Bé trai bị mẹ bỏ rơi trong khe tường xuất viện
Sau hơn 20 ngày điều trị tại bệnh viện, bé trai bị bỏ rơi trong khe tường tại huyện Gia Lâm đủ điều kiện xuất viện. Người thân đã đến đón cháu bé trong niềm vui của nhiều người.
Ngày 9-9, bác sĩ Thái Bằng Giang - Trưởng khoa Sơ sinh- Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, sau 3 tuần điều trị, sức khỏe bé trai bị mẹ bỏ rơi ở khe tường hoàn toàn ổn định, không phải dùng thuốc, tự bú bình và chơi rất ngoan. Từ đó, cháu đã đủ điều kiện xuất viện và được gia đình đến đón.
Sau khi hoàn tất thủ tục xuất viện cùng với các căn cứ khoa học về việc xét nghiệm ADN của cháu bé và người đàn ông trước đó tự nhận là ông ngoại là huyết thống, bệnh viện đã làm thủ tục bàn giao cho người này.
Sáng 9-9, rất đông người thân bao gồm mẹ bé trai - người trước đó đã vứt bỏ con ruột còn nguyên dây rốn ở khe tường, nam thanh niên được cho là bố cháu bé và hai bên nội ngoại đã có mặt tại Bệnh viện Xanh Pôn để làm thủ tục nhận cháu bé về nuôi.
Buổi bàn giao cháu có sự chứng kiến của người thân, Công an huyện Gia Lâm, chính quyền thị trấn Gia Lâm, đại diện Bệnh viện Xanh Pôn…
Đại diện gia đình đã gửi lời cảm ơn đến người dân, công an huyện Gia Lâm, các bác sỹ bệnh viện Xanh Pôn đã cứu sống và điều trị cho cháu suốt thời gian qua.
Trước đó, tối 18-8, Khoa Sơ sinh tiếp nhận bé trai khoảng 1 ngày tuổi, nặng 2.2kg, là trẻ bị bỏ rơi giữa hai khe tường tại khu nhà trọ ở thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội. May mắn, cháu được lực lượng cứu hộ và người dân địa phương đục tường cứu trong tình trạng không quần áo và còn nguyên dây rốn.
Khi đến viện, cháu trong tình trạng tỉnh, hạ thân nhiệt, phản xạ sơ sinh tốt và có phản xạ bú. Trên mặt, tay, chân cháu có nhiều vết trầy xước. Ban đầu chưa thấy hạn chế vận động tứ chi.
Bé được các y bác sỹ khoa Sơ sinh chăm sóc tích cực và theo dõi sát để kịp thời phát hiện các dấu hiệu nhiễm khuẩn. Trong quá trình điều trị, có thời điểm trẻ có dấu hiệu bị nhiễm khuẩn, sau đó đã được các bác sĩ đổi kháng sinh và đáp ứng điều trị tốt.
“Cho đến thời điểm xuất viện, bé không còn tình trạng nhiễm khuẩn, không bị gãy xương, các chức năng sinh tồn tốt. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải hướng dẫn người thân chăm sóc, đi tái khám đúng định kỳ”, bác sĩ Giang nói.