Bế mạc Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 năm 2020 tại Hội đồng thi quốc gia số 5
Sau hơn 10 ngày tranh tài, chiều 9/10, tại Hà Nội, Hội đồng thi quốc gia số 5 của Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 năm 2020 đã tổ chức lễ bế mạc. Đến dự có Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cùng đại diện các ban, ngành chức năng.
Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 năm 2020 do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức từ ngày 28/9/2020 đến hết ngày 10/10/2020 tại 05 Hội đồng thi, trong đó Hội đồng thi quốc gia số 5 được giao cho Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội đảm nhiệm, thực hiện tại 02 điểm thi là: Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội và Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.
Đây là hội đồng thi lớn nhất tại Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 với 221 thí sinh đến từ 92 đơn vị, cơ sở giáo dục nghề nghiệp của cả nước (bằng hơn 40% tổng số thí sinh tham gia kỳ thi). Các thí sinh thể hiện kỹ năng nghề nghiệp ở 17 nghề (14 nghề thi chính thức và 3 nghề trình diễn).
Báo cáo kết quả Kỳ thi, bà Nguyễn Thanh Nhàn- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng thi quốc gia số 5 cho biết: trong số 221 thí sinh đăng ký dự thi, có 206 thí sinh chính thức tham gia thực hiện bài thi. Trong quá trình thực hiện các bài thi, các thí sinh đã chấp hành tốt nội quy, quy chế thi, đảm bảo an toàn lao động và thể hiện khá tốt kỹ năng nghề ở các bài thi.
Với mục tiêu tổ chức của một Kỳ thi “đổi mới, trong sáng, công bằng”; trên điều kiện tốt nhất về trang thiết bị hiện đại, nguyên nhiên vật liệu phù hợp, đề thi tiếp cận với đề thi của các Kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN và thế giới, các thí sinh đã tự tin, vượt lên chính mình để hoàn thành tốt bài thi; có nhiều thí sinh đã thể hiện được kỹ năng nghề đỉnh cao, có bài thi xuất sắc như: em Nguyễn Sỹ Hiếu, nghề Công nghệ ô tô; em Hà Như Minh, nghề Điện lạnh; em Nguyễn Văn Toàn, nghề Giải pháp phần mềm Công nghệ thông tin; em Dương Văn Minh, nghề Sơn Ô tô; em Vũ Kim Thảo, nghề Công nghệ thời trang; em Nguyễn Thị Tâm, nghề Chăm sóc sắc đẹp; em Nguyễn Hoàng Sang, nghề Bảo trì máy CNC; em Vũ Tùng Lâm, nghề Điện tử; em Phạm Văn Nam, nghề Thiết kế các kiểu tóc; em Dương Thị Thùy Linh, nghề Tự động hóa công nghiệp; em Trương Thành Khang, nghề Lắp cáp mạng thông tin; em Hoàng Trần Trung, nghề Kết nối vạn vật IOT; em Huỳnh Tinh Nguyên, nghề Quản trị hệ thống mạng công nghệ thông tin; em Đỗ Thị Hường, nghề Chăm sóc sức khỏe và công tác xã hội.…
"Các em đã thể hiện được giá trị của bản thân với nghề mình đã chọn. Điều này cũng chứng tỏ chất lượng đào tạo, công tác tổ chức ôn luyện của các thí sinh, các đơn vị, các đoàn tham gia đã chuẩn bị rất chu đáo, bài bản và có chất lượng"- Bà Nguyễn Thanh Nhàn nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thanh Nhàn cũng cho biết, với việc đánh giá khách quan, công bằng của giám khảo, các Tiểu ban giám khảo và ứng dụng phần mềm CIS đang được sử dụng tại Kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN và thế giới, Hội đồng thi quốc gia số 5 đã xác định và được Ban tổ chức Kỳ thi quốc gia phê duyệt kết quả thi với 121/206 thí sinh đạt giải (chiếm 59%) , bao gồm: 45 thí sinh đạt Chứng chỉ xuất sắc; 35 thí sinh đạt huy chương Đồng; 11 thí sinh đạt huy chương Bạc; đặc biệt có 30 thí sinh đạt huy chương Vàng. Những thí sinh đoạt huy chương cũng được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công nhận đạt kỹ năng nghề bậc 2. Ngay tại lễ Bế mạc, Ban tổ chức đã trao thưởng cho 76 thí sinh đạt Huy chương Vàng, Bạc, Đồng.
Chúc mừng các thí sinh đạt giải thưởng, Phó Trưởng ban Kỳ thi kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 11 năm 2020 Nguyễn Thị Việt Hương khẳng định: Kỳ thi thực sự là ngày hội đầy ý nghĩa, nơi những người học nghề, lao động trẻ cả nước cùng chia sẻ, thắt chặt tình đoàn kết và đặc biệt là góp phần thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ...và phù hợp với xu thế thay đổi trong nước, khu vực, thế giới về khoa học kỹ thuật và phát triển kỹ năng nghề, giáo dục nghề nghiệp.
Thông qua kỳ thi, thông điệp “Cải thiện quốc gia bằng sức mạnh của Kỹ năng lao động” đã được lan tỏa rộng khắp và tạo hiệu ứng tích cực đối với nhận thức xã hội về học nghề và lập nghiệp dựa vào kỹ năng nghề”.