Bell 505 gặp nạn 13 lần trong 4 năm

Theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB), máy bay trực thăng có tỷ lệ gặp sự cố cao hơn máy bay khác.

 Trực thăng Bell 505 mang số hiệu VN-8650 trước khi gặp nạn tại Hạ Long. Ảnh: Minh Huy.

Trực thăng Bell 505 mang số hiệu VN-8650 trước khi gặp nạn tại Hạ Long. Ảnh: Minh Huy.

Theo dữ liệu từ NTSB, tỷ lệ sự cố đối với máy bay nói chung là 7,28 sự cố trên 100.000 giờ bay. Đối với máy bay trực thăng, con số đó là 9,84 vụ trên 100.000 giờ bay. Điều đó có nghĩa là máy bay trực thăng có nguy cơ gặp sự cố cao hơn 35% các loại máy bay khác.

Số vụ tai nạn máy bay trực thăng tại Mỹ đã giảm trong những năm qua nhưng tỷ lệ thương tích nghiêm trọng và tử vong vẫn còn cao.

Máy bay Bell 505 gặp nạn 13 lần từ 2019

Vào tháng 6/2013, Bell 505 được công bố tại Triển lãm Hàng không Paris trong với phiên bản SLS. Thế hệ trực thăng này do Bell Textron phát triển cùng Turbomeca. Theo Aerospace Technology, với tên gọi đầy đủ Bell 505 Jet Ranger X (JRX), mẫu trực thăng này có thể sử dụng cho nhiều mục đích từ thực thi pháp luật, đào tạo bay quân sự và bay dân dụng.

Hiện nay, có khoảng 400 chiếc Bell 505 đang hoạt động trên toàn thế giới. Trong đó, Việt Nam có 2 chiếc tại Hạ Long mang số hiệu VN-8650 và VN-8651, được chứng nhận an toàn bởi Cục Hàng không Liên bang Mỹ (US FAA) và Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EUASA).

 Chiếc Bell-505 mang số hiệu 5Y-KOL trước khi gặp tai nạn tại Kenya khiến 5 người tử vong. Ảnh: ASN.

Chiếc Bell-505 mang số hiệu 5Y-KOL trước khi gặp tai nạn tại Kenya khiến 5 người tử vong. Ảnh: ASN.

Theo dữ liệu của Aviation Safety Network thuộc Flight Safety Foundation (Mỹ), dòng máy bay trực thăng Bell 505 đã gặp tổng cộng 13 vụ tai nạn trong 4 năm từ 2019, bao gồm cả sự cố tại Hạ Long ngày 5/4.

Bell 505 đã gặp sự cố tại 3 quốc gia châu Á gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam; 3 vụ xảy ra ở châu Âu gồm 2 vụ ở Thụy Sỹ và một vụ ở Georgia; 3 vụ ở Mỹ; 2 vụ ở Nam Phi; một vụ ở Kenya và một vụ ở Australia. Trong đó có 5 vụ tai nạn gây thương vong với tổng số 16 người thiệt mạng.

Theo thông tin từ nhà sản xuất Bell Textron, dòng máy bay này được trang bị công nghệ và động cơ tiên tiến nhất hiện nay, đảm bảo an toàn và hiệu quả tối đa khi sử dụng.

Tuy nhiên, Bell 505 vẫn gặp nhiều sự cố. Nguyên nhân gây nên các vụ tai nạn của Bell 505 nói riêng và các dòng máy bay trực thăng nói chung có sự khác biệt, ảnh hưởng bởi tác động từ nhiều phía.

Những yếu tố dẫn đến tai nạn trực thăng

Theo trang Torklaw, có nhiều yếu tố dẫn tới tai nạn máy bay trực thăng:

Lỗi do phi công

Lỗi của phi công là một trong những nguyên nhân được trích dẫn thường xuyên nhất trong các vụ tai nạn máy bay trực thăng. Các lỗi bao gồm không vận hành máy bay trực thăng theo cách được thiết kế hoặc bay máy bay trực thăng trong điều kiện thời tiết hoặc môi trường không an toàn.

Các phi công trực thăng cần hàng trăm giờ kinh nghiệm để có thể vận hành những chiếc máy bay phức tạp này một cách an toàn. Tuy nhiên, nhiều công ty thuê phi công không có kiến thức và kinh nghiệm cần thiết, do đó cũng có thể mắc lỗi nghiêm trọng, đặc biệt là khi hạ cánh ở không gian nhỏ hơn và chật hơn.

Điều quan trọng là phi công phải hiểu máy bay và lên kế hoạch cẩn thận cho chuyến bay của họ để tránh những tình huống rủi ro này càng nhiều càng tốt.

