Bên bờ vực chiến tranh - Mỹ mơ hồ chính sách, Iran mạo hiểm chiến lược
Cách ông Trump xử lý vấn đề Iran cho thấy sự 'mơ hồ nguy hiểm' tại Nhà Trắng, trong khi Tehran, với năng lực quân sự gia tăng, đang lựa chọn một chiến lược đầy rủi ro.
Khoảng 30 sĩ quan của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cùng các vị khách có mặt tại một biệt thự ở đông bắc Tehran trong tối 20/6. Ngồi quanh những đĩa gà nấu nghệ tây và cơm quả hoàng liên gai được đặt trên một tấm khăn, họ vừa ăn mừng vừa cầu nguyện.
"Phước lành đặc biệt cho vị chỉ huy đã ra lệnh tấn công chiếc máy bay không người lái (drone) của Mỹ và những chiến binh đã thực hiện vụ tấn công", một giáo sĩ tuyên bố, theo lời một vị khách có mặt kể lại. Những tiếng "amen" trầm khàn xâm chiếm căn phòng.
Chiến tích của họ vào sáng sớm cùng ngày - bắn hạ chiếc RQ-4A Global Hawk vô cùng tối tân của Mỹ - thậm chí làm kinh ngạc cả những lãnh đạo của IRGC, một nhánh của quân đội Iran. Họ tự hỏi làm sao họ có thể nhắm trúng mục tiêu bay ở tầm cao như vậy trên bầu trời.
Thực tế, IRGC tìm cách bắn hạ chiếc drone của Mỹ phần nhiều là để chứng minh họ có thể làm được điều đó, theo vị khách nói trên. Các lãnh đạo của IRGC cảm thấy tức giận trước những phát biểu xem thường sức mạnh quân sự Iran từ giới chức Mỹ gần đây. Chẳng hạn ông Brian Hook, đặc phái viên Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề Iran, từng cáo buộc Tehran "photoshop máy bay cũ kỹ" để phóng đại năng lực của họ.
Giờ đây, các lãnh đạo IRGC thậm chí cảm thấy hoan hỉ hơn với tin nhận được trong đêm ăn mừng ở Tehran rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hủy một kế hoạch tấn công Iran vào giờ chót. Họ đi đến kết luận: ông Trump kiên quyết tránh chiến tranh và vụ bắn hạ máy bay tăng lợi thế của Iran trong bất cứ cuộc đàm phán nào sắp tới.
"Những gì xảy ra trong 48 giờ qua là cực kỳ quan trọng trong việc cho thấy sức mạnh của Iran và buộc Mỹ phải tính toán lại", Naser Imani, nhà phân tích từng làm việc tại bộ phận chính trị của IRGC, nói với New York Times hôm 22/6. "Dù nhìn theo cách nào, Iran đều đã thắng".
Tuyên bố có phần hùng hồn của những người thân cận với IRGC như ông Imani có thể làm khuất lấp đi những nỗi lo thầm kín hơn về sức mạnh vượt trội của quân đội Mỹ. Song, việc tuyên bố như vậy không hẳn là không có cơ sở.
Global Hawk là một trong những máy bay không người lái đắt nhất thế giới với đơn giá tới hơn 131 triệu USD, đắt hơn tiêm kích tàng hình F-35. Máy bay có tốc độ tối đa 629 km/h, có thể bay ở độ cao 19,8 km với thời gian hoạt động liên tục 42 giờ. Được trang bị các công nghệ điện tử trinh sát và do thám hiện đại nhất, RQ-4 đã trở thành "cỗ máy trinh sát vô địch thế giới".
"Việc bắn rơi máy bay này hoàn toàn không dễ dàng, nên có thể thấy lực lượng phòng không Iran đã rất hiện đại", ông Nguyễn Quang Khai, nguyên đại sứ Việt Nam tại Iraq kiêm nhiệm Jordan và Yemen, nói với Zing.vn.
Đây không phải lần đầu tiên Iran bắn rơi máy bay do thám hiện đại của Mỹ. Năm 2011, Iran tuyên bố sử dụng phương pháp tác chiến điện tử ép hạ cánh máy bay trinh sát tối mật RQ-170 Sentinel. Sau đó, một số quan chức Mỹ thừa nhận máy bay không người lái rơi gần Iran, nhưng nói nó thuộc về CIA chứ không phải của Không quân Mỹ.
