Bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV
Chiều 28-7, sau 9 ngày làm việc, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc của kỳ họp thứ nhất. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và phát biểu bế mạc kỳ họp.
Dự phiên bế mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; các đại biểu Quốc hội...
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp.
Kịp thời giải quyết vấn đề cấp bách và vấn đề chiến lược, dài hạn
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 9 ngày làm việc liên tục, khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, đoàn kết, trí tuệ và trách nhiệm, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công rất tốt đẹp. Quốc hội xem xét, thông qua với sự nhất trí rất cao và ban hành 29 nghị quyết, trong đó có 17 nghị quyết về tổ chức và nhân sự, 11 nghị quyết chuyên đề, 1 nghị quyết chung về kỳ họp, vừa kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, vừa quyết định những vấn đề quan trọng có tính chiến lược, dài hạn.
Quốc hội đã hoàn thành nhiệm vụ hệ trọng là xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức và bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Với sự thống nhất và tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao...
Tại kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Quốc hội cũng đã dành nhiều thời gian xem xét, quyết định hệ thống các kế hoạch giai đoạn 5 năm (2021-2025): Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công; Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đồng thời, xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025...
Trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, trên cơ sở chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và sự đồng ý của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ động đề xuất và phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chương trình, thảo luận và bổ sung vào Nghị quyết chung của kỳ họp những biện pháp cấp bách chỉ áp dụng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và chỉ giới hạn trong một thời gian nhất định nhằm tạo cơ sở pháp lý, tăng tính chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương, kịp thời đáp ứng công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch, kể cả khi tình huống dịch bệnh phức tạp hơn có thể phát sinh trong thời gian tới.
“Điều đó cho thấy, Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã lắng nghe hơi thở của cuộc sống, bám sát yêu cầu thực tiễn, hành động nhanh nhạy, kịp thời, chia sẻ, sát cánh, đồng hành cùng cả hệ thống chính trị và các cơ quan hữu quan vì mục tiêu trước hết và trên hết là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ, cử tri cả nước, các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể, đồng bào ta ở nước ngoài phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, đồng hành, tin tưởng, ủng hộ, chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tập trung thời gian, nguồn lực và công sức để kiểm soát bằng được dịch Covid-19, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn của nhân dân; trật tự, an ninh và an toàn xã hội.
Huy động mọi nguồn lực để chống dịch hiệu quả
Tại phiên bế mạc kỳ họp, với 469/469 số phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 93,99% (tính trên tổng số đại biểu), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Nghị quyết gồm 5 điểm, trong đó, xem xét, quyết định một loạt vấn đề quan trọng.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp.
Cụ thể, Nghị quyết đã quyết nghị về công tác nhân sự trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; thông qua các nghị quyết về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025. Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, sự chủ động tham gia tích cực, trách nhiệm, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đội ngũ cán bộ ngành Y tế, quân đội, công an, các tình nguyện viên… trong công tác phòng, chống dịch.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành, các địa phương chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 124/2020/QH14 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Đồng thời, chủ động điều hành ngân sách nhà nước năm 2021 phù hợp với tình hình thực tế, thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp đã đề ra trong chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm nay. Đặc biệt là thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung cho công tác phòng, chống dịch.
Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, Quốc hội tán thành việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch đã thực hiện trong thời gian qua. Đồng thời, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách trong công tác phòng, chống dịch.
Cụ thể, quyết định áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.
Trong đó, thực hiện chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vắc xin phòng dịch Covid-19 và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021; thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng dịch Covid-19; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển “Quỹ vắc xin”; truyền thông đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng và phòng, chống dịch, sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Đặc biệt, lần này, Quốc hội đã bổ sung vào kỳ họp nội dung phòng, chống Covid-19 và ra nghị quyết chung về vấn đề này để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao nhất.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Thái Nguyên): Đây là khóa thứ ba, tôi được bầu làm đại biểu Quốc hội nhưng rất hiếm khi Quốc hội làm việc cả ngày chủ nhật. Điều này, thể hiện sự quyết tâm, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Quốc hội làm tất cả vì sự phát triển của đất nước. Nhiều cử tri gọi điện, nhắn tin cho tôi, đánh giá cao những quyết sách, như thay đổi chương trình cũng như những nội dung bổ sung vào chương trình nghị quyết chung của kỳ họp về phòng, chống dịch Covid-19. Trong các phiên thảo luận, nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu về các giải pháp thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội đã được đưa ra. Quốc hội cũng đã đồng ý trao cơ chế đặc biệt để Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch, qua đó đã thể một tinh thần đổi mới, tất cả vì sức khỏe, tính mạng nhân dân.