Bến Bắc Cao Lãnh tháng Tám năm bốn lăm

KỶ NIỆM 75 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2/9

Sáng ngày 27/5/2018, cầu Cao Lãnh được khánh thành và thông xe. Từ đây, Bến phà Cao lãnh bước sang một bước ngoặt mới trong hành trình hơn 100 năm nối hai bờ sông Tiền. Một bến phà, một địa danh đã đi cùng năm tháng, để lại trong lòng người thuộc nhiều thế hệ những tình cảm, những luyến lưu, hoài niệm... Trong tiến trình lịch sử của quê hương, Bến phà Cao Lãnh đã cắm mốc son sáng chói qua sự kiện tháng Tám năm 1945...

Chuyến phà trong ngày thông xe cầu Cao Lãnh

Chuyến phà trong ngày thông xe cầu Cao Lãnh

Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Tin ấy lan đi rất nhanh, quần chúng Nhân dân phấn khởi, khí thế cách mạng sục sôi, bọn tay sai quan lại hoang mang cực độ, chính quyền các cấp của chúng tê liệt hoàn toàn.

Chi bộ xã Tân Mỹ và xã Mỹ An Hưng ráo riết chuẩn bị lực lượng. Bọn cường hào ở đây đánh hơi, bí mật báo với tên Cò Thể phụ trách mật thám và cảnh sát tỉnh Sa Đéc.

Sáng 23/8, Thể phân công 4 tên mật thám và được chia làm 2 tốp lên 2 xã này. Tốp lên xã Tân Mỹ do tên Kiệt phụ trách, chúng bắt 3 cán bộ của ta (gồm đồng chí Sáng, Mùa, Ứng) vì có tài liệu của Việt Minh, truyền đơn, cờ rồi đem về trụ sở tề xã Tân Mỹ (ở Cai Châu) và giam ở đó.

Được tin này, hàng trăm quần chúng với gậy, gộc, giáo, mác đã xông vào trụ sở của chúng, bao vây 2 tên mật thám. Chi bộ xã Tân Mỹ đã báo cho Tổng ủy An Thạnh Thượng (tại xã Mỹ An Hưng). Tổng ủy đã phân công đồng chí Lê Văn Cử về Sa Đéc báo cáo với Tỉnh ủy lâm thời và xin chỉ đạo. Đồng thời, Tỉnh ủy cũng huy động quần chúng đến hỗ trợ cho Tân Mỹ. Quần chúng ở Mỹ An Hưng tập hợp rất nhanh, mang đủ loại vũ khí thô sơ kéo xuống Tân Mỹ. Đến cầu Kinh Thầy Lâm, một số du kích và thanh niên (do đồng chí Nguyệt chỉ huy) cũng được tập hợp sẵn, vừa lúc đó 2 tên mật thám: Đội Cúc và Bếp Hanh cũng vừa đến.

Theo lệnh của đồng chí Võ Phát, đồng chí Nguyệt bắt tên Đội Cúc, thu 1 súng ngắn, 1 sổ tay ghi danh cán bộ ở Mỹ An Hưng mà chúng định đến bắt. Bếp Hanh tháo chạy nhưng đến rạch Bà Móc thì bị ta bắt.

Đoàn người tiếp tục kéo xuống Tân Mỹ, khi đến bến Bắc Cao Lãnh thì tên Đội Lựu (trưởng đồn Bảo An của chúng) ra lệnh bắn vào đoàn người, làm bị thương 4 người. Quần chúng phẫn nộ, lập tức xông vào cướp đồn. Trước tiếng thét căm thù tột độ của quần chúng, Đội Lựu cùng 6 tên lính bỏ đồn, chúng lấy xuồng của dân vượt qua sông về thị xã Cao Lãnh.

Bến Bắc Cao Lãnh đầu thế kỷ XX. Ảnh Tư liệu

Bến Bắc Cao Lãnh đầu thế kỷ XX. Ảnh Tư liệu

Tại Cai Châu (trụ sở tề xã Tân Mỹ), trước áp lực của quần chúng, Đội Kiệt và tên mật thám trốn xuống Rạch Vông rồi xuống xuồng bơi trốn về Sa Đéc (không dám đi đường bộ) 3 cán bộ của ta được giải thoát.

Khi ấy, tại thị xã Sa Đéc, Mặt trận Việt Minh tỉnh đang họp do đồng chí Huệ chủ trì, có đủ đại diện các đảng phái, tôn giáo, trí thức... Sau khi nghe đồng chí Cử báo cáo, Mặt trận đã phân công bác sĩ Hớn dẫn đầu phái đoàn đến gặp tỉnh trưởng Bửu. Đoàn gặp Cò Thể, hắn hăm dọa, đòi đưa lính đàn áp. Tên tỉnh trưởng do dự, ta tiếp tục tấn công, cuối cùng y phải chịu trực tiếp đến Bắc Cao Lãnh giải quyết. Nhưng kỳ thực chúng âm mưu đàn áp quần chúng và bắt trọn các đại biểu của ta (vì chúng có cả 1 xe tải chở lính đi cùng).

5 giờ chiều, đoàn xe của Cò Thể, Bửu và bọn lính đến Bắc Cao Lãnh. Xe vừa ngừng, quần chúng liền vây chặt, lính tráng, súng ống sẵn sàng nhưng không dám nổ súng. Tên Bửu và Thể cũng không dám ra lệnh, ta đã tranh thủ thuyết phục... Quần chúng đòi Cò Thể và Bửu không được ra lệnh nổ súng. Mặt khác, buộc Bửu phải đi xe đạp lên cầu Kinh Thầy Lâm thương lượng, vì quần chúng tập trung ở đây đông và nêu yêu sách, không giải quyết được. Đến nơi, trước sức mạnh của quần chúng, trước tình thế bị bao quây, Bửu phải chấp nhận yêu sách gồm 4 điểm:

1. Nhận bồi thường danh dự cho những người bị bắt, bồi thường thiệt hại cho những người bị thương.

2. Sẽ trừng trị bọn mật thám vô cớ đến bắt người cùng tên Đội Lựu và bọn lính đã nổ súng vào đồng bào.

3. Giao Việt Minh giữ trật tự trị an ở xã Tân Mỹ và Mỹ An Hưng.

4. Sẽ không đóng đồn lại ở Bắc Cao Lãnh, không cho bất cứ tên lính nào vào đến vùng này.

Cuộc đấu tranh thắng lợi hoàn toàn. Đồng bào 2 xã phấn khởi, đêm đêm du kích và Thanh niên Tiền phong tuần tra xóm làng; bọn tề gian ác trốn biệt, cường hào không còn lộng hành. Thắng lợi này, góp phần quan trọng cho thắng lợi Cách mạng tháng Tám ở tỉnh Sa Đéc ngày ấy, viết tiếp trang sử yêu nước của Nhân dân tỉnh nhà.

Nhất Thống

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/chinh-tri/ben-bac-cao-lanh-thang-tam-nam-bon-lam-92696.aspx