Bế mạc phiên họp thứ 52 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng 12-1, tại Nhà Quốc hội (QH), Ủy ban Thường vụ QH bế mạc phiên họp thứ 52 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu.
Sáng 12-1, tại Nhà Quốc hội (QH), Ủy ban Thường vụ QH bế mạc phiên họp thứ 52 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu.
Phát biểu ý kiến bế mạc phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nêu rõ: Phiên họp thứ 52 Ủy ban Thường vụ QH đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra. Các nội dung được chuẩn bị tương đối chu đáo, đầy đủ, là cơ sở giúp Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định. Đề nghị Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước báo cáo Chủ tịch nước chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, Kiểm toán Nhà nước tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH để bổ sung hoàn thiện các báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ trình QH khóa XIV tại kỳ họp thứ 11.
Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh, Thường trực các Ủy ban của QH liên quan, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ QH phối hợp các cơ quan hữu quan thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ QH đối với các nội dung thuộc trách nhiệm, khẩn trương hoàn chỉnh các nghị quyết đã được thông qua tại phiên họp để trình ký ban hành. Thời gian tới, các cơ quan hữu quan cần tập trung chuẩn bị tốt phiên họp thứ 53 Ủy ban Thường vụ QH, kỳ họp thứ 11, QH khóa XIV và công tác tổ chức bầu cử QH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Trước đó, sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của TAND tối cao, Viện KSND tối cao. Các ý kiến nhấn mạnh, trong bối cảnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, nhưng Viện KSND tối cao, TAND tối cao đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ. Nhìn chung, kết quả công tác có nhiều chuyển biến tích cực, về cơ bản đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu trong các nghị quyết của QH, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giải quyết kịp thời các tranh chấp, khiếu kiện; góp phần quan trọng giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nêu rõ một số bất cập, hạn chế trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án, công tác xét xử các vụ án, vụ việc; các ý kiến đề nghị: Các ngành cần triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, hạn chế thấp nhất việc làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm; tăng cường kiểm sát chặt chẽ, thường xuyên việc tạm đình chỉ điều tra, nhất là các vụ án sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự để yêu cầu phục hồi điều tra khi có căn cứ. Đồng thời, có các giải pháp khắc phục những hạn chế trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, các vụ án hành chính và nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, bảo đảm chỉ tiêu, yêu cầu theo nghị quyết của QH, bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân. Khắc phục tình trạng bản án phải hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan, việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng chưa chính xác...
Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ QH xem xét, phê chuẩn quyết định của Viện trưởng KSND tối cao về việc thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND tối cao.
Cũng trong phiên làm việc sáng qua, Ủy ban Thường vụ QH biểu quyết thông qua bốn nghị quyết: Thành lập thị trấn Cát Tiến thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định; thành lập hai phường: Quỳnh Lâm, Trung Minh thuộc TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; thành lập năm phường: Hương Mạc, Phù Chẩn, Phù Khê, Tam Sơn, Tương Giang thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Đắk Nông.