Bế mạc Lễ hội Dừa Bến Tre lần thứ 5 năm 2019
Tối 20/11, Lễ hội dừa Bến Tre lần thứ 5 đã chính thức diễn ra bế mạc tại công viên An Hội, đại lộ Đồng Khởi, thành phố Bến Tre.
Tham dự chương trình bế mạc có đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các tỉnh bạn, các tổ chức quốc tế. Về phía lãnh đạo tỉnh có ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Ông Trần Ngọc Tam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Ông Đoàn Văn Đảnh, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ông Nguyễn Văn Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tỉnh Bến Tre;, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội; Ông Nguyễn Hữu Lập, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội...
Tham dự đêm bế mạc còn có các đồng chí đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã và thành phố, cùng đông đảo đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh, du khách trong nước và quốc tế.
Sau 7 ngày diễn ra các hoạt động, chương trình, sự kiện độc đáo, đầy ý nghĩa và mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Bến Tre, Lễ hội Dừa Bến Tre lần thứ 5 năm 2019 đã thành công rực rỡ.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, công tác tổ chức Lễ hội đã được chuẩn bị chu đáo trên cả 3 khía cạnh: truyền thông, nội dung và hậu cần. Gần 20 chương trình chính của Lễ hội đã thể hiện được nhiều ý tưởng độc đáo, tạo được dấu ấn đặc sắc.
Trong đó, phải kể đến Chương trình Khai mạc với chủ đề "Ngày mới trên quê hương xứ Dừa" được thực hiện hoành tráng, rực rỡ sắc màu và có giá trị nghệ thuật cao. Hội chợ thương mại triển lãm thu hút sự tham gia của hàng trăm đơn vị với hơn 600 gian hàng nhằm mục đích mở rộng và thúc đẩy, tiêu thụ các sản phẩm đặc thù của tỉnh Bến Tre. Hội thảo "Chuỗi giá trị cây dừa" với nhiều tham luận có giá trị, gợi mở chính sách cho hướng đi mới của cà phê Việt Nam...
Đáng chú ý là Ngày hội áo bà ba được tổ chức để tôn vinh nét đẹp áo bà ba truyền thống vốn đã trở thành biểu tượng của người dân Bến Tre – biểu trưng cho vẻ đẹp bình dị mà kiên cường của người phụ nữ Nam Bộ. Hình ảnh của hơn 2.000 người phu nữ trong chiếc áo bà ba mộc mạc đã tạo nên bức tranh nhiều màu sắc, đem lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng người dân Bến Tre cũng như du khách thập phương và bạn bè quốc tế.
Với chủ đề “Hẹn nhé Dừa ơi”, chương trình nghệ thuật đêm bế mạc Lễ hội bên cạnh chú trọng quảng bá văn hóa, hình ảnh của tỉnh, các chương trình nghệ thuật cũng hướng đến việc giới thiệu một Bến Tre - một miền đất giàu đặc sản.
Phát biểu bế mạc lễ hội, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đức đánh giá: “Qua theo dõi dư luận, hầu hết nhân dân và du khách đều đánh giá kết quả các hoạt động lần này đạt về chất lượng, nội dung, hình thức thể hiện, đúng chất lễ hội là của nhân dân. Lễ hội đã đạt được mục tiêu tăng cường quảng bá, giới thiệu ngành dừa, sản phẩm dừa Bến Tre; tạo cơ hội để nông dân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về trồng, chế biến, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo sản phẩm mới, tìm kiếm thị trường ổn định, tiêu thụ sản phẩm dừa. Qua đó phát huy giá trị văn hóa của dừa trong đời sống, giữ gìn các giá trị truyền thống, nhân văn, khai thác các tiềm năng văn hóa của dừa để phát triển kinh tế du lịch...”.
Tổng kết lễ hội dừa, đối với các nhóm hoạt động đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hoạt động hội chợ thương mại, triển lãm sản phẩm dừa và Liên hoan ẩm thực Dừa nam bộ đã diễn ra rất đa dạng, phong phú các sản phẩm với 900 gian hàng và trên 270 đơn vị, doanh nghiệp trong và tỉnh tham gia. Hội chợ thu hút khoảng 150 ngàn lượt khách tham quan và mua sắm, doanh thu đạt trên 52 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia hội chợ đã ký kết được 30 biên bản ghi nhớ tiêu thụ hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Lễ hội lần này cũng góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh để xúc tiến thương mại và đầu tư theo định hướng phát triển bền vững, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến; lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống, sự đoàn kết, thống nhất trong đa dạng và là cơ hội để tăng cường tình đoàn kết hữu nghị hợp tác giữa tỉnh Bến Tre với các địa phương trong nước và quốc tế.
Các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thiết kế mỹ thuật được đặt trọng tâm là tính cộng đồng và phục vụ cộng đồng, các yếu tố văn hóa truyền thống được thể hiện rõ nét qua các không gian thiết kế “Phố đi bộ”, “Không gian dừa” và các hoạt động xuyên suốt lễ hội. Các hoạt động văn hóa thể thao tiêu biểu được tổ chức với tính cộng đồng cao, có gần 10 ngàn lượt người trực tiếp tham gia và thu hút rất đông đảo công chúng theo dõi.
Hoạt động “Cộng đồng vui hội làng Dừa” đã góp phần tăng cường tính liên kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm. Nhất là đạt được mục tiêu đưa hoạt động lễ hội thật sự trở thành không gian của quần chúng và chính quần chúng là chủ thể thật sự tạo nên lễ hội, tôn vinh nghề nghiệp, giá trị liên quan đến dừa.
Tại lễ bế mạc, UBND tỉnh đã tôn vinh và tuyên dương các cá nhân, doanh nghiệp tiêu biểu đã gắn bó và có những đóng góp cho sự phát triển của cây dừa và ngành dừa Bến Tre. UBND tỉnh chọn tôn vinh 20 hộ gia đình nông dân và tuyên dương 37 hộ nông dân trồng dừa tiêu biểu của tỉnh. Đây là các hộ nông dân có vườn dừa quy mô, sản xuất theo quy chuẩn an toàn, đạt năng suất cao được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xét bình tuyển.
Trong khuôn khổ Lễ hội Dừa, Sở Công Thương cũng đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội thi Sáng tạo ngành dừa và tuyển chọn sản phẩm tiểu thủ công nghiệp từ dừa tiêu biểu để tôn vinh. Qua chấm thi, bình chọn, có 7 giải sáng tạo ngành dừa và 8 giải tuyển chọn sản phẩm tiểu thủ công nghiệp từ dừa, 10 doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu ngành dừa được tôn vinh.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/be-mac-le-hoi-dua-ben-tre-lan-thu-5-nam-2019-d111398.html