'Bé Vách' của Hưng Yên

Sinh thời, Bác Hồ gọi nữ Anh hùng lao động Phạm Thị Vách như vậy, dù lần đầu gặp Bác bà đã hơn 20 tuổi. Đến giờ khi nhớ lại, nữ kiện tướng trên công trường thủy lợi Bắc Hưng Hải, người con của quê hương Hùng Cường, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên năm xưa vẫn không khỏi xúc động...

Chúng tôi đến thăm nhà nữ Anh hùng Phạm Thị Vách đúng dịp cả nước đang kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở tuổi 82 và hiện đang sống cùng gia đình người con trai, nhưng bà Phạm Thị Vách chẳng mấy khi ở nhà. Bà vẫn đi khắp nơi kể chuyện lịch sử, truyền lửa truyền thống và nhiệt huyết cống hiến cho thế hệ trẻ hôm nay. Nghe bà kể chuyện với chất giọng sang sảng, trí nhớ mạch lạc và hoàn toàn minh mẫn, không ai nghĩ bà đã ở tuổi xưa nay hiếm.

Phạm Thị Vách sinh năm 1938 (nhưng trong lý lịch ghi năm 1940), trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Bốn anh trai đều là bộ đội nên ngay từ khi còn nhỏ, Phạm Thị Vách đã bị thu hút bởi các hoạt động tập thể do các tổ chức đảng, đoàn thể ở địa phương phát động. Bởi vậy khi trưởng thành, cô thôn nữ Phạm Thị Vách nhanh chóng hòa mình trong phong trào cách mạng của xã, trưởng thành từ hoạt động thanh niên, hội phụ nữ rồi xã đội phó. Đặc biệt, trong vai trò là Đội phó Đội Thủy lợi của xã Hùng Cường, Phạm Thị Vách đã lập được những thành tích xuất sắc trong phong trào thủy lợi ở giai đoạn từ năm 1958-1962.

 Anh hùng Lao động Phạm Thị Vách (người thứ hai bên phải) trong lần được gặp Bác Hồ tại Liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ III, năm 1962. Ảnh tư liệu.

Anh hùng Lao động Phạm Thị Vách (người thứ hai bên phải) trong lần được gặp Bác Hồ tại Liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ III, năm 1962. Ảnh tư liệu.

Những năm ấy, hòa bình mới lập lại, đất nước ta bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước, xuất phát điểm là nông nghiệp. Miền Bắc lúc này được xác định là hậu phương lớn, sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Vùng đồng bằng Bắc - Hưng - Hải (gồm các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương bây giờ) với hơn 1 triệu nông dân là “vựa lúa” của miền Bắc lúc đó. Đất đai trong khu vực tuy màu mỡ, nguồn nước dồi dào nhưng lại luôn sống trong nỗi lo mùa mưa bão thì ngập úng, nắng hè lại hạn hán. Đảng, Chính phủ và Bác Hồ hiểu rõ điều này nên đã quyết định xây dựng công trình thủy lợi Bắc - Hưng - Hải để “chống hạn và thoát úng” cho nhân dân.

Do điều kiện lúc bấy giờ máy móc ít nên để xây dựng công trình, cần huy động sức mạnh của toàn dân. Cả xã Hùng Cường, quê hương của Phạm Thị Vách cũng hăng hái tham gia. Và một trong những người tích cực nhất là Xã đội phó Phạm Thị Vách. Bà có mặt trên công trường hết đợt này đến đợt khác. Đúng là “có sức người sỏi đã cũng thành cơm”, kết quả đạt được kỳ diệu vượt qua cả mong đợi. Chỉ trong vòng nửa năm, một khối lượng công việc khổng lồ đã được hoàn thành. Anh hùng Phạm Thị Vách nhớ lại: “Không khí lao động trên công trường thật sôi động, hăng hái với khí thế thi đua sôi nổi. Đội nào cũng mong đạt năng suất vượt chỉ tiêu trên giao. Riêng đội thủy lợi xã Hùng Cường của tôi luôn dẫn đầu, có khi vượt gấp đến 3, 4 lần định mức nên được mọi người yêu mến gọi là “đội tên lửa”. Là người luôn gương mẫu đi đầu trong công tác, nói đi đôi với làm, nên đội phó Phạm Thị Vách được mọi người tín nhiệm bầu là Chiến sĩ Thi đua hai năm 1958 và 1959. Năm 1958, Phạm Thị Vách vinh dự lần đầu tiên được nhận Huy hiệu Bác Hồ.

