Bé trai phát bệnh dại sau khi bị mèo cắn

Sau 1 tháng bị mèo cắn vào tay, bé trai 3 tuổi ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai phát bệnh dại và tử vong.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai cho biết, vừa có thêm trường hợp tử vong do bệnh dại trên địa bàn. Đây là trường hợp thứ 4 tử vong do bệnh dại tại Gia Lai, tính từ đầu năm.

Bé trai 3 tuổi phát bệnh dại tử vong sau khi bị mèo cắn (ảnh minh họa)

Bé trai 3 tuổi phát bệnh dại tử vong sau khi bị mèo cắn (ảnh minh họa)

Trước đó, ngày 14/7, bé trai 3 tuổi được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Chư Sê sau nhiều ngày nôn ói. Bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh dại, nhiễm trùng tiêu hóa biến chứng mất nước, chuyển Bệnh viện Nhi Gia Lai điều trị.

Bé được gia đình xin cho về nhà sau 1 ngày ở viện, tình trạng chảy nước dãi, sợ ánh sáng, nước và gió; không tỉnh táo, gào thét và tử vong sau đó.

Các chuyên gia y tế cho biết, khi bệnh nhân lên cơn dại, tỉ lệ tử vong gần như 100%. Cách duy nhất phòng ngừa bệnh dại là tiêm vaccine sau khi bị chó mèo cắn.

Theo Bộ Y tế, bệnh dại là bệnh gây ra bởi một loại vi rút, bệnh lây truyền từ các loại động vật (chó, mèo…) sang người. Có hai thể bệnh lâm sàng của bệnh dại là thể điên cuồng và thể dại câm (bại liệt), trong đó thể điên cuồng là phổ biến nhất.

Virus dại chủ yếu được lây truyền từ nước bọt của các loài động vật bị dại sang người qua vết cắn hoặc qua vết trầy xước trên cơ thể con người. Bệnh dại cũng có thể lây truyền sang người khi động vật bị dại liếm vào vết thương hoặc tiếp xúc vào những chỗ da bị trầy xước, hoặc lớp niêm mạc miệng, mũi của người.

Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó ngay sau khi bị chó, mèo cắn, liếm vào vết thương hở, người dân cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước chảy kết hợp với xà phòng liên tục trong 15 phút. Sau đó, rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn i-ốt hoặc Povidone-Iodine, tuyệt đối không cố gắng nặn máu.

Nếu bị cắn ở vùng đầu, mặt, cổ, đầu ngón tay hoặc bất kể vùng gần hệ thần kinh trung ương, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để để tiêm phòng dại.

Dấu hiệu nhận biết mèo bị bệnh dại:

Thay đổi hành vi: nhút nhát hoặc hung hăng khác thường, cào cắn xé đồ đạc, gầm gừ liên tục, hoảng loạn, cắn bất kỳ ai lại gần
Chảy nước dãi, sùi bọt mép, há mồm, không có khả năng nuốt
Mắt đờ đẫn, mất thần sắc
Sốt, co giật, tê liệt, sợ nước
Nôn mửa nhiều, tiêu chảy, ho
Ăn, nuốt những thứ không phải là thức ăn

Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/be-trai-phat-benh-dai-sau-khi-bi-meo-can-440519.html