Bé gái được tổng thống dắt đi học từng bị yêu cầu đuổi khỏi trường

Trước khi nhận sự chú ý của dư luận, hỗ trợ từ tổng thống, bé gái 11 tuổi người Bắc Macedonia từng bị nhóm phụ huynh trong lớp gửi đơn yêu cầu trường đuổi em khỏi lớp học.

Ngày 7/2, Embla Ademi, 11 tuổi, trở lại ngôi trường tiểu học ở Gostivar. Điều đặc biệt, lần này, người dắt em đi học là Tổng thống Stevo Pendarovski của Bắc Macedonia. Hình ảnh cô bé mắc hội chứng Down được người đứng đầu đất nước đưa tới lớp nhận sự quan tâm của truyền thông thế giới.

Với gia đình cô bé, đây là một trong những sự giúp đỡ lớn lao để em có thể tiếp tục đi học một cách bình thường sau khi bị tẩy chay chỉ vì em khác biệt với những bạn học khác.

 Tổng thống Stevo Pendarovski của Bắc Macedonia dắt Embla, bé gái mắc hội chứng Down, đến trường hôm 7/2. Ảnh: Văn phòng tổng thống Pendarovski.

Tổng thống Stevo Pendarovski của Bắc Macedonia dắt Embla, bé gái mắc hội chứng Down, đến trường hôm 7/2. Ảnh: Văn phòng tổng thống Pendarovski.

Bị tẩy chay vì hội chứng Down

“Hôm nay là ngày bắt đầu học kỳ II của tất cả học sinh, sinh viên. Chỉ Embla của chúng tôi không thể cảm nhận niềm vui trở lại trường vì ai đó đã ngăn cản điều này. Mọi người vui mừng khi con họ bắt đầu học kỳ mới nhưng chúng tôi băn khoăn bao giờ, con gái mới được đến lớp sau một học kỳ bị phụ huynh khác tẩy chay. Mong may mắn sẽ đến với gia đình tôi”, ông Ilir Ademi, bố của nữ sinh 11 tuổi, viết trên trang cá nhân hôm 2/2.

Chia sẻ với NovaTV, ông cho biết từ đầu năm, con gái nhận được sự hỗ trợ giáo dục nhưng phải chuyển từ lớp này sang lớp khác liên tục, thường xuyên học trong phòng tách biệt với tòa nhà chính của trường, nơi được sử dụng cho các buổi biểu diễn.

Ông bố cho hay sự việc bắt đầu vào tháng 11 năm ngoái khi một nhóm phụ huynh lớp con gái ông gửi đơn kiến nghị lên hiệu trưởng, yêu cầu trường đuổi cô bé mắc hội chứng Down khỏi lớp, chuyển vào phòng học riêng biệt.

Embla được bố trí học theo ca. Trong 2 tuần, em học ở 3 lớp khác nhau. Theo đơn của nhóm phụ huynh, đây chỉ là giải pháp tạm thời vì nữ sinh thường khiến lớp học gián đoạn và em có hành động quá khích. Nếu không tách Embla khỏi “học sinh bình thường”, họ sẽ tẩy chay lớp học.

Ông Ilir Ademi kể một trợ giảng thường theo sát em từ đầu đến cuối để “sớm phát hiện tình huống bất thường”. Ông đã rất tức giận khi trong những tuần cuối cùng của học kỳ trước, con gái phải học cùng trợ giảng trong phòng riêng lớn, lạnh lẽo do không có hệ thống sưởi, chỉ có lò sưởi.

Bài đăng của ông Ademi nhận được sự chú ý của cộng đồng mạng. Ảnh: Ilir Ademi/Facebook.

Bài đăng của ông Ademi nhận được sự chú ý của cộng đồng mạng. Ảnh: Ilir Ademi/Facebook.

Tước quyền học tập của trẻ là tội ác

Trước tình trạng đó, ông Ademi đã đưa Embla đến Trung tâm dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt Handimak. Ông Adem Idrizi, Giám đốc trung tâm, khẳng định nữ sinh không hề có tính quá khích hay gây hấn.

Ông cho rằng Embla Ademi không đáng trách chỉ vì mắc hội chứng Down. Ngược lại, người lớn cần có ý thức, trách nhiệm hơn. Ông mong những phụ huynh đã viết đơn kiến nghị đuổi nữ sinh khỏi lớp thử đặt mình vào vị trí bố mẹ cô bé để thấu hiểu.

Ông Idrizi nói thêm Embla cũng như mọi đứa trẻ khác đều có đặc điểm riêng, có thể cách mọi người tiếp cận cô bé khiến em trở nên hung dữ.

“Đó không phải lỗi của em mà là lỗi của người đã tiếp xúc, dạy dỗ em”, ông nhắc lại.

Shpend Salija, Giám đốc Hội Người khuyết tật Together We Can, cho rằng việc áp dụng giáo dục tách biệt đối với trẻ khuyết tật không phải cách làm hay. Trẻ khuyết tật có quyền học tập, hòa nhập bạn bè cùng trang lứa.

