Bế tắc trong việc giải quyết căng thẳng tại Ladahk, giải pháp nào cho Ấn Độ ở biên giới với Trung Quốc?
Cuộc xô xát giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc vào ngày 15/6 là vụ đụng độ thương vong nhiều nhất giữa hai nước trong 45 năm qua. Ấn Độ có những sự lựa chọn nào để khôi phục Đường kiểm soát thực tế Ấn Độ - Trung Quốc (LAC)?
Cuộc xung đột giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ở phía đông Ladahk hiện đã bước tới tuần thứ chín . Một cuộc đối thoại giữa hai bộ trưởng ngoại giao, ba vòng đàm phán cấp tướng tư lệnh quân đoàn của hai nước cùng nhiều cuộc thảo luận ở cấp độ ngoại giao và quân sự khác – đều chưa thể phá vỡ thế bế tắc. Hôm thứ 6 (3/7), Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi tuyên bố: " Những thế lực thù địch với Ấn Độ đã thấy ngọn lửa và cơn thịnh nộ của lực lượng quân đội chúng ta", đồng thời đưa ra cảnh báo rằng, "những cam kết vì hòa bình của Ấn Độ không phải là điểm yếu để kẻ thù có thể lợi dụng".
Vậy những giải pháp nào mà Ấn Độ có thể sử dụng nhằm khôi phục lại tình trạng hiện tại cho Đường kiểm soát thực tế ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc?
Phương án 1: Sử dụng vũ lực tại khu vực
Phương án đơn giản nhất mà Ấn Độ có thể sử dụng là sử dụng vũ lực để buộc binh sĩ Trung Quốc rút khỏi khu vực mà họ chiếm đóng trong suốt tám tuần qua và phá hủy hết toàn bộ các cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đã xây dựng bên phía Ấn Độ xung quanh đường LAC.
Tuy nhiên, điều này sẽ khiến tình hình căng thẳng và có khả năng làm nổ ra một cuộc chiến tranh thực sự. Như hôm 15/6, ngay cả nỗ lực hạn chế binh sĩ Trung Quốc rút khỏi đài quan sát gần PP14 cũng đã đủ để dẫn đến một cuộc đụng độ không cần thiết khiến cho cả hai nước đều có thương vong.
Khả năng xảy ra: Không có khả năng
Phương án 2: Chiến thuật "Có qua có lại"
Có những khu vực trên Đường LAC ở phía Trung Quốc không được phòng vệ một cách chặt chẽ nơi quân đội Ấn Độ có thể di chuyển vào và chiếm đóng khu vực đó. Tại bàn đàm phán, hai bên có thể trao đổi những lãnh thổ bị chiếm đóng và khôi phục hiện trạng ở LAC. Giải pháp này đã được thảo luận ở các cấp độ cao nhất - đáng chú ý nhất là trong tài liệu chính sách năm 2012 có tên là "Không liên kết 2.0". Ngoài ra, nó cũng từng là một nội dung tập trận của quân đội Ấn Độ.
Theo nhà phân tích Ashley Tellis, năm 2013 khi Trung Quốc xâm nhập vào Despang thuộc lãnh thổ Ấn Độ, tình hình đã xoay chuyển chỉ trong 3 tuần bởi quân đội Ấn Độ đã tiến quân vào Chumar của Trung Quốc. Trong các cuộc đàm phán sau đó hai bên đã đồng ý rút quân và quay trở lại vị trí trước đó.
Chiến thuật "Có qua có lại" có thể vẫn được sử dụng khi mà toàn bộ đường LAC từ Ladakh đến Arunachal Paradesh không thể phòng vệ một cách chặt chẽ được. Tuy nhiên, giải pháp chủ động như thế thì phần trăm cơ hội rất thấp và có thể đã không còn sau 8 tuần căng thẳng. Ngoài ra nó còn làm tăng nguy cơ leo thang quân sự ở khu vực khi mà Trung Quốc có thể xem đó như là một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn hay là một động thái khiêu khích.
Khả năng xảy ra: Khó xảy ra nhưng không phải là không thể.
Phương án 3: Giữ thái độ cứng rắn và đàm phán.
Ở kịch bản này, Ấn Độ sẽ giữ thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc bằng cách triển khai sức mạnh dọc theo LAC để đảm bảo rằng Trung Quốc không thể xâm nhập sâu hơn nữa. Điều này sẽ giữ chân Trung Quốc ở vị trí hiện tại trong khi phía Ấn Độ có thêm nhiều thời gian để gia cố hệ thống phòng thủ và xây dựng quân đội chuẩn bị cho bất kì trường hợp nào có thể xảy ra.
Các cuộc thảo luận cũng sẽ được diễn ra đồng thời và sẽ tổ chức ở cấp độ chính trị cao nhất nếu được yêu cầu, nhằm đảm bảo hai bên có thể trở lại hiện trạng ban đầu ở LAC. Những động thái phi quân sự của Ấn Độ gần đây trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại là một trong những bước đi quan trọng giúp hình thành các quan hệ đối tác ngoại giao, an ninh và thương mại mới, cho phép New Delhi thể hiện quyết tâm của mình với Trung Quốc.
Khả năng xảy ra: Rất cao
Phương án 4: Một cuộc chiến tranh hạn chế
Cuộc chiến tranh này có thể giới hạn về địa lý, giả sử chỉ xảy ra ở Ladahk hoặc trong thời gian một vài ngày trước khi Ấn Độ đơn phương tuyên bố chấm dứt chiến sự. Đây sẽ là một nước đi rất táo bạo nhưng cũng tồn tại những rủi ro rất lớn. Ngoài ra, biên giới Trung - Ấn là mặt trận duy nhất của quân đoàn phía tây của Trung Quốc. Nó có thể khiến việc kiểm soát một cuộc chiến giới hạn ở một khu vực mà Ấn Độ mong muốn – trở nên bất khả thi.
Ngoài ra, giải pháp này cũng đòi hỏi rất lớn về tài nguyên quân sự và ảnh hưởng đến sự hồi sinh kinh tế của Ấn Độ sau dịch Covid-19.
Khả năng xảy ra: Rất khó xảy ra.