Bé trai 5 tuổi mắc Covid-19, bị bỏng tại khu cách ly, cha mẹ nghèo bế tắc

Nhìn hình ảnh của con trai do chồng gửi về từ khu cách ly, vết bỏng ở đùi của bé Lê Hoài Bảo bị bong tróc, phồng rộp, chị Thương bật khóc. Ở cạnh chị, con trai út mới hơn 1 tuổi ngơ ngác nhìn mẹ.

Đầu tháng 8, sau khi đăng ký chuyến tàu về quê để tránh dịch nhưng không đến lượt, vợ chồng chị Thương đành phải động viên nhau, tiếp tục cố gắng cầm cự tại phòng trọ, chăm sóc cho 2 con nhỏ. Huyện Củ Chi xa trung tâm thành phố, họ thầm cầu mong cho dịch bệnh không lan tới. Thế nhưng thật không may, giữa tháng 8, dãy trọ có nhiều người bị nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có bé Lê Hoài Bảo, con trai đầu của vợ chồng chị.

Khi phát hiện bé Lê Hoài Bảo là F0, vợ chồng chị Thương phải mướn thêm phòng trọ còn trống để thực hiện cách ly.

Khi phát hiện bé Lê Hoài Bảo là F0, vợ chồng chị Thương phải mướn thêm phòng trọ còn trống để thực hiện cách ly.

Những ngày đầu, do bé Bảo không có triệu chứng nên được cách ly tại nhà, họ phải thuê thêm một phòng trọ còn trống để cha con anh Khương tách ra ở riêng. Chị Thương và con trai út vẫn ở phòng trọ cũ. Sau đó, dịch tiếp tục lây lan trong cộng đồng, đến ngày 19/8, 2 cha con phải đi cách ly tập trung ở trường tiểu học trên thị trấn Củ Chi.

Tại đây, nghe lời mách dẫn, anh Khương đun nước lá cho con trai xông hơi để nhanh khỏi bệnh, thế nhưng đứa trẻ vốn hoạt bát nên không may bị bỏng nước sôi, nước bắn lên đùi, chân, da rộp lên từng mảng.

Ở khu cách ly đông người, lực lượng y tế lại mỏng nên cũng chẳng được xử lý nhiều. Đêm ấy, cậu bé khóc nức nở vì đau đến không ngủ được. Để có tiền đưa con trai lên Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi thăm khám vết bỏng, người cha nghèo phải vay mượn khắp nơi mới có được.

Bé Bảo không may bị bỏng trong khu cách ly. Giờ đây, gia đình anh Khương đã hết đường xoay sở.

Bé Bảo không may bị bỏng trong khu cách ly. Giờ đây, gia đình anh Khương đã hết đường xoay sở.

Trước khi chuyển vào khu cách ly để chăm sóc con trai, anh Khương vẫn âm tính với Covid-19, nhưng sống trong môi trường có nhiều F0, bản thân anh cũng chẳng biết sẽ được khỏe mạnh đến lúc nào.

Chỉ trong vài ngày, người đàn ông chưa đến 30 tuổi gầy rộc vì vừa lo lắng cho sức khỏe của con trai, lại vừa lo vợ con đang ở phòng trọ. Bởi gia đình anh đã phải vét sạch những đồng tiền cuối cùng, đến nay chẳng còn gì.

Trong căn phòng trọ trống hoác ở ấp Cây Da, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP HCM, chị Thương bật khóc khi nghe nói bé Bảo bị bỏng. Nhìn hình ảnh của con trai do chồng gửi, chị mất ngủ cả đêm, chỉ mong chồng con sớm được về.

Hỏi thăm tình hình ăn uống, chị buồn bã: “Cố cầm cự được bữa nào hay bữa nấy thôi. Chỉ tội thằng nhỏ, không đủ cái ăn nên còi cọc quá”.

Khu nhà trọ nơi mẹ con chị Thương đang ở bị giăng dây vì có ca nhiễm Covid-19.

Khu nhà trọ nơi mẹ con chị Thương đang ở bị giăng dây vì có ca nhiễm Covid-19.

Vợ chồng chị Thương đều là người Quảng Trị. Bởi ở quê ít việc làm, lại chưa có nhà cửa, họ đành chấp nhận ly hương vào thành phố lớn, mong cuộc sống tốt đẹp hơn. Trước đây, chị Thương làm cô trông trẻ cho một cơ sở tư nhân, nhưng từ khi sinh con trai thứ 2, chị phải nghỉ việc để chăm con hơn 1 năm nay.

Còn anh Khương làm công nhân cao su, đồng lương còm cõi, tháng nào cũng chỉ đủ trả tiền mướn trọ và chi tiêu của cả gia đình. Vì vậy, khi dịch bệnh ập đến, thành phố giãn cách xã hội, anh Khương thất nghiệp hơn gần 3 tháng nay. Họ đã không còn một đồng dắt túi.

Họ hàng ở quê cũng nghèo khó, người ở thành phố thì đang chật vật vì dịch bệnh bủa vây. Mấy tháng nay, dù được chủ nhà trọ giảm 50% tiền phòng, chị vẫn phải đóng hơn 1 triệu đồng. Khoảng thời gian này, gia đình ăn uống nhờ vào sự giúp đỡ của chủ trọ và các nhà hảo tâm, nhưng Củ Chi cách trung tâm thành phố xa quá, có những lần dù được nhà từ thiện nhận lời tặng lương thực thực phẩm, nhưng rồi chẳng thể mang tới.

“Tôi đói chút cũng không sao, mà thương đứa nhỏ. Không biết dịch bệnh kéo dài đến bao giờ, và chẳng biết chúng tôi có thể cầm cự được bao lâu”, chị Thương ôm con trai, nghẹn giọng giãi bày.

Khánh Hòa

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/ban-doc/chia-se/be-trai-5-tuoi-mac-covid-19-bi-bong-tai-khu-cach-ly-cha-me-ngheo-be-tac-770278.html