Bé trai Quảng Ninh thủng dạ dày vì ăn quá nhiều tương ớt
Bệnh nhi 11 tuổi được đưa đến viện trong tình trạng đau bụng dữ dội. Khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện tá tràng có lỗ thùng 0,7 cm.
Khoa Ngoại tiêu hóa và Tổng hợp, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí vừa tiếp nhận bé trai Đặng Thái D., 11 tuổi ở thị xã Đông Triều, Quảng Ninh nhập viện do bị thủng dạ dày - tá tràng.
Sau bữa ăn tối, trẻ đột nhiên đau quặn bụng dữ dội quanh rốn, sau lan ra khắp bụng. Trẻ nôn 3 lần ra dịch tiêu hóa, được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế Thị xã Đông Triều cấp cứu, sau đó chuyển tiếp Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí để điều trị.
Qua thăm khám và chụp X-quang bụng, bác sĩ phát hiện hình ảnh thủng tạng rỗng, chỉ định phẫu thuật nội soi cấp cứu cho bệnh nhi.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ thấy mặt trước hành tá tràng có 1 lỗ thủng đường kính khoảng 0,7 cm, xung quanh ổ loét xơ chai. Bệnh nhi đã được khâu kín lỗ thủng, đặt dẫn lưu cùng đồ và dẫn lưu dưới gan.
Theo lời mẹ bệnh nhi, bé D. trẻ có chế độ học tập, sinh hoạt điều độ, tuy nhiên trẻ có thói quen ăn nhiều tương ớt, thường xuyên chấm đồ ăn với tương ớt trong các bữa ăn…
Trước đây, viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh lý thường gặp ở người lớn do thói quen sử dụng nhiều chất kích thích như rượu bia, ăn đồ chua, cay nóng, hay căng thẳng kéo dài, lối sống không điều độ… Viêm loét nếu không được điều trị sẽ gây thủng dạ dày tá tràng.
Tuy nhiên những năm gần đây, số lượng bệnh nhi phải điều trị bệnh lý viêm loét dạ dày ngày càng nhiều song trường hợp gây biến chứng thủng dạ dày tá tràng ở trẻ em khá hiếm gặp.
Theo các bác sĩ, thói quen ăn đồ cay nóng như tương ớt, gà chiên cay, mì cay… ăn nhanh không nhai kỹ, ăn không đúng bữa, bỏ bữa, sinh hoạt, ăn ngủ không điều độ… là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng viêm loét, thậm chí là thủng dạ dày, tá tràng như trường hợp bệnh nhân D.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác thường gây viêm loét dạ dày ở trẻ em là do nhiễm vi khuẩn HP.
Ở trẻ em, viêm loét dạ dày có triệu chứng khác người lớn, thường đau bụng bất thường, dấu hiệu đau vùng thượng vị của trẻ nhỏ chỉ chiếm 30% còn lại đau quanh rốn và đau lan tỏa. Trẻ có thể ợ hơi, ợ chua, nôn, biếng ăn, hơi thở hôi…
Các triệu chứng có thể tăng lên sau khi ăn, nhất là ăn các loại thức ăn, đồ uống gây kích thích niêm mạc dạ dày như tỏi, ớt...
Do vậy, ngay khi trẻ có những bất thường nói trên, cha mẹ cần đưa con đi khám sớm để phát hiện và điều trị kịp thời.
Để phòng tránh viêm loét dạ dày ở trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần nhắc nhở trẻ duy trì chế độ ăn uống, vận động, học tập điều độ, khoa học để phòng tránh những nguy cơ gây hại đến sức khỏe.