Bế tắc báo hiệu bất lành

Sau khi thất cử ở cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu và bầu cử Quốc hội Pháp trước thời hạn, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hiện gặp khó khăn và khó xử lớn trong việc thành lập chính phủ mới ở đất nước này.

Trên cương vị Tổng thống, ông Macron có quyền đề cử bất cứ ai làm thủ tướng đứng đầu chính phủ mới, nhưng chính phủ này phải được Quốc hội phê chuẩn. Trong Quốc hội hiện tại, được bầu ra trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn mới rồi, phe cánh chính trị của ông Macron từ lớn nhất trong Quốc hội đã tụt hạng xuống vị trí thứ hai, trên đảng cánh hữu, cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa Tập hợp quốc gia (RN), nhưng lại xếp sau liên minh các đảng phái cánh tả Mặt trận nhân dân mới (NFP) tập hợp các đảng phái chính trị như đảng Xã hội, đảng Xanh, đảng Cộng sản...

Không phe nào trong số 3 phe này có được đa số tuyệt đối trong Quốc hội mới, nhưng liên minh NFP đòi được quyền đứng ra thành lập chính phủ vì là phe thắng cử.

Thông thường, ở các nước phương Tây đều sẽ là như vậy nếu các đảng phái chính trị khác trong Quốc hội không tự tập hợp nhau lại để có được đa số dân biểu trong Quốc hội. Trong khi đó, ông Macron lại kiên quyết không chịu đề cử người của liên minh NFP làm thủ tướng.

Lý do được ông Macron đưa ra để biện luận là thủ tướng là người thuộc phe cánh tả thì đằng nào cũng sẽ bị các đảng khác trong Quốc hội phủ quyết. Biện luận này trong thực chất rất khiên cưỡng vì liên minh NFP và phe cánh hữu RN tuy khác biệt quan điểm nhau rất cơ bản nhưng lại cùng chung quyết chí không để cho phe cánh của ông Macron tiếp tục thành lập chính phủ lần nữa và phe RN chắc chắn sẽ hậu thuẫn việc người thuộc phe cánh tả đứng ra thành lập chính phủ.

Đến nay, 8 tuần sau ngày bầu cử Quốc hội, nước Pháp vẫn chưa thành lập được chính phủ mới và ông Macron bế tắc giải pháp cho vấn đề này.

Từ khi hình thành nền Cộng hòa thứ 5 vào năm 1958 đến nay, nước Pháp chưa khi nào không có chính phủ cầm quyền lâu như hiện tại.

Ông Macron đang tìm mọi cách để liên minh cánh tả không thể thành lập chính phủ mới bởi phe cánh này hiện là thách thức quyền lực đáng gờm nhất đối với cá nhân ông Macron và phe cánh chính trị của ông. Phe này nếu thành lập chính phủ sẽ dùng cương vị hành pháp để ganh đua và thu hẹp phạm vi quyền lực của ông Macron, đặc biệt là sẽ lật ngược không ít thành quả cầm quyền mà ông Macron đã đạt được.

Chia sẻ quyền lực với phe liên minh NFP không chỉ đơn thuần là sự thất thế và mất uy tín mà sẽ còn đẩy ông Macron vào tình thế gần như không còn có thể làm nổi chuyện gì lớn lao trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống Pháp hiện tại.

Nếu không làm tan rã được liên minh NFP và lôi kéo được một vài đảng phái trong đó ly khai NFP để đứng về phe mình thì ông Macron không thể thành lập được chính phủ mới. Chỉ có điều là việc này hiện bất khả thi nhiều hơn là khả thi.

Ông Macron có thể đề cử một ai đó chẳng thuộc phe cánh chính trị nào làm thủ tướng và thành lập chính phủ nhưng liên minh NFP và phe RN có chấp nhận hay không thì hiện chẳng ai dám chắc ở Pháp. Biết vậy mà vẫn làm thế thì đâu có khác gì “đếm cua trong lỗ”.

Không thành lập được chính phủ mới, ông Macron chẳng khác nào ở trong tình trạng nói không có người nghe, quyết không có ai triển khai thực hiện. Chính vì vậy, bế tắc chính trị hiện tại liên quan đến chuyện thành lập chính phủ mới báo hiệu những điều bất lành cho nước Pháp.

Khoảng cách từ mất ổn định chính trị đến khủng hoảng chính trị - xã hội đâu có xa.

Đại sứ Trần Đức Mậu

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/be-tac-bao-hieu-bat-lanh-676289.html