Bé trai 2 tuổi chảy mủ, viêm xương chũm tai do người lớn chủ quan

Co trai 2 tuổi liên tục ôm tai kêu đau kèm chảy dịch mủ hôi, người mẹ tá hỏa khi biết nguyên nhân.

Chị Minh Anh (30 tuổi, ở Hà Đông) đưa con đến bệnh viện thăm khám sau 2 ngày trẻ xuất hiện tình trạng sốt, quấy khóc, sưng sau tai. Người mẹ cho biết, trước đó con không có biểu hiện gì về khó chịu ở tai.

“Thi thoảng tôi thấy con dụi tai nhưng nghĩ do tắm nước vào nên dùng bông để vệ sinh”, chị Minh Anh nói và cho biết con không sốt hay kêu đau nên chị chủ quan không đưa đi kiểm tra.

Cho đến hai ngày trước khi vào viện, chị phát hiện phía sau tai con sưng đỏ, trẻ bắt đầu sốt, bỏ ăn, dịch vàng chảy từ tai ra, ai đụng vào là khóc lớn. Qua thăm khám, bác sĩ kết luận trẻ bị viêm tai xương chũm cấp cần nhập viện điều trị.

Theo chị Minh Anh, con trai từng bị viên tai giữa nhưng đã từ lâu và khỏi rất nhanh sau 3, 4 ngày dùng kháng sinh. Chị không nghĩ đến tình trạng viêm tai lại tái phát và chuyển biến nặng đến viêm xương chũm.

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Bệnh viện An Việt, cho biết, viêm tai xương chũm là tình trạng không quá hiếm gặp ở trẻ nhỏ nhưng trẻ thường đến viện trong tình trạng nặng.

Xương chũm tai thuộc thái dương của hộp sọ, viêm xương chũm là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn của các tế bào khí xương chũm bao quanh tai trong và tai giữa. Khi các tế bào xương chũm bị nhiễm trùng hoặc bị viêm, thường là do viêm tai giữa chưa được chữa khỏi nên dẫn đến viêm xương chũm.

Viêm tai xương chũm được chia làm hai loại là viêm tai xương chũm cấp tính và viêm tai xương chũm mạn tính. Trong đó, viêm tai xương chũm cấp tính là tình trạng nhiễm trùng xảy ra trong 5-7 ngày do các loại vi khuẩn gây ra. Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao nhất.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nếu tai giữa và xương chũm bị nhiễm trùng liên tục gây chảy dịch tai kéo dài trên 3 tháng sẽ gây ra viêm tai xương chũm mạn tính.

PGS Hoài An cho biết, viêm tai xương chũm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Ngoài ra, những người có tình trạng suy giảm miễn dịch và viêm tai giữa cấp tính tái phát cũng có nguy cơ cao mắc viêm tai xương chũm.

Khi bị viêm tai xương chũm, trẻ sẽ thường gặp các triệu chứng như khó chịu, quấy khóc, hôn mê, sốt, sưng sau tai, đau tai.

Còn người lớn bị đau tai dữ dội, sốt kèm đau đầu. Khi soi tai sẽ phát hiện vùng sưng đỏ sau tai và khối phồng có mủ phía sau màng nhĩ. Màng nhĩ có thể bị vỡ và chảy mủ.

Viêm tai xương chũm nếu không được điều trị kịp thời sẽ dễ gây biến chứng ngoại sọ nghiêm trọng như áp xe dưới màng xương, áp xe Bezold hoặc biến chứng nội sọ như liệt dây thần kinh mặt, viêm mê nhĩ, áp xe dưới màng cứng…có thể đe dọa đến tính mạng.

PGS Hoài An cho hay, khi trẻ có những dấu hiệu của viêm tai giữa, cần được điều trị triệt để, tránh tình trạng thấy con dùng thuốc, 2, 3 ngày hạ sốt bỏ dở liệu trình, khiến trẻ tái bệnh, biến chứng nguy hiểm.

Tùy vào từng trường hợp và tình trạng bệnh, viêm tai xương chũm có thể được điều trị bằng kháng sinh hoặc phẫu thuật.

Nên tăng cường cho trẻ bú mẹ, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu hóa, chia nhiều bữa nhỏ trong ngày và bổ sung vào thực đơn các loại trái cây mọng nước, giúp tăng cường sức đề kháng.

Nguyễn Ngoan

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/be-trai-2-tuoi-chay-mu-viem-xuong-chum-tai-do-nguoi-lon-chu-quan-ar874480.html