Bế mạc trại sáng tác kịch bản sân khấu tại Đà Lạt

Sau 12 ngày diễn ra (từ ngày 12/5 - 23/5), Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức bế mạc trại sáng tác kịch bản sân khấu tại Đà Lạt.

Toàn cảnh lễ bế mạc

Toàn cảnh lễ bế mạc

Tham dự trại viết lần này có 20 nhà biên kịch đến từ khắp 3 miền đã mang đến Đà Lạt 20 đề cương kịch bản. Những ngày ở trại viết, các tác giả đã tập trung làm sáng lên ý tưởng, hình tượng nghệ thuật, sắc hơn các tình huống, xung đột, lời thoại, hành động nhân vật trong tác phẩm của mình. Tác giả tham dự trại đủ mọi lứa tuổi, cao tuổi nhất là 78, trẻ nhất là 25 tuổi làm cho trại viết trở thành “trường học”, thế hệ biên kịch đi trước truyền kinh nghiệm, tình yêu nghề cho thế hệ sau; họ cùng nhau trao đổi, đóng góp ý kiến, sửa chữa, đọc tác phẩm cho nhau nghe, nâng cao chất lượng kịch bản, học hỏi lẫn nhau để trau dồi kỹ năng viết. Từ đó tạo ra lớp nhà biên kịch trẻ kế cận; đồng thời, đã tạo ra các kịch bản hay, có giá trị về nội dung tư tưởng và nghệ thuật cho nền sân khấu nước nhà.

Trao các kịch bản sân khấu cho Nhà Sáng tác Đà Lạt

Trao các kịch bản sân khấu cho Nhà Sáng tác Đà Lạt

20 kịch bản sân khấu đã hoàn thiện; trong đó, có 14 kịch nói, 3 cải lương, 2 chèo, 1 tuồng. Nội dung xoay quanh các chủ đề như chính kịch, anh hùng ca, lịch sử, ký ức chiến tranh, tình yêu, khát vọng, tâm lý xã hội, thiếu nhi... có nội dung phản ánh mọi mặt đời sống xã hội. Nhiều góc cạnh cuộc sống, nhiều số phận giữa đời thường, những tấm gương lớn trong lịch sử đã được các tác giả biến thành những nhân vật sân khấu, ấn tượng và sắc nét. Có thể kể các kịch bản: Cuộc chiến cuối cùng (Lê Hữu Hảo), Đường sáng (Nguyễn Thanh Bình), Những ngôi sao trong mắt bão (Ha Linh), Trái tim (Thường Nguyễn), Nắng dưới gầm cầu Long Biên (Nguyễn Hiếu), Khát vọng về nguồn (Mỹ Dung), Mưa rừng, Người đẹp đất sen hồng (Đức Hiền), Sang như nước mắt (Hồng Tân), Trăng yêu thương (Hà Thu), Giữ nước (Lê Công Phượng), Đất cù lao (Trương Cổ Chiên)…

Trại sáng tác là “trường học” của nhiều nhà viết kịch trẻ học hỏi thế hệ đi trước (ảnh chụp nhà biên kịch Trương Cổ Chiên, 25 tuổi, là tác giả của nhiều kịch bản cải lương)

Trại sáng tác là “trường học” của nhiều nhà viết kịch trẻ học hỏi thế hệ đi trước (ảnh chụp nhà biên kịch Trương Cổ Chiên, 25 tuổi, là tác giả của nhiều kịch bản cải lương)

Các kịch bản từ trại sáng tác sẽ là nguồn chất liệu để các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp dàn dựng làm nên nhiều tác phẩm hay mang hơi thở đương đại, kéo khán giả đến với ánh đèn, làm sống dậy nền sân khấu Việt Nam từ lâu thưa vắng khán giả.

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202005/be-mac-trai-sang-tac-kich-ban-san-khau-tai-da-lat-3004948/