Bé gái 7 tuổi hiến giác mạc: 'Mẹ sẽ gặp con lần nữa. Mẹ mạnh mẽ lên!'
Trong ký ức của người mẹ trẻ, con gái đã dặn dò chị rất nhiều, thậm chí con còn nói với chị: 'Mẹ ơi mẹ sẽ gặp con lần nữa. Mẹ hãy mạnh mẽ lên!'.
Chiếc Ipad lưu giữ những hình ảnh của cô bé thiên thần
Mở chiếc Ipad trong đó có lưu giữ rất nhiều hình ảnh của cô con gái nhỏ Nguyễn Hải An (7 tuổi, thôn Tân Mỹ, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội), chị Nguyễn Trần Thùy Dương (33 tuổi) cười bảo: Chị coi đây như cuốn nhật ký của con, vì ở đó không chỉ có hình ảnh của Hải An mà còn có cả những lời nhắn nhủ xuất phát từ trái tim con.
Những lời nhắn ấy, có thể do con tự viết ra, hay đơn thuần là những dòng lấy lại trên internet nhưng tất cả đều vì con thấy, những câu ấy sẽ giúp con truyền tải tới mẹ và người thân yêu điều con muốn nói trong thời gian con đang điều trị bệnh, khi giọng nói đã không còn tròn, tay cũng không còn linh hoạt để viết.
“Mẹ ơi con yêu mẹ, đừng khóc mẹ nhé!”; “Mẹ ơi, con nhớ mẹ. Mẹ nhớ uống nước đấy nhé!”; “Mẹ ơi con yêu mẹ! Mẹ nhớ cho Bun ăn nhé”; “Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi, lúc con người nằm yên giấc ngủ, mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai. Trọn kiếp người nay không còn nước mắt nụ cười, nhưng con tin rằng ngày mai trong Chúa, chẳng có nỗi buồn, đẹp mãi niềm vui”…
Đọc lại những dòng con ghi, chị Dương khẽ cười hạnh phúc: “Con ghi không theo quy luật nào. Có thể là một dòng ghi nhớ, hay câu chen giữa những tài liệu tôi đã lưu trong máy. Chính vì thế, tôi phải đọc, đọc thật kỹ, thật lâu để tìm kiếm những dòng ghi ấy của con. Nhưng tôi muốn tìm thấy thật nhiều những câu viết ấy. Đây là những gì thuộc về riêng tôi, nhớ và thương con rất nhiều”.
"Ngày bé, con như một đứa con trai. Con cũng nghịch, nghịch tới nỗi có lúc tôi tưởng con bị tăng động và đưa đi khám, nhưng các bác sĩ cho hay, cháu chỉ là quá nghịch thôi", chị Dương khẽ cười khi nhắc lại kỷ niệm thời thơ ấu của bé Hải An.
Cho tới giờ phút này, chị Dương đã hoàn thành di nguyện của con. Chị cũng đã đăng ký hiến mô tạng. “Ngày 26/2, khi tôi lên trường Tiểu học Tân Mai, nơi con gái Hải An theo học, các cô giáo cũng hỏi về di nguyện của con, tôi giật mình nhớ lại và chạy ngay tới trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để đăng ký hiến tặng mô tạng”, chị Dương tâm sự.
Với người mẹ trẻ ấy, giờ đây, mỗi kỷ vật con để lại, nếu không được ôm ấp chúng, không được ngắm nhìn hàng ngày, có lẽ chị sẽ không thể chợp mắt. Trong câu chuyện của mình chị cũng chia sẻ, nhiều người nghĩ, chị là “anh hùng” nhưng không, chị không phải “anh hùng” mà đơn giản, chị chỉ làm theo di nguyện của con.
Bố đi công tác xa triền miên, Hải An đã có những ngày trở thành… "cô sinh viên nhỏ tuổi nhất" của các thầy cô khi theo mẹ đến lớp học y, rồi thăm khám bệnh nhân cùng mẹ, cô bé ấy sớm đã hình thành trong suy nghĩ của mình khái niệm, cũng như ý nghĩa của việc hiến ghép mô tạng.
Được biết tới những ca bạn của mẹ bị bệnh và được người khác hiến tủy, hay ca hiến tim… cũng như những tâm niệm của mẹ về việc, sau này về già, khi mẹ chết đi chắc con không phải lo lắng về chuyện làm gì cho mẹ, vì tâm nguyện của mẹ, ngoài việc hiến nội tạng mẹ còn hiến xác cho y học, … Con cũng bảo: “Có khi mẹ con mình còn gặp lại nhau”.