Mỹ khi đó đã không trả đũa. Tổng thống Barack Obama nói Washington đã "yêu cầu (Iran) trả lại" máy bay bị bắn rơi nhưng thay vào đó, Iran nói họ đã cho tháo dỡ chiếc drone để tìm hiểu nguyên lý kỹ thuật, và thậm chí còn sản xuất các phiên bản đồ chơi cho trẻ em.
Cho đến gần đây, các chỉ huy IRGC và nhiều lãnh đạo khác của Iran dường như vẫn kiềm chế đối đầu trực diện với quân đội Mỹ, ngay cả sau khi Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt lên Tehran. Tuy nhiên, chiến lược của họ thay đổi trong những tháng qua khi chính quyền Trump xem IRGC là tổ chức khủng bố và chặn mọi đường xuất khẩu dầu của Iran, nguồn thu quan trọng cho đất nước.
Mỹ cũng cáo buộc Iran tấn công 6 tàu chở dầu cũng như 2 tàu chở hóa chất trong hai vụ xảy ra cách nhau một tháng ở khu vực gần eo biển Hormuz, huyết mạch của hoạt động mua bán dầu mỏ toàn cầu.
Trong khi căng thẳng leo thang, Thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton, người đi đầu kêu gọi Mỹ đối đầu Iran, tuyên bố trên truyền hình hồi tháng 5 rằng một cuộc chiến với Iran chỉ cần "hai cuộc tấn công: đầu tiên và cuối cùng". Cũng trong tháng đó, đặc phái viên Brian Hook lên tiếng xem nhẹ năng lực phòng thủ của Tehran.
"Iran đã photoshop ảnh các vụ phóng tên lửa để cố cho thấy khả năng của họ đã gia tăng", ông Hook nói trong một video do Bộ Ngoại giao Mỹ đăng tải.
Những bình luận đó - nhanh chóng bị chế nhạo trên truyền thông nhà nước Iran - thuyết phục các lãnh đạo IRGC tìm cách "biểu dương" tên lửa của Iran để ngăn chặn một cuộc tấn công.
"Các quan chức Mỹ như ông Hook và ông Cotton đang đánh giá thấp năng lực quân sự của Iran", Foad Izadi, giáo sư Đại học Tehran, nói. "Đây là ấn tượng mà các lãnh đạo Iran muốn sửa lại. Iran cần gửi đi thông điệp đến bên kia rằng tấn công chúng tôi sẽ phải trả giá đắt".
Sau khi xác nhận bắn rơi Global Hawk hôm 20/6, các quan chức Iran đã sớm tuyên bố rằng họ chủ đích tấn công chỉ một chiếc máy bay không người lái và không tấn công một máy bay do thám của Mỹ cũng ở gần đó vì máy bay này đang chở 35 người. (Quan chức Mỹ sau đó nói chiếc máy bay đang ở bay ngoài không phận Iran và không thể chở số lượng người lớn như vậy).
Cũng trong bữa tiệc tối 20/6, các lãnh đạo IRGC tỏ ra "tự hào" rằng họ đã hạ được máy bay Mỹ bằng tên lửa do Iran chế tạo, thay vì tên lửa từ Nga hay Trung Quốc. Tuyên bố này không thể xác thực độc lập nhưng sau đó đã được truyền thông Iran khẳng định nhiều lần.
"Bolton và Hook cứ thì thầm vào tai ông Trump rằng Iran chỉ là khoe mẽ thôi và nếu bị tấn công, chế độ đó sẽ gấp lại như chiếc bánh xốp", đại tá Gholamreza Ashrafi, chủ bữa tiệc, nói với các vị khách, nhắc đến cố vấn "diều hâu" của ông Trump, John Bolton. "Chúng ta đã cho họ thấy chúng ta không phải là bánh xốp".
Trong khi đó ở Washington, cách ông Trump xử lý vấn đề Iran cho thấy một sự "mơ hồ nguy hiểm" tại Nhà Trắng, theo New York Times. Quyết định ra lệnh rồi đột ngột hủy bỏ kế hoạch tấn công quân sự làm dấy lên cuộc tranh luận rằng liệu việc ông Trump dừng lại ở bờ vực là lời đe dọa nghiêm khắc nhất của ông hay là dấu hiệu của sự đầu hàng.
Ông Trump đã phản đối giải pháp quân sự cho những hành động khiêu khích liên tục của Iran trong nhiều tuần trước khi ông thức dậy vào sáng 20/6 và phát hiện máy bay do thám Mỹ bị bắn hạ. Với sự lèo lái của John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia, tổng thống phải đối mặt với việc lựa chọn cách đáp trả.
