Bến Cát, sức bật và khát vọng vươn tầm

Từ vùng đất bị tàn phá trong chiến tranh, Bến Cát đã chuyển mình mạnh mẽ với những bước phát triển đột phá, trở thành vùng công nghiệp - đô thị - dịch vụ của tỉnh với hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng bài bản, hiện đại, đô thị phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, thông minh.

Bến Cát giờ đây đã trở thành trung tâm công nghiệp của tỉnh, đang vươn mình phát triển lên tầm cao mới với hạ tầng đồng bộ, thu hút mạnh các nhà đầu tư trong và ngoài nước

Bến Cát giờ đây đã trở thành trung tâm công nghiệp của tỉnh, đang vươn mình phát triển lên tầm cao mới với hạ tầng đồng bộ, thu hút mạnh các nhà đầu tư trong và ngoài nước

Sức bật từ mô hình khu công nghiệp

Bình Dương những năm 1990, với tư duy đột phá trong phát triển kinh tế, lấy công nghiệp làm đòn bẩy, đã xây dựng các khu công nghiệp (KCN) đầu tiên của Việt Nam, đưa công nghiệp vào sản xuất tập trung, có đầy đủ cơ sở hạ tầng và các dịch vụ phục vụ, đi đôi với bảo vệ môi trường, phát triển đô thị. Hiệu quả của mô hình kinh tế KCN đã đưa Bình Dương vươn lên, từ một tỉnh nghèo trở thành địa phương có tính động lực kinh tế trong phạm vi toàn vùng và toàn quốc, phát triển với tốc độ nhanh.

Trong sự thay đổi ngoạn mục đó, Bình Dương thấy rõ sự khác biệt giữa khu vực phía nam, nơi có công nghiệp phát triển mạnh và phía bắc, nơi sản xuất nông nghiệp chủ yếu cây lúa và cây cao su hiệu quả kinh tế thấp. Với tầm nhìn chiến lược, lãnh đạo tỉnh đã quyết định phát triển KCN về phía bắc nhằm đáp ứng yêu cầu mở rộng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế các huyện thuần nông, xóa đói giảm nghèo hiệu quả ở vùng nông thôn. Và Bến Cát được chọn triển khai mô hình kinh tế KCN.

Nằm ở khu vực trung tâm tỉnh, có Quốc lộ 13 cùng với các tuyến đường tỉnh bảo đảm lưu thông thuận lợi theo hướng bắc nam. Đường thủy có sông Sài Gòn, sông Thị Tính, địa hình bằng phẳng, nền đất cứng, Bến Cát hội đủ điều kiện để phát triển kinh tế công nghiệp. Bên cạnh đó, những KCN mọc lên ở phía nam tỉnh đã đưa đời sống của người dân nơi đây ngày càng khá hơn, sung túc hơn. Chính vì vậy, việc quy hoạch phát triển KCN lên phía bắc, cụ thể ở Bến Cát được nhân dân địa phương đồng thuận ủng hộ, chấp hành tốt chủ trương giải phóng mặt bằng.

Bằng tất cả khát vọng hồi sinh vùng đất đã chịu nhiều mất mát, tổn thất nặng nề trong chiến tranh, Tổng Công ty Becamex IDC đã đồng hành cùng với chính quyền tỉnh và Bến Cát để xây dựng mô hình KCN mới, KCN “3 trong 1”, kết nối chặt chẽ giữa sản xuất công nghiệp - dịch vụ và đô thị, đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, thông qua mối quan hệ hài hòa giữa doanh nghiệp - người lao động và người dân. Tháng 6-2002, mô hình kinh tế KCN mới, KCN - đô thị Mỹ Phước được thành lập với diện tích 370 ha, cơ sở hạ tầng được đầu tư hiện đại. Với kinh nghiệm xúc tiến đầu tư của Becamex IDC, chỉ trong một thời gian ngắn, KCN - đô thị Mỹ Phước đã lấp đầy diện tích đất cho thuê và tiếp tục được tỉnh mở rộng, đồng thời quy hoạch thêm các KCN khác.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết: “Để thu hút doanh nghiệp đầu tư, chúng tôi tạo môi trường với những cơ hội mới, tốt hơn, tạo việc làm cho người dân. KCN được xây dựng dựa vào những quy hoạch, định hướng để xây dựng cơ sở hạ tầng trong, ngoài KCN đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thật sự cho các nhà đầu tư. Đây là những thành phần rất quan trọng trong vấn đề phát triển các KCN thời gian qua chúng tôi đã tạo dựng được”.