Bộ phận bị lỗi

Máy bay trực thăng có nhiều bộ phận chuyển động quan trọng hơn đáng kể so với máy bay cánh cố định, bao gồm rotor chính, rotor đuôi, hộp số, bộ điều khiển chuyến bay, bộ phận hạ cánh và trục truyền động chạy toàn bộ chiều dài của trực thăng.

Các bộ phận này hầu như bị hao mòn liên tục, làm tăng khả năng hỏng hóc. Một bộ phận được thiết kế hoặc sản xuất bị lỗi cũng có thể dẫn đến sự cố. Trong những trường hợp như vậy, ngay cả một phi công có kinh nghiệm cũng khó có thể duy trì hoặc lấy lại quyền kiểm soát trực thăng.

Bảo trì không đầy đủ

Việc bảo dưỡng máy bay trực thăng không đúng cách hoặc không đầy đủ là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn máy bay trực thăng ở Mỹ.

Thời tiết khắc nghiệt

Mưa, gió mạnh, mưa đá và tuyết là những điều kiện thời tiết có thể gây ra tai nạn máy bay trực thăng. Sương mù cực kỳ nguy hiểm vì nó cản trở tầm nhìn.

 2 chiếc máy bay trực thăng va chạm tại Australia gây thiệt hại nặng nề. Ảnh: AP.

2 chiếc máy bay trực thăng va chạm tại Australia gây thiệt hại nặng nề. Ảnh: AP.

Người điều khiển máy bay trực thăng có trách nhiệm đưa ra quyết định đúng đắn trước khi đưa máy bay ra ngoài trong điều kiện thời tiết bất lợi.

Nguy cơ va chạm công trình

Máy bay trực thăng bay ở độ cao thấp, vì vậy chúng có nhiều nguy cơ va phải các công trình như tháp điều khiển, tòa nhà, cây cối và dây điện. Máy bay trực thăng phục vụ mục đích khẩn cấp đặc biệt dễ bị tai nạn như vậy.

Quá tải

Nếu vượt quá trọng lượng tối đa của trực thăng, nguy cơ va chạm sẽ tăng lên. Các nhà điều hành tour đôi khi cố gắng đưa càng nhiều người lên máy bay càng tốt, dẫn đến hậu quả thảm khốc.

Lỗi điều khiển không lưu

Kiểm soát viên không lưu đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo máy bay hạ cánh và cất cánh an toàn từ sân bay. Khi một kiểm soát viên không lưu bất cẩn phạm sai lầm, tất cả các máy bay trong không phận đó, kể cả trực thăng, đều gặp rủi ro.

Ai chịu trách nhiệm pháp lý?

Khi một vụ tai nạn máy bay trực thăng xảy ra, một số bên có thể phải chịu trách nhiệm về thương tích và tử vong tùy vào từng trường hợp.

Phi công

Phi công trực thăng có nhiệm vụ vận chuyển hành khách an toàn. Bất kỳ loại sơ suất hoặc sai sót nào do thiếu kinh nghiệm, thiếu năng lực hoặc hành vi liều lĩnh đều có thể dẫn đến tai nạn máy bay trực thăng nghiêm trọng.

 Phi công thường phải chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra tai nạn. Ảnh: Oscar Sutton/Unsplash.

Phi công thường phải chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra tai nạn. Ảnh: Oscar Sutton/Unsplash.

Chủ sở hữu trực thăng

Thông thường, máy bay trực thăng không thuộc sở hữu của phi công mà thuộc sở hữu của một công ty hoặc cá nhân sử dụng phi công. Trong trường hợp trục trặc kỹ thuật do bảo dưỡng không đúng cách, chủ sở hữu máy bay trực thăng có thể phải chịu trách nhiệm.

Tương tự, họ có thể phải chịu trách nhiệm về việc tuyển dụng nếu thuê một phi công thiếu kinh nghiệm.

Nhà sản xuất linh kiện

Các nhà sản xuất các bộ phận bị lỗi có thể phải chịu trách nhiệm khi tai nạn máy bay trực thăng xảy do một bộ phận nguy hiểm hoặc bị lỗi.

Công ty bảo trì

Nếu chủ sở hữu trực thăng ký hợp đồng bảo trì với một công ty riêng biệt không bảo dưỡng trực thăng đúng cách, công ty đó cũng có thể phải chịu trách nhiệm về một tai nạn xảy ra do sơ suất hoặc thiếu cẩn trọng.

Nhà điều hành tour trực thăng

Các công ty này có trách nhiệm đảm bảo máy bay trực thăng không cất cánh trong sương mù dày đặc, gió tốc độ cao hoặc các điều kiện rủi ro khác.

Lương Đặng - Hoàng Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bell-505-gap-nan-13-lan-trong-4-nam-post1419238.html