Chị Dương vẫn nhớ như in lần con còn tỉnh táo, con chúi đầu vào tim chị rồi thỏ thẻ: “Mẹ lắng nghe, mẹ nhớ thật kỹ mẹ nhé”, rồi cả lần con nói: “Mẹ ơi mẹ sẽ gặp con lần nữa. Mẹ mạnh mẽ lên!”
Kể lại những kỷ niệm về con, chị Dương mỉm cười dù đôi mắt lúc này đang đỏ hoe. “Cháu sinh ra tại quận Hải An, TP.Hải Phòng nên vợ chồng tôi đặt tên con là Hải An. Năm con lên khoảng 2 tuổi, tôi chuyển về Hà Nội sinh sống. Thời gian đầu thuê nhà ở Thanh Xuân sau đó chuyển về Tân Mai ở. Con bị bệnh, chúng tôi phải bán nhà điều trị cho con.
Khi Hải An 5 tuổi đã phát hiện bị ung thư. Trong thời gian con nằm điều trị tại bệnh viện, nhiều lúc tôi không kìm nén được cảm xúc, tôi khóc nhưng con lau nước mắt cho tôi, thậm chí còn bảo tôi: “Mẹ ơi, mẹ đừng khóc!””, chị Dương nghẹn ngào kể lại.
Trong câu chuyện chị kể, Hải An dù nhỏ tuổi nhưng đã truyền cảm hứng và khao khát sống cho nhiều bệnh nhân khác, khi cô bé 7 tuổi ấy dặn dò một người bệnh lớn tuổi: “Bà ơi, bà phải cố như con!”.
“Khi tôi hỏi con có đau không, con không gật hay lắc hoặc bảo có hay không như bao đứa trẻ khác, con khẽ nhìn mẹ rồi nói: “Con chịu đựng được mẹ ơi!”. Tôi chỉ biết quay đi để không khóc trước mặt con”, chị Dương kể.
Lần giở những bức ảnh, chị Dương cho biết, bé Hải An rất yêu quý động vật, đặc biệt là chó, mèo. Có những khi, Hải An ôm “em” là chú chó Bun mà như quên cả sự tồn tại của mẹ.
Những câu hỏi nhói lòng của người mẹ
Đến khi Hải An rơi vào trạng thái hôn mê, chị Thùy Dương đã từng hỏi bác sĩ: “18 tháng được không bác sĩ?”, bác sĩ lắc đầu.
Chị lại hỏi: “9 tháng được không?”, bác sĩ vẫn lắc đầu. Lúc này chị chỉ biết hỏi: “Vậy tính bằng tháng hay bằng ngày?”. Lúc nghe bác sĩ nói: “Tính bằng ngày đi em!”, thậm chí tình trạng bệnh của con, có lúc đã được tiên lượng, có thể ra đi bất cứ lúc nào, kể cả lúc bác sĩ và người nhà đang nói chuyện, lúc đó trái tim chị như muốn ngừng lại nhưng cũng không thể khóc được...Song cuối cùng, điều đau đớn nhất vẫn xảy ra.
Trước khi con mãi ra đi, trên chặng đường đưa con về nhà bằng xe cứu thương, chị đã tự mình bóp bóng trợ thở cho con tới kiệt sức. Lúc con ra đi, chị đã ôm con rất lâu. “Giờ khi xem lại ảnh chụp con lúc ra đi ấy, con ngủ giống như thiên thần”, chị Dương tâm sự
Ngày biết tin giác mạc của con sẽ được hiến lại cho hai người khác, dù biết, các bác sĩ sẽ không tiết lộ danh tính của người nhận nhưng suốt buổi chiều ngày 26/2, chị Dương cứ quanh quẩn mãi ở bệnh viện Mắt Trung ương – nơi diễn ra ca ghép giác mạc, để… nghe ngóng.
Gặp bảo vệ chị lại bỏ đi, rồi một mình vòng đi vòng lại quanh khu phố Bùi Thị Xuân với hy vọng sẽ biết sớm nhất thông tin, giác mạc bé Hải An có được ghép thành công trên đôi mắt người khác hay không.
Tới khi biết được, ca ghép diễn ra tốt đẹp, chị Dương mới thở phào nhẹ nhõm ra về, dù lúc đó chị đã rất mệt.
Một tuần trôi qua, từ sau khi Hải An qua đời và hiến giác mạc lại cho y học, chị Dương cũng phải đối diện với không ít lời đàm tiếu.
Có những người còn nhắn tin bảo chị bán con hay “được nổi tiếng sướng không?”. Những lúc ấy, dù trong lòng rất đau và đầy căm phẫn nhưng chị vẫn đủ bình tĩnh để đối đáp giúp họ hiểu rằng, những gì chị đang làm xuất phát từ trái tim của một người mẹ và đó là di nguyện của cô con gái nhỏ, để chính những người ấy phải nói lời “xin lỗi” với chị.