Ông Trump được cung cấp danh sách ít nhất 12 lựa chọn tấn công được xác định trong tháng này sau khi có các cuộc tấn công tàu chở dầu tại khu vực. Danh sách này sau đó được rút gọn xuống còn ít nhất hai lựa chọn, với mục tiêu bao gồm các hệ thống radar và tên lửa của Iran.
Cho đến 19h ngày 20/6 (giờ Washington), các quan chức cấp cao Mỹ được thông báo cuộc tấn công sẽ diễn ra trong khoảng từ 21h đến 22h, tức ngay trước khi trời sáng ở Iran. Trong vòng một tiếng, kế hoạch đã bị hủy bỏ.
Trên Twitter và trong cuộc phỏng vấn với NBC News sau đó, ông Trump nói ông đổi ý vì muốn tránh thương vong sau khi nghe các tướng lĩnh nói cuộc tấn công có thể khiến 150 người thiệt mạng. Đến 22/6, nhà lãnh đạo 73 tuổi tuyên bố sẽ mang lại thịnh vượng và trở thành "bạn thân" của Iran nếu quốc gia Hồi giáo này chấp nhận hợp tác với Mỹ để phi hạt nhân hóa.
"Thực tế chúng ta sẽ không để Iran có vũ khí hạt nhân. Và khi họ đồng ý với điều đó, họ sẽ có nền kinh tế thịnh vượng, họ sẽ có hạnh phúc và tôi sẽ là bạn thân với họ", ông tweet. Ông chủ Nhà Trắng cũng nói "rất cảm ơn" Vệ binh Cách mạng Iran vì đã không chọn phương án bắn rơi máy bay do thám chở 30 người của Mỹ. Tuyên bố này rất giống cách ông gây sức ép "tối đa" lên với Bình Nhưỡng trong hơn một năm trời rồi bất ngờ tuyên bố muốn làm bạn với nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Cách ông Trump xử lý vấn đề Iran trong tuần qua gần như tuân theo đúng quy luật đã khiến chính sách đối ngoại trong các cuộc khủng hoảng khác trở nên phức tạp và làm Nhà Trắng của ông đau đầu, theo Washington Post. Đầu năm nay, cố vấn John Bolton đề cập khả năng Mỹ dùng sức mạnh quân sự để buộc Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro từ bỏ quyền lực, mở đường cho lãnh đạo đối lập Juan Guaido lên nắm quyền.
Theo Fernado Cutz, cựu thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia của ông Trump và dưới thời Tổng thống Obama, nhiều thành viên phe đối lập thậm chí hy vọng sư đoàn lính dù 101 của Mỹ sẽ xuất hiện trên đường phố Caracas. Ông Trump sau đó âm thầm rút phương án can thiệp quân sự khỏi danh sách lựa chọn.
“Chúng ta đang theo mô hình làm thật hoặc im luôn. Chúng ta khi đó đứng trước lựa chọn chứng minh những lời đe dọa của mình hoặc dừng nói về vấn đề Venezuela. Khi thời điểm đến, chúng ta quyết định dừng nói", ông Cutz đánh giá.
Tương tự như vậy với Triều Tiên, những phát biểu hùng hồn của Tổng thống Trump sau đó nhường đường cho những bất đồng nội bộ và kết thúc trong sự mơ hồ về những mục tiêu dài hạn.
Với Iran, ông Trump ban đầu nói việc Tehran bắn rơi máy bay Mỹ là "sai lầm lớn", nhưng sau đó lại nói "có thể là tai nạn". Ông quyết định tấn công rồi lại hủy, sau đó nói Iran có thể là bạn, nhưng đồng thời cũng tuyên bố sẽ áp đặt thêm cấm vận.
Chính sự mơ hồ đó giờ đây đang đặt ra những mối nguy: những kẻ diều hâu ở Iran có thể ngày càng bạo gan hơn để tiếp tục "thử lòng" tổng thống Mỹ. Cùng lúc, ông lại khơi gợi kỳ vọng cho một số đồng minh thân thiết nhất rằng ông sẽ cho phóng tên lửa vào Iran lần tới.
Brett McGurk, người từng là phái viên Tổng thống Trump tại liên quân chống Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ dẫn đầu, cảnh báo rằng với sự thất bại của chính sách Iran của chính quyền Trump cho đến nay, "ông Trump có thể sớm phải chọn: hoặc nhượng bộ hoặc dùng đến biện pháp quân sự".
