Bế mạc Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sau 1,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 4 dự án luật: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Việc làm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, bám sát kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật bảo đảm thuyết phục để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm: Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc thực hiện dân chủ trong nội bộ các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Hội đồng nhân dân các cấp.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để hoàn thiện 2 dự thảo nghị quyết, trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành, lưu ý những nội dung liên quan đến việc thay đổi chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiện nay để quy định cho phù hợp.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12-2024; cho ý kiến về đề cương giám sát chuyên đề của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành"; cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV.
Nêu rõ thời gian từ nay đến khi diễn ra Kỳ họp bất thường lần thứ chín không còn nhiều, trong khi các nội dung được xem xét rất quan trọng để phục vụ sắp xếp tổ chức tinh gọn bộ máy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cho kỳ họp, xem xét cụ thể, làm việc ngày đêm, kể cả thứ bảy, chủ nhật.
Về nội dung kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội xem xét, sửa đổi các luật: Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đặc biệt, sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để Chính phủ có thể sửa các nghị định, thông tư phục vụ quá trình điều hành kinh tế - xã hội ngay từ tháng đầu, quý đầu của năm 2025. Khi Chính phủ bảo đảm các điều kiện, hồ sơ trình thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để gửi ngay cho đại biểu Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội phối hợp, giám sát để đôn đốc thẩm tra từ sớm, từ xa một cách kỹ lưỡng, sớm và đầy đủ.
Cùng với việc chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội cần tập trung cao để triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, hoàn thành các đề án, văn bản bảo đảm tiến độ trình Hội nghị Trung ương giữa tháng 2-2025, nhất là các nhiệm vụ cần hoàn thành trước ngày 15-1-2025 theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Bên cạnh những nhiệm vụ then chốt trên, thời gian tới, các cơ quan phải chuẩn bị tốt tổ chức thành công Diễn đàn Quốc hội về hoạt động giám sát, Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF), Diễn đàn nghị viện về hợp tác Pháp ngữ về Nông nghiệp bền vững, An ninh lương thực và Ứng phó với biến đổi khí hậu do Việt Nam đăng cai tổ chức; xây dựng triển khai hoạt động của Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội dịp Tết Nguyên đán bảo đảm chu đáo, thiết thực, hiệu quả.