Bế mạc Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều nay, 9.1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 29. Trước đó, trong phiên làm việc buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc giải thích quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Hồ Long
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 1,5 ngày làm việc, các nội dung trong chương trình phiên họp tháng 1.2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành. Qua kết quả phiên họp, hầu hết các nội dung có liên quan đến chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Năm đã được chuẩn bị cơ bản, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Riêng đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ cần làm kỹ lưỡng hơn nữa. Căn cứ vào kết quả phiên họp ngày 9.1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp thêm một phiên bổ sung để cho ý kiến đối với dự án Luật này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện dự án Luật này; đồng thời, đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phối hợp với các Ủy ban thẩm tra ban hành thông báo kết luận sớm nhất để các cơ quan có cơ sở tổ chức thực hiện.
Phát sinh một số vướng mắc trong quá trình thực hiện
Theo Tờ trình về việc giải thích quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư côn do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 13.6.2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2020. Trong đó, khoản 1 Điều 6 về phân loại dự án đầu tư công quy định: “1. Căn cứ vào tính chất, dự án đầu tư công được phân loại như sau: a) Dự án có cấu phần xây dựng là dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án; b) Dự án không có cấu phần xây dựng là dự án mua tài sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc và dự án khác không quy định tại điểm a khoản này.”
Quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc, nhất là cách hiểu chưa thống nhất giữa các cơ quan về quy định nêu trên. Do đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải thích bằng văn bản quy định này để thống nhất cách hiểu trong tổ chức thực hiện, khơi thông nguồn lực công, đáp ứng hoạt động của bộ máy nhà nước.
Báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, nội dung tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công là để phân loại dự án đầu tư công, không có nghĩa cấm sử dụng các nguồn vốn khác cho việc mua sắm, sửa chữa nhỏ, bảo trì, bảo dưỡng. Quy định của Luật Đầu tư công đã rõ, tuy nhiên, để giải quyết vướng mắc của Chính phủ về cách hiểu đối với khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công, tạo điều kiện cho Chính phủ xử lý dứt điểm các vướng mắc trên thực tiễn, các ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách thống nhất việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có ý kiến về nội dung này.
Có ý kiến cho rằng, khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công đã quy định cụ thể về phân loại dự án đầu tư công, nên việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích pháp luật là không phù hợp. Cũng có ý kiến cho rằng, Tờ trình số 709/TTr-CP của Chính phủ nêu các khó khăn, vướng mắc trong việc phân bổ, bố trí dự toán và sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên, trong đó, một số vấn đề chưa được quy định rõ trong pháp luật hiện hành, vì vậy, cần trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho biết, Thường trực Ủy ban nhận thấy, việc sử dụng nguồn chi thường xuyên không thuộc phạm vi giải thích pháp luật tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công mà cần căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan để thực hiện. Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành để có quy định hướng dẫn sử dụng bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ, đúng quy định, không bị lạm dụng. Trong dài hạn, để bảo đảm tính chặt chẽ hơn, đề nghị Chính phủ rà soát, nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công để quy định rõ ràng, cụ thể đối với trường hợp, quy mô, tính chất các nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn đầu tư công hay chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước để các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai thực hiện thống nhất.
Cần rà soát các luật để quy định chi tiết, chặt chẽ hơn
Qua thảo luận, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công đã rất rõ ràng, dễ hiểu. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ, trong thực tế, liên quan đến lĩnh vực đầu tư công đã có Nghị quyết của Quốc hội về đầu tư công trung hạn cho cả nhiệm kỳ, quy định chi tiết số lượng không quá 5.000 dự án, đồng thời cũng ghi rõ của trung ương bao nhiêu, của địa phương bao nhiêu kèm theo danh mục.
Mặt khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8.7.2020 quy định về các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, tại Điều 3 quy định “Các ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 bao gồm các nhiệm vụ, chương trình, dự án phục vụ mục tiêu xây dựng, cải tạo, nâng cấp trụ sở, nhà công vụ, mua sắm trang thiết bị của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị nhà nước”.
Bên cạnh đó là Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 1.9.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022. Khoản 1 Điều 4 Nghị quyết này quy định “Định mức phân bổ theo tiêu chí biên chế đã bao gồm kinh phí bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa thường xuyên các công trình cơ sở hạ tầng, tài sản phục vụ công tác chuyên môn; kinh phí mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc của cán bộ, công chức theo quy định”.
Đối chiếu như vậy, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là nguồn chi này có thể gồm cả nguồn đầu tư công và nguồn chi thường xuyên. Những gì đã lập dự án đầu tư công theo hình thức đầu tư công thì thực hiện theo Luật Đầu tư công; ngoài đầu tư công thì là chi thường xuyên.
Chính vì vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, không phải vướng ở Luật Đầu tư công mà do cách hiểu, cách vận hành trong thực tế. Khoản 1 Điều 6 chỉ là điều luật phân loại dự án đầu tư công theo tính chất và quy mô. Về lâu dài, cần rà soát Luật Ngân sách nhà nước và các luật hiện hành để quy định chi tiết, chặt chẽ hơn.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, để tháo gỡ các vướng mắc trong thực tế hiện nay do các quy định dưới luật và thống nhất thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Điều 6 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định về phân loại dự án đầu tư công theo tính chất (khoản 1) và theo mức độ quan trọng của quy mô (khoản 2) để làm căn cứ áp dụng các quy định pháp luật trong việc xác định trình tự, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện. Điều 6 Luật Đầu tư công không quy định nhiệm vụ, khoản chi nào phải dùng vốn đầu tư công, cũng như không quy định phải dùng vốn đầu tư công để chi cho khoản chi cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất cho các dự án đã đầu tư xây dựng khi sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các luật khác có liên quan không có quy định nào cấm sử dụng chi thường xuyên để thực hiện xây dựng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng mua sắm sửa chữa tài sản công được phép sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước bố trí dự toán hàng năm để thực hiện việc xây dựng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng, mua sắm, sửa chữa tài sản công”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo đề nghị của Chính phủ trong trường hợp cần thiết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, Chính phủ có thể xử lý theo hai hướng. Thứ nhất, nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn về vấn đề này. Thứ hai, nếu thấy cần thiết ban hành nghị quyết để giải thích pháp luật thì Chính phủ cần hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy trình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách sẽ chủ trì phối hợp với Ủy ban Pháp luật thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.