Hiện tại, ông Trump đã tuyên bố sẽ áp các lệnh trừng phạt "quan trọng" nhằm vào Iran trong ngày 24/6. Những người ủng hộ cách tiếp cận của ông cho rằng việc đối đầu với Iran là tất yếu, nếu xét đến hành vi lũng đoạn Trung Đông trên quy mô lớn hơn của nước này.
Thế nhưng các nhà phê bình nói việc làm suy yếu thỏa thuận hạt nhân 2015 chỉ giúp củng cố động cơ để Iran thị uy sức mạnh với bên ngoài.
Hồi đầu tháng 6, ông McGurk từng cảnh báo chiến lược của Mỹ gần như là buộc Iran phải leo thang để đáp trả.
"Các biện pháp trừng phạt ngày càng gia tăng" và các áp lực khác của Mỹ đối với Iran, ông viết trên tạp chí Foreign Affairs, cho thấy "không có con đường hợp lý nào để Iran tham gia vào các cuộc đàm phán". Và "nếu chiếu theo suy luận hợp lý của Iran", những biện pháp đó cũng đồng nghĩa với việc thay đổi chế độ, theo ông McGurk.
Ông Trump đã kêu gọi đàm phán với các nhà lãnh đạo Iran, và dù ông nói không tìm cách thay đổi chế độ, một số quan chức hàng đầu của ông lại nói như vậy, và vẫn chưa rõ ai là người có tiếng nói cuối cùng. Khả năng này sẽ mang lại cho các nhà lãnh đạo Iran mọi động lực để chống trả, thay vì lùi bước và để bị hủy diệt.
Ngay cả khi Iran cho rằng những người đề xướng thay đổi chế độ là ngây thơ - và những lời bóng gió của Mỹ trong quá khứ về việc can thiệp quân sự tại Venezuela đến nay vẫn chưa có gì - các lệnh trừng phạt vẫn đặt Iran vào mối nguy nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia nói trên New York Times, bằng chiến lược và sức mạnh tuyệt đối của mình, Mỹ đã đóng cửa hầu như mọi con đường hòa bình để Iran đáp trả.
Không giống như Trung Quốc, Iran khó có thể chống lại áp lực kinh tế của Washington bằng cách áp dụng các biện pháp trừng phạt hoặc thuế quan của riêng mình đối với Mỹ. Iran cũng không thể hy vọng "ngang cơ" với Mỹ về mặt ngoại giao, vì nước này không có ghế trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và không có mạng lưới đồng minh toàn cầu.
Trong khi một số quốc gia đã nói Washington là bên vô trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng, thì Tehran đã thấy rằng chỉ thuyết phục thế giới quy trách nhiệm cho Mỹ là không đủ. Các chính phủ châu Âu và châu Á cũng có những "hiềm khích" riêng với chính quyền Trump và cũng rất chật vật ngay cả trong những vấn đề liên quan trực tiếp đến họ.
Điều đó, theo các chuyên gia, đã khiến Iran đi đến một chiến lược có lý nhưng nhiều rủi ro là gia tăng khả năng thỏa thuận hạt nhân sụp đổ và thậm chí là khả năng xảy ra chiến tranh trực diện với hy vọng thuyết phục thế giới can thiệp để ngăn chặn cả hai. Việc Iran đe dọa dự trữ uranium đã được làm giàu nhẹ có thể xem là sự thu nhỏ của chiến lược này.
"Tạo ra cảm giác nguy cấp đối với các nước châu Âu cũng như Trung Quốc và Nga" là cách để Iran buộc chính phủ các nước này xông vào kiềm chế Mỹ thay cho Iran, theo bà Ellie Geranmayeh, chuyên gia về Iran tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu.
Ngoài Mỹ và Iran thì các nước Anh, Pháp, Đức cũng như Nga và Trung Quốc là các bên ký kết thỏa thuận hạt nhân 2015. Bằng cách khuấy động cuộc khủng hoảng ở Vùng Vịnh, Iran đang hy vọng vấn đề sẽ được đưa vào các chương trình nghị sự toàn cầu.
Song rốt cuộc đây vẫn là chiến lược nguy hiểm, giống như trò chơi "ai là gà" hay là chuyện "hai con dê cùng qua cầu". Trong trò chơi này, chiến lược không phải là buộc phía bên kia phải nhượng bộ, mà là khiến những người ngoài cuộc cảm thấy nguy cấp trước nguy cơ xảy ra xung đột tới mức họ phải nhảy vào can thiệp.