Bé gái 8 tuổi ở TP Hồ Chí Minh bị bạo hành tử vong: Không khoan nhượng với bạo lực để bảo vệ trẻ em tốt hơn
Sự vô nhân tính khiến bé gái 8 tuổi tử vong
Mấy ngày nay, cả xã hội bàng hoàng, căm giận và đau lòng khi biết thông tin bé N.T.V.A (sinh năm 2013) sống tại chung cư Saigon Pearl, TP Hồ Chí Minh bị Võ Nguyễn Quỳnh Trang (sinh năm 1995, ngụ tỉnh Gia Lai, trú quận Bình Thạnh)– là người tình của cha bạo hành dẫn đến tử vong. Võ Nguyễn Quỳnh Trang đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh khởi tố về hành vi “Hành hạ trẻ em”. Tại cơ quan công an, Trang khai nhận có quan hệ tình cảm với ông T là cha của bé N.T.V.A và sống chung trong căn hộ chung cư. Trong quá trình sinh sống, Trang đã nhiều lần đánh đập A và đặt mua roi mây để dạy học bé A học.
Khi đánh đập bé gái 8 tuổi bằng roi mây bị gãy, Trang đã chuyển sang dùng gậy gỗ to dài. Do bị đánh nhiều ngày, chiều ngày 22/12/2021, bé A bị mệt, nôn ói và được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, ngưng tim, ngưng thở và đã tử vong trước đó. Làm việc với cơ quan công an, ông T thừa nhận có biết Trang dùng roi mây, gậy gỗ đánh con, bé có kể là rất sợ Trang nhưng người cha này không bảo vệ và không cản trở người tình dừng việc hành hạ. Bức xúc với người cha vô nhân tính, dư luận xã hội đề nghị công an khởi tố ông A.
Đau đớn xen lẫn sự căm giận là cảm xúc của Bác sĩ Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH. “Đau đớn vì một em bé vô tội đã bị đánh đập, hành hạ đến chết bởi cô người tình của người cha không còn tình người, ngay cả đối với con ruột của mình. Căm giận sự vô cảm, sự im lặng đáng sợ của những người được gia nhiệm vụ, có trách nhiệm bảo vệ trẻ em trong khu chung cư sang trọng, giữa lòng TP văn minh đã không lên tiếng và không có hành động kịp thời để bảo vệ trẻ em”- bác sĩ An bức xúc nói.
Dưới góc nhìn của chuyên gia tâm lý khi trao đổi về vụ việc bé gái 8 tuổi bị người tình của cha bạo hành dẫn đến tử vong, bà Vũ Thu Hà đau xót cho hay: Cô người tình và người cha của bé gái đã lờ đi việc bảo vệ một đứa trẻ. Hai người đó đã giáo dục đứa trẻ theo cách bạo hành ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và mạng sống của bé A. Nhưng đáng trách ở đây không thể không nói tới cha bé gái hoàn toàn không có trách nhiệm trong câu chuyện giáo dục đứa trẻ. Ông ta không quan tâm, không cho rằng cách giáo dục của người tình bất ổn cho trẻ. Và, ông này không có can thiệp gì khi hằng ngày chứng kiến những vết bầm tím trên người con - đó là môi trường cực kỳ bất lợi cho đứa trẻ, khiến bé A bị tử vong.
Nêu cao lòng nhân ái và tình thương đối với con trẻ
Vụ việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong để chúng ta nhìn lại giá trị sống cộng đồng, có trách nhiệm trong việc giáo dục trẻ. Và, cũng cảnh báo chúng ta thấy cái gì bất ổn thì can thiệp; trong trường hợp bị phản ứng thì báo cáo đến những người có trách nhiệm để được hỗ trợ. Theo Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà, những đô thị lớn có rất nhiều khu chung cư, rất cần có kênh thông tin về việc bạo hành trẻ em. Nếu thấy có vấn đề gì, mọi người hãy gọi ngay cho Ban quản lý chung cư và nơi này cũng phải có số điện thoại 111 của Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (BVTE). Mọi người làm việc, sống trong chung cư cũng phải cảm nhận được những gia đình xung quanh thường có câu chuyện, vấn đề gì.
Nhiều năm công tác và làm quản lý trong lĩnh vực bảo vệ chăm sóc trẻ em (BVCSTE), bác sĩ Nguyễn Trọng An cho rằng, để phòng ngừa bạo hành trẻ em nói chung, để những câu chuyện đau lòng như em bé 8 tuổi không bị lặp lại, trước hết trong từng gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về BVCSTE, nêu cao lòng nhân ái và tình thương đối với con trẻ; trong đó giáo dục gia đình là quan trọng hàng đầu.
Muốn vậy, cần sớm kiện toàn mạng lưới cán bộ công tác xã hội và cộng tác viên BVTE ở cộng đồng. Đội ngũ này tuyên truyền giáo dục kiến thức, kỹ năng cho các bậc cha mẹ về BVCSTE và phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em, phát hiện sớm, kịp thời tư vấn, ngăn chặn phòng ngừa không để các vụ việc bạo hành xảy ra. Tiếp đến, cần tiếp tục bổ sung, sửa đổi hoàn thiện khung luật pháp về BVTE, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hệ thống quản lý nhà nước về trẻ em. Đặc biệt, cần bổ sung thêm điều khoản “Lồng ghép cơ chế giám sát độc lập chất lượng thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam vào cấu trúc vận hành hệ thống giám sát hiện hành” tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi hoặc tội phạm bị che dấu. Và, cuối cùng là sự đảm bảo thực thi luật pháp nghiêm minh và bình đẳng, bất kể ai có hành vi bạo hành trẻ em, vi phạm pháp luật đều phải nghiêm trị.
Bày tỏ sự đau buồn và mối quan ngại sâu sắc việc bé gái tử vong do bạo lực của người mà lẽ ra em có thể tin tưởng và có thể bảo vệ, Trưởng đạo diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers cho rằng Việt Nam cần có một hệ thống bảo vệ mạnh mẽ hơn cho phụ nữ và trẻ em. Một hệ thống với các nhân viên công tác xã hội chuyên có trình độ, những người có thể xác định, can thiệp, đáp ứng nhu cầu và BVTE và phụ nữ. Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers cũng khẳng định quan điểm không khoan nhượng, có nghĩa là những người hàng xóm khi chứng kiến bạo lực hoặc nghe tiếng kêu khóc sẽ ngay lập tức báo chính quyền và yêu cầu công an phải hành động để bảo vệ nạn nhân.
Trưởng đạo diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers tuyên bố, UNICEF hỗ trợ việc xây dựng một hệ thống bảo vệ có sự điều phối của các bên liên quan. Nhưng để đảm bảo có đực sự thay đổi cho những người cần nhất, để đạt được mức độ nhận thức và trách nhiệm BVTE và phụ nữ trên khắp Việt Nam, cần có sự đầu tư nguồn lực, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ để xây dựng hệ thống bảo vệ như quốc gia trong khu vực và trên thế giới đang có.