra cho nông sản. Mỗi HTX nông nghiệp như “cánh tay nối dài” của chính quyền trong việc quản lý, điều hành và thực hiện các chính sách, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội. Sự góp sức của các HTX đã thực sự tác động và làm thay đổi căn bản đời sống của thành viên và bộ mặt nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/be-do-cua-nong-dan-131356.html