Becamex IDC (BCM) đầu tư dự án bất động sản 20.000 tỷ đồng tại Bình Thuận
Becamex IDC (cổ phiếu BCM) sẽ được UBND tỉnh Bình Thuận trao Biên bản ghi nhớ đầu tư cho dự án bất động sản quy mô 5.000 ha vào ngày 28/2 tới đây. Ngoài ra, địa phương này cũng sẽ trao Biên bản ghi nhớ đầu tư cho nhiều dự án quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng khác.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại TP.Phan Thiết vào sáng ngày 28/2.
Tại Lễ công bố, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 03 doanh nghiệp và trao Bản ghi nhớ đăng ký đầu tư vào địa phương cho 08 doanh nghiệp.
Ba dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm Dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2 giai đoạn 1 (quy mô 468 ha, tổng vốn đầu tư 1.717 tỷ đồng) do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đông Sài Gòn thực hiện; Dự án Nhà máy sản xuất giày dép ARCS (quy mô 8,9 ha, tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng) do Công ty Cổ phần ARCS thực hiện; và Dự án Nhà máy sản xuất nhựa Khải Doanh (quy mô 8,9 ha, tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng) do Công ty Cổ phần Khải Doanh thực hiện.
Đối với các dự án được trao Bản ghi nhớ đăng ký đầu tư, có 03 dự án bất động sản quy mô hơn chục nghìn tỷ đồng. Trong đó, dự án có quy mô lớn nhất là Tổ hợp dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, khu đô thị mới do Công ty TNHH Mặt trời Bình Thuận (Sungroup Bình Thuận, thuộc Tập đoàn Sungroup) thực hiện. Dự án dự kiến có tổng diện tích 5.000 ha với tổng vốn đầu tư lên đến 50.000 tỷ đồng.
Theo sau là dự án Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Becamex VSIP Bình Thuận do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, cổ phiếu BCM) thực hiện. Dự án có quy mô 5.000 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến là 20.000 tỷ đồng.
Đây là dự án đầu tư liên doanh giữa Becamex IDC và các công ty thuộc tập đoàn Sembcorp Development (Singapore). Becamex VSIP Bình Thuận được kỳ vọng sẽ thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước, giúp tỉnh Bình Thuận đón thêm dòng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Dự án bất động sản cuối cùng là tư Khu đô thị du lịch, nghệ thuật, văn hóa và thể thao, có quy mô 45 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 1.900 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Kiến Phát thực hiện.
Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận dự kiến cũng sẽ trao các Biên bản ghi nhớ đầu tư cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, năng lượng như Dự án năng lượng tái tạo, năng lượng xanh với tổng vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất bột giấy, giấy và bìa quy mô 5.000 tỷ đồng; Tổ hợp chế biến sâu Titan - Zircon gần 4.900 tỷ đồng; Tổ hợp nhà máy sản xuất kết cấu thép công nghệ cao quy mô gần 5.000 tỷ đồng…
Bình Thuận hiện đang nổi lên là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn tại khu vực Nam Trung Bộ, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, du lịch, và bất động sản. Nhiều chủ đầu tư lớn đã hiện diện tại thị trường này với những dự án quy mô hàng nghìn tỷ đồng.