Chuyện là, năm ấy, khi nghe báo cáo về thành tích làm thủy lợi của Phạm Thị Vách, Bác đã ủy quyền cho Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Lê Quý Quỳnh tặng bà huy hiệu của Người. Tuy nhiên, đến năm 1961, trong lần Bác về thăm Hưng Yên, dự Hội nghị thủy lợi toàn miền Bắc, Người đã trực tiếp trao huy hiệu của mình tặng “bé Vách”. “Trước hội trường hôm đó, nghe Bác hỏi cán bộ và nhân dân có nhất trí tặng huy hiệu của Bác lần thứ hai cho “bé Vách” hay không mà tôi rất hồi hộp. Thật là mình chăng, bởi lúc bấy giờ tôi đã hơn 20 tuổi, là xã đội phó rồi, sao Bác lại gọi là “bé Vách”. Đến khi được Bác trực tiếp đeo huy hiệu cho mà tôi vẫn chưa hết xúc động” - Anh hùng Phạm Thị Vách kể.

Lần ấy, trước 15.000 cán bộ, nhân dân toàn tỉnh Hưng Yên và đại biểu dự Hội nghị thủy lợi toàn miền Bắc, Hưng Yên vinh dự được Bác trao cờ luân lưu “Làm thủy lợi khá nhất”. Không chỉ được Bác Hồ trực tiếp gắn huy hiệu trước hội nghị, nữ kiện tướng trẻ tuổi còn được Người căn dặn: “Cháu làm tốt rồi, học tập tốt rồi thì phải làm tốt hơn nữa, học tốt hơn nữa. Phải gần gũi, lắng nghe quần chúng, học tập quần chúng để mà làm”.

 Nữ anh hùng Phạm Thị Vách kể lại những lần được gặp Bác Hồ. Ảnh: PHẠM KIÊN.

Nữ anh hùng Phạm Thị Vách kể lại những lần được gặp Bác Hồ. Ảnh: PHẠM KIÊN.

Nhớ lời Bác dặn, Phạm Thị Vách quyết đi học thêm và trưởng thành trên nhiều cương vị công tác. Tháng 5-1962, bà được đi dự Liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ ba ở Thủ đô Hà Nội. Tại đại hội, Phạm Thị Vách được tuyên dương Anh hùng Lao động và một lần nữa được gặp Bác Hồ. Đêm trước đại hội, Bác mời các đại biểu trẻ, đại biểu nữ đến Phủ Chủ tịch. “Bé Vách của Hưng Yên” vẫn được Bác nhớ và hỏi thăm tình hình công tác khiến bà như được tiếp thêm động lực phấn đấu. Bà được đứng trong hàng ngũ của Đảng rồi trở thành đại biểu Quốc hội các khóa III, IV, V. Bà được bầu giữ chức Chủ nhiệm hợp tác xã, rồi Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã. Biết bà mải mê công tác, không lo đến việc riêng với ý chờ đến ngày Bắc-Nam sum họp nên có lần gặp, Bác nhắc: “Không được. Việc nào việc nấy, cháu là con gái, không được đợi!”.

Hăng say làm việc, quả thật Phạm Thị Vách không nghĩ đến chuyện thành gia lập thất. Nhưng từ ngày Bác nhắc nhở, bà cũng suy nghĩ nhiều, sao có thể trái lời dặn của Người. Vậy là cuối cùng, nhờ sự “mai mối” của nữ anh hùng Hồ Thị Bi, cũng là đại biểu Quốc hội cùng khóa III cùng bà, Phạm Thị Vách đồng ý kết hôn với ông Bùi Tuyên Thọ (quê ở Phúc Yên) là thư ký của đồng chí Hồ Thị Bi khi đã bước qua tuổi 30.

Năm 1969, biết tin Bác mệt, Phạm Thị Vách cùng đoàn Hưng Yên xin phép vào thăm. Ai cũng thương và lo cho Bác nhưng cố nén không khóc. Theo lời kể của bà, hôm ấy, dù mệt, Bác vẫn đứng dậy, tự tay rót nước mời đoàn. Người nói: “Bác mời nước các cháu thanh niên uống đi cho nó khỏe, để tiếp tục công tác nhé!”. Câu nói ấy khiến Phạm Thị Vách nghẹn ngào, lòng dặn lòng phải cố gắng hơn nữa.

Giờ đây, khi nhớ lại chuyện xưa, nữ anh hùng Phạm Thị Vách cho biết số lần được gặp Bác của mình lên đến con số 22. Dù thường có nhiều người vây quanh Bác nhưng các cán bộ nữ, trong đó có “Bé Vách” của Hưng Yên trong lần gặp nào Bác cũng dành sự ưu ái. Bác còn gửi kẹo của Bác để bà mang về cho chị em. "Những năm còn công tác, cũng như bây giờ, tôi cũng lấy lời dạy của Bác để làm tròn trách nhiệm của mình" - Bà Vách tâm sự.

HƯỚNG NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/be-vach-cua-hung-yen-589270