Bé gái khát nước, uống nhầm chai dầu hỏa nguy kịch

Vừa ngủ trưa dậy, bé Ngọc tìm nước uống, không may uống phải chai dầu hỏa dẫn đến ngộ độc, viêm phổi nặng.

BS CKI Phan Hồng Sáng, khoa Hồi sức tích cực, Chống độc, Trung tâm Sản Nhi, BV đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, bệnh nhi Nguyễn Ngọc Anh, 3 tuổi được chuyển vào bệnh viện trong tình trạng kích thích, tăng tiết đờm dãi, tim đập nhanh 160 lần/phút.

Sau khi thăm khám, chụp X-quang, xét nghiệm máu, trẻ được chẩn đoán viêm phổi nặng do ngộ độc dầu hỏa và được chỉ định an thần, thở máy chỉ số cao, điều trị kháng sinh.

Phổi bé gái bị viêm nặng sau khi uống dầu hỏa

Phổi bé gái bị viêm nặng sau khi uống dầu hỏa

Bệnh nhi là trường hợp đặc biệt vì có tiền sử bệnh tim bẩm sinh và đã được phẫu thuật hai lần, ngoài ra bệnh nhi còn mắc hội chứng Down.

Chị Nguyễn Thị Hà (mẹ bệnh nhi) cho biết, gia đình chị làm nông nghiệp, cả nhà 5 người chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng nên vợ chồng anh chị phải đi làm thuê trang trải cho cuộc sống và chạy chữa cho con.

Khi xảy ra sự việc, chị đang đi làm thuê, bé Ngọc Anh được hàng xóm trông hộ và có thể con ngủ trưa dậy khát nước nên uống nhầm chai dầu hỏa dẫn đến bị ngộ độc.

Theo BS Sáng, do độ nhớt và độ bay hơi cao nên khi bệnh nhân hít, uống phải xăng dầu sẽ dễ dàng qua thanh quản vào đường hô hấp dưới đến tận các phế quản nhò và phế nang gây viêm phổi. Tùy thuộc vào số lượng và đáp ứng của bệnh nhân, các mức độ tổn thương sẽ khác nhau.

Độ nhớt thấp và độ bay hơi cao cho xăng dầu khả năng dễ dàng hít vào phổi, nhanh chóng đến tận các phế quản nhỏ và phế nang gây viêm phổi.

Các triệu chứng điển hình là ho sặc sụa, nôn, ngạt thở ngay khi uống vào, sau đó thở nhanh, co lõm ngực, khò khè.

Bệnh nhi vẫn đang được điều trị tích cực tại BV

Bệnh nhi vẫn đang được điều trị tích cực tại BV

Nếu lượng xăng dầu vào phổi nhiều, sẽ có sự phá hủy biểu mô hô hấp, vách phế nang và mao mạch phổi, gây tổn thương chất surfactant lót trong phế nang và các tiểu phế quản tận gây suy hô hấp nặng, thiếu oxy trầm trọng có thể dẫn đến tử vong.

Nếu được hấp thu từ phổi và ruột vào máu lên não, xăng dầu sẽ tác động trực tiếp trên các tế bào não gây các triệu chứng lừ đừ, kích thích, co giật, hôn mê.

Để tránh trẻ uống phải xăng dầu hay các hóa chất độc hại, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần để các chai hóa chất ở xa tầm tay trẻ.

Khi uống nhầm xăng dầu, người lớn không được móc họng gây nôn, vì khi sẽ làm hơi xăng dầu xâm nhập nhiều hơn vào đường hô hấp, chưa kể đến những tai biến có thể xảy ra như sặc chất nôn vào đường thở. Tốt nhất trong trường hợp này là nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý cấp cứu.

Thúy Hạnh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/be-gai-khat-nuoc-uong-nham-chai-dau-hoa-nguy-kich-577704.html?vnn_source=trangchu&vnn_medium=box-suc-khoe2