“Tôi rất buồn trước vụ việc của Embla. Đó là tội ác, có thể coi là tội phạm khi tước đi quyền học tập cũng như quyền sống của trẻ em. Điều này được pháp luật quy định, người vi phạm cần bị trừng trị. Trường học là cơ sở giáo dục, không phải để thực hiện mong muốn của nhóm phụ huynh”, ông Shpend Salija nói.

Ông dẫn thêm Luật Giáo dục Hòa nhập, theo đó, mọi trẻ em đều có quyền được giáo dục.

Bắc Macedonia cũng ký Công ước Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật và quyền giáo dục hòa nhập cho tất cả trẻ em được quy định tại Luật Giáo dục Tiểu học (điều 5 quy định chống lại sự phân biệt đối xử và thúc đẩy bình đẳng, điều 11 về giáo dục hòa nhập).

Cơ quan nhà nước lên tiếng

Sau bài đăng của ông Ilir Ademi, câu chuyện về cô bé Embla được biết đến rộng rãi. Ông cho biết chính Bộ trưởng Giáo dục và Khoa học Jeton Shaqiri cùng Thị trưởng thành phố Gostivar, ông Arben Taravari, đã hứa hẹn với gia đình việc Embla sẽ được đến trường, học tập bình thường như bao đứa trẻ khác.

Bộ trưởng Shaqiri là người đầu tiên đưa ra thông báo việc Embla trở lại trường. Ông cho rằng đây là “chiến thắng của xã hội và giá trị thực của con người”, đồng thời nhấn mạnh cần tăng cường nhận thức về trẻ khuyết tật.

Theo bộ trưởng, người khuyết tật cũng như bao người khác, có quyền tiếp cận giáo dục với chất lượng bình đẳng như mọi người.

“Đó là quyền cơ bản. Chúng ta có nghĩa vụ thực hiện nó, tạo điều kiện để mọi trẻ em phát triển, phát huy hết tiềm năng. Embla thân mến, tôi chúc cháu thành công trên con đường học vấn và sẽ luôn đứng sau, hỗ trợ cháu trong những trận chiến tiếp theo”, Bộ trưởng Jeton Shaqiri nhắn nhủ.

Văn phòng Thanh tra cũng đưa ra tuyên bố, đánh giá vụ việc cho thấy sự yếu kém của xã hội trong việc thực hiện quy định trong nước và quốc tế về giúp người khuyết tật hòa nhập.

Văn phòng nhận định không thể chấp nhận việc biến học sinh khuyết tật thành nạn nhân của những cá nhân không sẵn lòng cho sự đa dạng, gây khó khăn đối với trẻ em khi tiếp cận nền giáo dục bình đẳng được quy định tại Hiến pháp và pháp luật.

Văn phòng Thanh tra khuyến khích các bậc cha mẹ gặp tình cảnh tương tự không giữ im lặng mà tìm đến các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi con em mình.

“Đơn kiến nghị của nhóm phụ huynh nhắm vào bé gái mắc hội chứng Down là thất bại mới nhất của xã hội khi tỏ thái độ với những người dễ tổn thương nhất”, Ủy ban Helsinki về Nhân quyền lên tiếng.

Trong thư gửi truyền thông, ủy ban này đánh giá định kiến ăn sâu trong xã hội lại một lần nữa lấn át tinh thần đoàn kết và lòng đồng cảm.

Họ lên án việc quản lý trong cơ sở giáo dục ở Gostivar đã tiếp tay cho nạn phân biệt đối xử thay vì thực hiện nghĩa vụ bảo vệ trẻ em - điều lẽ ra là trách nhiệm của trường về cả mặt pháp luật lẫn đạo đức.

Ủy ban Helsinki đề nghị thành phố Gostivar cách chức hiệu trưởng. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục, Thanh tra Giáo dục cần tăng cường giám sát trong nhà trường, thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ trẻ em, tạo điều kiện để các em học tập, hòa nhập.

Dù vậy, họ cũng nhận định phản ứng, sự xử phạt từ thể chế là cần thiết song chưa đủ để xóa bỏ hành vi phân biệt đối xử với người khuyết tật.

Nhưng vụ việc mà Embla và gia đình gặp phải là sự báo động cho tình trạng bất bình đẳng, đồng thời cho thấy nỗ lực của Bắc Macedonia trong việc bảo vệ quyền lợi nhóm trẻ yếu thế.

Cô bé đã được đi học trở lại, do chính tay Tổng thống Stevo Pendarovski dắt đến cổng trường. Cùng với Bộ Giáo dục và Khoa học, các cơ quan khác, văn phòng tổng thống đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi người khuyết tật.

“Dù chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi tích cực từ nhóm phụ huynh đã kiến nghị đuổi Embla khỏi lớp, chính quyền địa phương đã hứa hẹn con gái tôi sẽ được theo học ở lớp bình thường và sự việc đáng tiếc như lần này sẽ không xảy ra”, ông Ilir Ademi chia sẻ.

Nguyễn Sương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/be-gai-duoc-tong-thong-dat-di-hoc-tung-bi-yeu-cau-duoi-khoi-truong-post1295745.html