Bế mạc Hội nghị Trung ương 6: Hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, rất quan trọng và phức tạp

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ điểm mới tại Hội nghị lần thứ 6 là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, quyết định để 3 ủy viên Trung ương Đảng sau khi bị kỷ luật thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

* Toàn văn bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

 Các đại biểu dự phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6 - Ảnh C.P

Các đại biểu dự phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6 - Ảnh C.P

Sau 7 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã diễn ra thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và bế mạc vào sáng qua 9/10.

Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và các đại biểu tham dự hội nghị đã phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc vào các tờ trình, báo cáo, đề án. Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình đầy đủ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất cao thông qua các Nghị quyết và Kết luận của hội nghị.

Phát biểu bế mạc hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) đã thành công tốt đẹp với một khối lượng công việc rất lớn, rất quan trọng và phức tạp. Qua đó, Trung ương đã hoàn thành tốt việc quán triệt, cụ thể hóa toàn bộ những nội dung cốt lõi và những vấn đề lớn nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, Tổng Bí thư làm rõ, nhấn mạnh thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả quan trọng mà hội nghị đã đạt được liên quan đến các nội dung.

Cụ thể, tình hình KT- XH, ngân sách nhà nước năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Trong đó, theo Tổng Bí thư, Trung ương nhất trí cao cho rằng cần phải tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, đúng đắn, đồng bộ hơn trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta.

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần phải khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng, từng địa phương trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tận dụng và phát huy lợi thế của nước đi sau và đang trong thời kỳ “dân số vàng”. Kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu, thúc đẩy chuyển dịch nhanh từ gia công, lắp ráp sang sáng tạo, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; chú trọng “dịch vụ hóa” các ngành công nghiệp. Coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa...

Trung ương nhất trí cao việc ban hành nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Trung ương cũng thống nhất cao cho rằng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Do vậy trên cơ sở tổng kết 15 năm triển khai thực hiện nghị quyết Trung ương 5 khóa X, Hội nghị Trung ương lần này đã nhất trí cao ban hành nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ cần kiên định các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; đẩy mạnh phân công, phối hợp, phân cấp, phân quyền, gắn với nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu. Giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, cơ chế, chính sách, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng...

Một điểm mới tại hội nghị lần này, theo Tổng Bí thư, là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét, quyết định để cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Quy định số 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo số 20 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật đối với các ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt, Bùi Nhật Quang.

Ban Chấp hành Trung ương cũng xem xét tờ trình của Bộ Chính trị và quyết định thi hành kỷ luật ông Phạm Xuân Thăng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng do có các vi phạm nghiêm trọng về nguyên tắc tập trung dân chủ, về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn đến tài sản, ngân sách nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của Đảng, chính quyền địa phương.

B.T

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=171076&title=be-mac-hoi-nghi-trung-uong-6--hoan-thanh-khoi-luong-cong-viec-rat-lon-rat-quan-trong-va-phuc-tap