Bé trai vừa chào đời đã bị khối bứu hiếm gặp, to gần bằng cơ thể chèn đường thở

U bướu hạch bạch huyết không hiếm, nhưng theo y văn thế giới, với khối bướu khổng lồ và tăng sinh nhanh như bé trai này là rất ít gặp.

Sáng 29/11, ThS.BS Đào Trung Hiếu, Cố vấn ngoại khoa Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết bệnh viện đã phẫu thuật cắt bỏ khối bướu mạch bạch huyết khổng lồ ở vùng đầu cổ cho bé trai sơ sinh, 15 ngày tuổi, con bà N.T.T.M. (ngụ tại TPHCM)

Theo thông tin từ gia đình, lúc thai kỳ được 6 tháng tuổi, người mẹ đi siêu âm theo dõi định kỳ thì được bác sĩ phát hiện trẻ có khối bướu ở vùng cổ bên phải. Khối bướu ngày càng phát triển lớn choán chỗ ở vùng mặt, cổ, ngực, cần được theo dõi chặt chẽ.

Khi thai được 36,5 tuần tuổi, nhận thấy khối bướu ngày một to, xâm lấn sang vùng đầu, xô lệch vùng đầu, cổ, vai của thai sang trái, lo ngại thai bị suy, nguy cơ tử vong cao nên bác sĩ quyết định mổ bắt con cho thai phụ. Song song đó, bệnh viện cũng liên hệ với bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM phối hợp hỗ trợ can thiệp khi bé chào đời.

Khối bướu khổng lồ gần như chiếm trọn từ đầu đến cổ, vai của bé trai. Ảnh: PNO

Khối bướu khổng lồ gần như chiếm trọn từ đầu đến cổ, vai của bé trai. Ảnh: PNO

Ngày 15/11, khi thai nhi được 36,5 tuần tuổi, bác sĩ đã quyết định chấm dứt thai kỳ để ngăn chặn nguy cơ khối bướu của trẻ bị vỡ đe dọa tính mạng cả mẹ và con. Các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đã phối hợp với Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiến hành đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhi trước khi cắt dây rốn, rời khỏi bụng mẹ.

Sau 3 ngày theo dõi, tình trạng bệnh nhi có biểu hiện xấu, xuất huyết xảy ra bên trong khiến khối bướu ngày càng phát triển lớn, chèn ép đường thở, đẩy lệch đầu của trẻ sang một bên. Khối bướu dọa vỡ có thể cướp đi sinh mạng của trẻ bất kỳ lúc nào.

Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định thực hiện phẫu thuật bóc khối bướu cho trẻ. Ngày 18/11, sau 4 giờ khẩn trương trong phòng mổ, khối bướu bạch huyết đã được các bác sĩ bóc tách thành công khối u có trọng lượng 1,1kg.

Hiện tại, bé đã có thể ăn sữa bằng miệng, đang được theo dõi nhiễm trùng, hô hấp và tập vật lý trị liệu để điều chỉnh các bộ phận bị xô lệch cho bé.

Theo bác sĩ Hiếu, u bướu hạch bạch huyết không hiếm gặp, có thể xuất hiện bất kỳ vị trí nào trên cơ thể do trong quá trình phát triển của thai, hệ thống bạch mạch bị tắc bất thường nên dồn bạch mạch về 1 khối. Đa phần là bướu lành tính, tuy nhiên có thể tái phát bất kỳ lúc nào. Vì vậy, bệnh nhân cần được tiêm thuốc chống tái phát và đi tái khám đúng theo chỉ định của bác sĩ để phát hiện, xử lý kịp thời.

Bác sĩ Hiếu nói: “Tuy u bướu hạch bạch huyết không hiếm, nhưng theo y văn thế giới, với khối bướu khổng lồ và tăng sinh nhanh như bé trai rất ít gặp. Mặc dù vậy, thai phụ cần bình tĩnh khi bị phát hiện thai nhi có u hạch bạch huyết bởi bác sĩ có thể theo dõi trong thai kỳ và can thiệp ngay khi cần thiết”.

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/be-trai-vua-chao-doi-da-bi-khoi-buu-hiem-gap-to-gan-bang-co-the-chen-duong-tho-172221129134928429.htm