Vươn tầm cao mới

Trong chuyến về thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân Bến Cát tháng 9-2005, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nhắn nhủ, Bến Cát là “bến vàng”. Địa phương cần kiên trì mục tiêu chiến lược: Công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Thực tế, Bến Cát “đi sau” so với các huyện phía nam “làm công nghiệp” nhiều năm, nhưng đã nhanh chóng trở thành một trung tâm công nghiệp phát triển bền vững của tỉnh, một địa điểm hấp dẫn, nơi đầu tư lý tưởng đối với nhà đầu tư.

Các KCN và đô thị Mỹ Phước, Thới Hòa, Bàu Bàng là hình mẫu của tỉnh Bình Dương và cả nước. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật được Becamex IDC đầu tư hoàn chỉnh cùng hạ tầng xã hội, công tác cải cách thủ tục hành chính, xúc tiến đầu tư tốt và hàng loạt dự án đô thị khang trang, hiện đại bao phủ khắp địa bàn. Các KCN ở Bến Cát - Bàu Bàng đã thu hút hàng ngàn dự án đầu tư, trong đó có nhiều tập đoàn kinh tế nổi tiếng toàn cầu. Trên địa bàn có hàng ngàn nhà máy đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho một bộ phận lớn người lao động, không chỉ là người dân địa phương mà khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Đúng như mục tiêu “Lấy công nghiệp làm đòn bẩy cho các lĩnh vực khác phát triển”, Bến Cát đã thay đổi diệu kỳ, từ một vùng đất khó, nay tràn đầy sức sống mới, đang vươn mình phát triển lên tầm cao mới. Những nhà máy luôn sáng đèn sản xuất, từng khu chợ, siêu thị nhộn nhịp mua bán, phong phú các loại hình dịch vụ tiện ích trong đời sống và sản xuất. Các tuyến đường giao thông hoàn chỉnh xuyên suốt liền mạch từ trung tâm đô thị đến các vùng nông thôn.

Với sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, Bến Cát nhanh chóng trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng cao của tỉnh. Riêng năm 2021, mặc dù ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, tăng trưởng kinh tế của Bến Cát đạt mức 20,5% so với năm 2020. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng nâng lên. Diện mạo đô thị ngày càng khang trang, đáp ứng các tiêu chí đô thị loại 2 để trở thành thành phố Bến Cát trực thuộc tỉnh trong nay mai.

Sức bật về kinh tế công nghiệp, dịch vụ, sức bật của hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện là tiềm lực để Bến Cát tự tin vươn tới một đô thị hiện đại, văn minh, thông minh trong giai đoạn phát triển mới. Hiện nay, Bến Cát đang lập Quy hoạch phát triển đô thị và Quy hoạch xây dựng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 với chức năng là 1 trong 3 đô thị trung tâm của tỉnh nằm trong Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương, đồng thời thuộc tiểu vùng đô thị trung tâm của Vùng TP.Hồ Chí Minh.

Bến Cát hiện là trung tâm công nghiệp công nghệ cao của tỉnh, đồng thời là trung tâm dịch vụ, thương mại cấp tỉnh với các trung tâm thương mại, trung tâm dịch vụ công nghiệp và dịch vụ vận tải, logistics. Bến Cát cũng là trung tâm giáo dục cấp vùng với 2 trường đại học: Việt Đức và Thủ Dầu Một (dự kiến cơ sở mới). Địa bàn này là đầu mối giao thông cấp vùng với các tuyến đường bộ, đường thủy trên sông Sài Gòn, tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh và các cảng vận tải như cảng sông An Tây, cảng cạn An Điền. Bến Cát phát triển các khu đô thị và khu chức năng dựa theo khung giao thông cấp vùng để tận dụng lợi thế của các đầu mối giao thông.

Bến Cát - vùng đất lừng danh trong những năm tháng chiến tranh đang viết tiếp khúc hoan ca vươn tới sự giàu mạnh phồn vinh, tiếp tục có những đóng góp xứng đáng cho sự phát triển chung của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC: “Đối với Becamex IDC, vấn đề cốt lõi nhất là chúng tôi vừa phát triển KCN, vừa phát triển thương mại - dịch vụ, trong dịch vụ có đô thị, trong đô thị có định cư cho người dân, bao quanh là hệ sinh thái giao thông, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của mọi nhà đầu tư. Đây là mô hình phát triển hệ sinh thái toàn diện phục vụ cho việc phát triển các KCN, là điểm khác biệt, tạo ra giá trị gia tăng tốt nhất cho nhà đầu tư và người dân toàn khu vực. Các KCN - đô thị ở Bến Cát đáp ứng các tiêu chí đó”.

PHƯƠNG LÊ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/ben-cat-suc-bat-va-khat-vong-vuon-tam-a273388.html