Bé trai tử vong sau hơn 1 tháng bị chó cắn

Sau hơn 1 tháng bị chó cắn, bé trai 7 tuổi nhập viện trong tình trạng kích thích, sợ nước, gió, ánh sáng và nằm co. Chỉ vài giờ sau đó trẻ tử vong

Bé trai 7 tuổi (trú tại tỉnh Tuyên Quang) được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang sáng 15-6 trong tình trạng mệt, nôn ra máu tươi, tím tái, kích thích vật vã, mắt mở to. Trẻ sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, nằm co, sùi bọt mép… Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi bệnh dại.

Người mắc bệnh dại có thể lên cơn dại và tử vong. Ảnh minh họa

Người mắc bệnh dại có thể lên cơn dại và tử vong. Ảnh minh họa

Gia đình bệnh nhi cho biết trước khi nhập viện hơn 1 tháng, bệnh nhi bị chó cắn. Sau cắn chủ, chó đã chết, trẻ không được tiêm phòng bệnh dại.

Chiều cùng ngày, tình trạng bệnh diễn biến nặng, tiên lượng tử vong cao. Bác sĩ tư vấn, giải thích với người nhà về tình trạng bệnh và gia đình xin cho trẻ về, tử vong tại nhà.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại lây truyền từ động vật sang người do virus dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh. Từ đầu năm 2024 đến nay, số ca tử vong do bệnh dại tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do bệnh dại trên người là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và không tiêm vắc-xin phòng dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định.

Cùng đó, công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo; tỉ tiêm vắc-xin phòng dại trên động vật còn thấp, chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo, có nơi chỉ đạt gần 10%.

Hiện tại, không có thuốc chữa bệnh dại, khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người, 100% đều dẫn đến tử vong.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo người nuôi chó, mèo cần tiêm vắc-xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm; không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.

Khi bị chó cắn cần đến nay cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vắc-xin

Khi bị chó cắn cần đến nay cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vắc-xin

Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường.

Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

Đến ngay cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc-xin phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.

Truyền thông, hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn.

D.Thu

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/be-trai-tu-vong-sau-hon-1-thang-bi-cho-can-196240617232643013.htm