Bé gái rơi từ chung cư xuống đất: Làm gì để giữ trẻ an toàn?
Từ đầu năm đến nay có rất nhiều tình huống trẻ rơi từ chung cư xuống đất tử vong, vậy nên, bố mẹ cần hết sức cẩn trọng để đảm bảo an toàn cho con mình.
Ngày 31/8, một bé gái 6 tuổi bị rơi từ tầng 12 của một tòa chung cư xuống đất tử vong tại phố Hoàng Ngân, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, đã nhận được đông đảo sự quan tâm của dư luận. Theo thông tin ban đầu, nạn nhân sống ở tầng 12 của tòa chung cư và bố mẹ của bé gái không có ở nhà khi xảy ra sự việc đau lòng. Cơ quan điều tra bước đầu xác định nguyên nhân cháu bé ngã ra ngoài vì không có thanh chắn song cửa sổ.
Sự việc một lần nữa là hồi chuông báo động cho những ông bố bà mẹ, cần phải nghiêm túc quan sát lại ngôi nhà mình đang sống, sát sao hơn trong việc trông con cũng như ghi nhớ nguyên tắc để đảm bảo trẻ luôn được an toàn trong chính ngôi nhà của mình.
Theo các chuyên gia, khi sinh sống tại các khu chung cư cao tầng, để đảm bảo tính mạng cho con em mình cha mẹ nên lưu ý một số điều như sau:
Ban công phải đạt chiều cao tối thiểu 1,4m
Một trong những điều đặc biệt lưu ý khi ở nhà chung cư là ban công. Lan can ban công nhà cao tầng phải có chiều cao tối thiểu 1,4m. Một điều quan trọng khác là không được làm ban công theo thanh ngang tính từ mặt sàn lên đỉnh mà phải làm dạng thanh dọc khoảng cách không quá 10cm hoặc đặc để tránh trường hợp trẻ con trèo lên dễ dàng. Ngoài ra, làm lưới an toàn cũng là một giải pháp được nhiều gia đình lựa chọn.
Cửa sổ tối thiểu cao từ 1m
Chiều cao cửa sổ trong mỗi căn hộ phải đạt ít nhất 1m tính từ mặt sàn đến bậu cửa sổ, chiều cao lớn hơn thì càng tốt. Để đảm bảo an toàn, các hộ gia đình có thể lắp thêm lưới bảo vệ hoặc song cửa sắt.
Cha mẹ nên lưu ý việc lắp các lưới bảo vệ như lưới chống ngã, lưới chống muỗi. Những tấm lưới này đảm bảo giữ an toàn cho trẻ khi trẻ nghịch ngợm nhưng lại rất dễ cắt để có thể thoát ra ngoài qua lối ban công khi có hỏa hoạn.
Luôn đi cùng trẻ em vào thang máy
Ở chung cư cao tầng, việc đi tháng máy là không tránh khỏi. Trẻ em rất hiếu động và chưa đầy đủ các kỹ năng như đi tháng máy, nhận biết các tình huống nguy hiểm. Vì thế, phụ huynh cần phải giám sát trẻ chặt chẽ, không để trẻ tự ý đi vào thang máy vì trẻ có thể gặp các chấn thương như kẹt tay, vấp ngã, ám ảnh không gian hẹp và nghiêm trọng hơn là gặp các sự cố nguy hiểm như hỏng thang máy, tai nạn... Nguy cơ có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu và trẻ nhỏ chưa có khả năng tự xử lý các sự cố.
Ngoài ra, các gia đình nên chọn chung cư trong khoảng tầng 8-16 - vị trí không quá thấp cũng không quá cao. Ở vị trí này, căn hộ vừa có không khí trong lành, vừa tránh khói bụi, dễ di chuyển nếu xảy ra cháy nổi, mất điện, hỏa hoạn...
Cha mẹ dạy ngay cho trẻ kỹ năng khi sống ở nhà cao tầng
Đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ là vấn đề cực kỳ quan trọng. Chia sẻ Tiến sĩ Vũ Thu Hương (Nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội), cha mẹ cần quan tâm đến những nguyên tắc sau:
- Tuyệt đối không cho trẻ dưới 6 tuổi ở một mình, không có người lớn bên cạnh.
- Tuyệt đối không bế trẻ ra ban công chơi, cho trẻ đứng ở vị trí chênh vênh vì hành động đó vô tình khiến cho trẻ hình thành cảm giác đó là khu vực an toàn, có thể trèo lên lan can hoặc các vị trí nguy hiểm..
Trẻ ở độ tuổi 0-4 không thể có kỹ năng thoát hiểm. Đây không phải độ tuổi thích hợp để trẻ ở nhà một mình. Cha mẹ có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ trẻ, đảm bảo các nguyên tắc an toàn không có khoảng nguy hiểm nào đối với trẻ.
- Cha mẹ nên lưu ý việc lắp các lưới bảo vệ như lưới chống ngã, lưới chống muỗi. Những tấm lưới này đảm bảo giữ an toàn cho trẻ khi trẻ nghịch ngợm nhưng lại rất dễ cắt để có thể thoát ra ngoài qua lối ban công khi có hỏa hoạn.
Xem thêm video: Cứu sống bé gái rơi từ tầng 7 chung cư