Bế tắc nuôi dạy con tuổi teen, vợ cầu cứu chồng cũ
Con gái không chịu nghe lời tôi. Con bé nghĩ rằng mình đã 15 tuổi, mình có khả năng tự tìm hiểu và quyết định mọi thứ.
Con la mắng tôi mọi lúc và thậm chí còn nói những điều rất khó chịu. Tôi biết nhiều lần con lẻn ra ngoài vào ban đêm và trốn học ở trường. Tôi nghĩ đây không chỉ là biểu hiện của một giai đoạn nổi loạn. Nhưng tôi cũng không biết vì sao con lại có những hành động như vậy. Rõ ràng con không chịu nhìn vào tôi để học tập.
Tôi bế tắc vì không biết phải làm gì với con. Tôi muốn trở thành một người mẹ tốt, luôn ủng hộ con, nhưng tôi không thể đứng nhìn và chứng kiến điều này. Tôi thực sự lo lắng về tương lai của con trong khi con dường như không quan tâm chút nào. Con trở nên vô tâm và bất cần. Tôi đau đớn và hối hận vì những điều đã xảy ra trong quá khứ. Trước khi ly hôn và giành được quyền nuôi con, tôi chưa bao giờ nghĩ đến tình huống khó khăn này.
Không còn cách nào khác, tôi đã nhấc máy để tâm sự với chồng cũ. Sau khi nghe tôi kể mọi chuyện, anh nói: “Cảm ơn em vì đã chia sẻ những điều này với anh. Anh biết, em đang trải qua giai đoạn vô cùng đáng sợ. Khi nghe em kể, anh đã tưởng tượng em đau lòng đến nhường nào khi nghe con gái của chúng ta la mắng và nói những điều khó chịu. Biết con tham gia vào các hành vi có nguy cơ gây ra hậu quả nghiêm trọng, anh cũng có cảm giác lo lắng và bất lực...”.
Trò chuyện qua điện thoại là không đủ để giải quyết vấn đề. Anh đã hẹn gặp tôi tại căn hộ tôi và con gái đang ở. Khi anh đến, con không có ở nhà. Đây là điều kiện thuận lợi để chúng tôi cùng nhau thảo luận và tìm hướng giúp đỡ con.
Đó là lần đầu tiên tôi có cảm giác mình đã đánh giá sai về anh. Anh không phải là người đàn ông hời hợt và vô trách nhiệm như tôi từng nghĩ. Cách anh nhận định về con có nhiều thứ để tôi phải học tập.
Anh nhẹ nhàng trấn an tôi: “Khi em không thể kiểm soát hành vi của con, thì tốt nhất là chuyển trọng tâm sang người mà em có thể kiểm soát: chính là bản thân em. Em thấy đấy, khi em không thể ép buộc con làm theo ý mình, em cảm thấy vô cùng ức chế. Điều này có hại cho em trước tiên, và nếu em không kiểm soát được cơn ức chế, em còn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến con.
Em đã bao giờ thử tiếp cận con với sự quan tâm của một người mẹ, thay vì chăm chú nhìn vào những sai lầm của con? Khi em bắt gặp con đang làm điều gì đó mà con không được phép làm hoặc khi hai mẹ con đang tranh cãi, anh nghĩ cả hai đều không có tư cách tốt nhất để có một cuộc trò chuyện mang tính xây dựng.
Tuy nhiên, khi có sự bình yên tương đối trong nhà, cuộc trò chuyện có thể diễn ra tốt hơn rất nhiều. Có bao giờ em gõ cửa phòng con và hỏi con có thể dành vài phút để nói chuyện? Khi con tuyệt vọng vì điều gì đó, có khi nào em nói câu: “Mẹ ở đây vì con” chưa?
Em đừng nản ngay cả khi con từ chối mở lòng. Sự quan tâm của em đang gieo một hạt giống có thể đơm hoa kết trái ở một thời điểm nào đó trong tương lai. Anh hiểu, một mình nuôi con không đơn giản chút nào, đặc biệt là khi con đang ở độ tuổi ương bướng. Chúng ta đã chia tay, nhưng chúng ta vẫn là cha mẹ của con.
Bạn bè của anh cũng gặp khó khăn hệt như chúng ta vậy. Việc nuôi dạy một đứa trẻ đang lớn là thử thách vô cùng khó khăn. Anh hy vọng em luôn sẵn sàng đón nhận sự hỗ trợ cần thiết cho chính mình.
Anh hứa, anh sẽ trò chuyện cởi mở và thẳng thắn với con. Khi chúng ta làm tốt phần việc của mình, chúng ta sẽ tìm ra một số cách tiếp cận khác nhau để kết nối với con. Anh tin rằng đây chỉ là một giai đoạn thử thách, chúng ta cần sự kiên nhẫn để cùng con vượt qua khủng hoảng. Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi”.
Thủy Kiều