Bế mạc Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chiều 11/7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), đã bế mạc Phiên họp thứ 35 sau 1,5 ngày làm việc tập trung, nghiêm túc, trách nhiệm cao.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Phiên họp đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc Phiên họp. Ảnh: VPQH

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc Phiên họp. Ảnh: VPQH

Tại Phiên họp, UBTVQH đã xem xét, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền. Cụ thể, UBTVQH đã xem xét, thông qua 3 nghị quyết về tổ chức bộ máy của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, bao gồm: Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thành lập đơn vị cấp phòng tại Viện kiểm sát quân sự Trung ương; Nghị quyết thành lập Viện kiểm sát quân sự Quân đoàn 12, Viện kiểm sát quân sự khu vực Quân đoàn 12; Nghị quyết giao bổ sung số lượng Kiểm sát viên của Viện kiểm sát quân sự.

UBTVQH cũng xem xét, thông qua 2 nghị quyết quy định các nội dung về: việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án dự kiến bố trí nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở các tờ trình, báo cáo thẩm tra, ý kiến của UBTVQH tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ để khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện cả về nội dung và kỹ thuật các dự thảo nghị quyết để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Tại Phiên họp này, UBTVQH cũng đã cho ý kiến về chủ trương và công tác chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Quốc hội về hoạt động giám sát; tiến hành đánh giá, tổng kết Kỳ họp thứ 7 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5, tháng 6/2024.

Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH và phát biểu kết luận của các Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành từng nội dung, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẩn trương ban hành và thông báo kết luận liên quan đến từng nội dung nêu trên, để các cơ quan liên quan có căn cứ tổ chức triển khai thực hiện.

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, từ nay đến hết quý III năm 2024, khối lượng công việc của UBTVQH rất lớn. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan hữu quan lưu ý bám sát chương trình, kế hoạch, tổ chức công việc khoa học, hợp lý; tập trung, nỗ lực với quyết tâm cao độ để bảo đảm tiến độ, chất lượng các hoạt động.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ, căn cứ dự kiến chương trình các Phiên họp tháng 7, tháng 8, tháng 9, khẩn trương gửi hồ sơ, tài liệu đến các cơ quan của Quốc hội bảo đảm thời gian theo quy định, không để chậm, muộn, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thẩm tra, cho ý kiến; hạn chế tối đa việc đề nghị bổ sung nội dung ngay sát phiên họp.

“Đề nghị các cơ quan của Quốc hội theo lĩnh vực phụ trách và phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan, nắm thông tin tiến độ chuẩn bị; nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến khi Chính phủ gửi hồ sơ, tài liệu để báo cáo UBTVQH” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Trước đó, cũng trong phiên họp chiều 11/7, UBTVQH đã tổng kết Kỳ họp thứ 7 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo về bước đầu chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật và cho ý kiến về 12 dự án luật khác (Trong trường hợp Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) được chuẩn bị tốt, đủ điều kiện thông qua theo quy trình tại một kỳ họp thì tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 dự án luật và cho ý kiến về 11 dự án luật khác). Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát chuyên đề và các vấn đề quan trọng khác.

Dự kiến Quốc hội khai mạc vào thứ Hai, ngày 21/10/2024 và thời gian Đợt 1 là 15 ngày (từ ngày 21/10 đến ngày 08/11/2024); Đợt 2: 09 ngày, từ ngày 18/11 đến ngày 28/11/2024; Quốc hội làm việc khoảng 24 ngày, bế mạc ngày 28/11/2024 (bố trí dự phòng ngày 29/11/2024).

Do số lượng nội dung lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng tại Kỳ họp thứ 8 rất lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp nên Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất tiếp tục tổ chức Kỳ họp thứ 8 theo 02 đợt họp (với khoảng cách 09 ngày giữa 02 đợt họp) để có thời gian cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.

Trường hợp có các dự án luật, nghị quyết được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thì thời gian tiến hành Kỳ họp sẽ tăng thêm từ 01 đến 02 ngày, dự kiến bế mạc muộn nhất vào ngày 30/11/2024.

Đ. KHOA - K. THANH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/be-mac-phien-hop-thu-35-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-33002.html