Bế mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

PTĐT - Với tinh thần nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ, không ngừng đổi mới, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra.

PTĐT - Với tinh thần nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ, không ngừng đổi mới, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra. Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, minh bạch, gắn bó với nhân dân. Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh đã hoàn thành chương trình làm việc với nhiều nội dung quan trọng về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, lập pháp và giám sát tối cao.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV được chia thành 2 đợt kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung: Đợt 1 kéo dài từ ngày 20/5 – 28/5/2020; Đợt 2 kéo dài từ ngày 08/6 – 19/6/2020...Ngay những ngày đầu của kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành xem xét các báo cáo: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2019, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9… Các đại biểu Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ; tinh thần phấn đấu của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức trước những biến động lớn chưa từng có do tác động của đại dịch Covid-19; quá trình biến đổi khí hậu, hiện tượng thiên tai khắc nghiệt. Các đại biểu Quốc hội cũng đã thẳng thắn phân tích, chỉ rõ những khó khăn, thách thức, những bất cập, yếu kém của nền kinh tế và yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương chủ động bám sát tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp mà Quốc hội đã đề ra tại Nghị quyết số 85/2019/QH14 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 để sớm phục hồi kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, đời sống đối với người lao động, đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế và phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Quốc hội thống nhất với Chính phủ chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01 tháng 7 năm 2020; căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở.

Xác định công tác lập pháp là nội dung quan trọng của chương trình nghị sự, tại kỳ họp, Quốc hội dành nhiều thời gian xem xét, thông qua 10 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến về 6 dự án luật. Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội; việc nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Với Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, Quốc hội đã đồng thuận về việc giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng... Có thể khẳng định, các luật, nghị quyết được thông qua là những cơ sở pháp lý quan trọng tiếp tục góp phần tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế; xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định; đẩy mạnh cải cách bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; cải cách chế độ công chức, công vụ, nâng cao trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân.

Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Quốc hội đánh giá cao những kết quả mà Chính phủ, các cơ quan, tổ chức ở trung ương và các địa phương đã đạt được trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em; đồng thời phân tích, đánh giá làm rõ những mặt hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước, trong hoạt động thực thi pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Qua giám sát cho thấy, hệ thống chính sách, pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, kịp thời. Công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em được tăng cường. Việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em bị xâm hại được chú trọng hơn. Các vụ việc, vụ án xâm hại trẻ em cơ bản được xử lý kịp thời, nghiêm minh, góp phần phòng ngừa vi phạm, tội phạm. Đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em từng bước được củng cố. Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em còn một số hạn chế, tồn tại, như: Còn có quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ, chậm được sửa đổi, bổ sung; bạo lực đối với trẻ em xảy ra trong gia đình ít được phát hiện, xử lý; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được tiến hành thường xuyên, chất lượng, hiệu quả chưa cao, ít phát hiện được vi phạm; việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là yêu cầu bức thiết nhưng pháp luật chưa quy định đầy đủ, kịp thời nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Sau xem xét, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Để bảo đảm sự chủ động và chuẩn bị tốt nhất cho công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Quốc hội đã thành lập Hội đồng bầu cử Quốc gia (sớm hơn một kỳ so với các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân trước đây). Theo đó, Quốc hội đã bầu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giữ chức Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia và xem xét, phê chuẩn 4 Phó Chủ tịch và 16 Ủy viên của Hội đồng bầu cử Quốc gia theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia.Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV chính thức khép lại với những ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri và nhân dân cả nước. Kết quả đó thể hiện trên tất cả phương diện lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nhiều vấn đề quan trọng, nhiều định hướng lớn đã được Quốc hội xem xét, bàn thảo và thông qua, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và xây dựng phát triển kinh tế - xã hội.

Khổng Thủy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/quoc-hoi-khoa-xiv/202006/be-mac-ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xiv-171412