Bé trai 10 tháng tuổi vào viện cấp cứu sau khi ăn cháo hầm xương
Người nhà bệnh nhi cho hay trước đó, trong khi ăn cháo hầm xương, trẻ bị ho sặc sụa, khó thở, môi tím tái.
Bác sĩ Đinh Ngọc Thành, khoa cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình, cho biết đã tiếp nhận bệnh nhi N.T.N. (10 tháng tuổi) vào viện trong tình trạng thở rít rất nặng, oxy không đảm bảo.
Sau khi thăm khám, bác sĩ phát hiện có một mảnh xương lớn dưới hạ thanh môn, gây che lấp hoàn toàn đường thở.
Người nhà bệnh nhi cho hay trước đó, trong khi ăn cháo hầm xương, cháu N. bị ho sặc sụa, khó thở, môi tím tái. Gia đình đã nhanh chóng đưa trẻ vào viện cấp cứu.
Tại đây, bệnh viện đã huy động toàn bộ các ca trực cấp cứu, tai mũi họng, gây mê, tiến hành mở khí quản cấp cứu bệnh nhân tại giường. Sau khi được mở khí quản, bệnh nhi chuyển thở máy và truyền gây mê để gắp dị vật, sau đó tiếp tục được hỗ trợ hô hấp. Sau 2 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã tạm ổn định.
Theo các bác sĩ, dị vật đường thở rất nguy hiểm vì chúng có thể khiến bệnh nhân tắc thở tức thì, không có cơ hội đến bệnh viện cấp cứu.
"Với các trẻ lứa tuổi nhỏ, người lớn cần tránh cho trẻ sử dụng các loại hạt hay gặm đồ chơi. Khi trẻ ăn các thức ăn thô, phụ huynh phải đảm bảo tránh các dị vật lạ như mảnh xương, vụn rây lọc trong thức ăn. Chúng tôi đã gặp và xử lý rất nhiều ca. Các dị vật này rất nhỏ nhưng khi vào đường thở của trẻ đều có thể gây tắc và suy hô hấp rất nhanh", bác sĩ Thành khuyến cáo.
Khi phát hiện các triệu chứng như ho sặc sụa, tím tái, khó thở, cha mẹ cần nghĩ ngay đến mắc dị vật đường hô hấp. Trẻ cần được nhanh chóng sơ cứu và đưa đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.