Bến không chồng: Bi kịch của những hòn Vọng phu chưa hóa đá

Một nhà văn Nga từng nói: 'Chiến tranh không có gương mặt phụ nữ', bởi không xông pha nơi mưa bom bão đạn, họ thầm lặng ở chốn hậu phương, nép mình sau lũy tre làng.

Thúy Hà (vai Hạnh) và Lưu Trọng Ninh (vai Vạn) trong phim Bến không chồng chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Dương Hướng. Nguồn ảnh: IT.

Thúy Hà (vai Hạnh) và Lưu Trọng Ninh (vai Vạn) trong phim Bến không chồng chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Dương Hướng. Nguồn ảnh: IT.

Nhưng nơi mặt nước lặng lại có sóng ngầm cuộn ở đáy sâu. Với Bến không chồng, Dương Hướng khiến ta day dứt, ám ảnh khôn nguôi trước bi kịch của những người phụ nữ làng Đông, hậu thân của những Vọng phu, Chinh phụ thuở nào.

1. Chị Nhân - người như tên, dịu dàng, nhân hậu nhưng bất hạnh, mất mát cứ dồn dập giáng xuống khiến chị không thể chống đỡ. Những người thân yêu nhất của chị lần lượt ra đi rồi nằm lại nơi chiến trường lạnh lẽo. Nghe tin chồng hi sinh, chị ngã khuỵu xuống, nằm liệt giường suốt mấy ngày. Rồi vẫn ngơ ngác như kẻ mất hồn, chị gượng dậy làm chỗ dựa cho ba đứa con thơ dại.

Nhân không có nỗi đợi chờ tao nhã như nàng khuê phụ trong thơ Vương Xương Linh, mỗi sớm mai điểm trang bước lên lầu cao ngắm liễu xanh bên đường hay nàng chinh phụ trong thơ Đặng Trần Côn ngày ngày buông rèm ngồi bên khung cửa. Nỗi đợi chờ của chị đẫm chát vị mặn của mồ hôi, nước mắt. Chị lam lũ, quần quật đầu tắt mặt tối nuôi con lớn lên.

Nhưng vừa chớm đôi mươi, 2 đứa con trai của chị tình nguyện vào chiến trường miền Nam rồi không bao giờ trở về. Ngày hòa bình chị chưa kịp cười vui thì nước mắt đã ướt đầm vạt áo. Tờ giấy báo tử run rẩy trên đôi tay gầy lấm lem bùn đất.

Nỗi mất mát ám ảnh khiến mỗi đêm khuya những cơn ác mộng lại kéo về giày vò chị. Nhân thường nằm mơ thấy cả ba bố con dẫn nhau về đứng ở đầu giường, nhìn chị với ánh mắt đầy oán trách. Ba lần đám tang, chị đứng trước ba chiếc quan tài rỗng, không có xác người, mắt tê dại nhìn những ngôi mộ gió hắt hiu giữa “một vùng cỏ áy bóng tà”.

Đám tang thứ tư, cúi đầu trước quan tài của Vạn, chị tiều tụy như một bà già đầu bạc lưng còng. Trong chiếc quan tài lạnh lẽo ấy là người đàn ông chị yêu thương suốt mấy chục năm nhưng chưa một lần dám cất lời thổ lộ.

Bom đạn chiến tranh khiến Vạn bị thương, chân tập tễnh, nhưng ngực lấp lánh huân chương, anh kiêu hãnh trở về làng Đông. Sau những năm tháng gồng mình trước sự phán xét để giữ hào quang của một anh hùng giữa cuộc sống thời bình, rốt cuộc Vạn gục ngã.

Người anh hùng Điện Biên năm nào đã chọn đầu hàng, chạy trốn cuộc đời bằng cái chết. Vạn nhảy xuống sông tự vẫn, mang theo mối tình câm lặng của Nhân xuống mồ sâu. Suốt cuộc đời vắt qua 2 cuộc chiến, Nhân chưa từng một lần có ý nghĩ sống cho mình. Chị sống để làm chỗ dựa, nguồn yêu thương cho những đứa con, sống để giữ tiết hạnh trong sạch của người vợ liệt sĩ.

Cái chết của Vạn thức tỉnh Nhân, nhưng lúc chị nhận ra mình sẽ chết mà chưa bao giờ được sống thì đã quá muộn. Được tôn vinh, được đặt trên cái ban thờ cao “công dung ngôn hạnh” của vợ liệt sĩ, lúc xế chiều của đời người, chị làm sao leo xuống mà không thấy ngợp?

Bìa tiểu thuyết “Bến không chồng”.

Bìa tiểu thuyết “Bến không chồng”.

2. Nguồn an ủi duy nhất của đời Nhân là Hạnh, đứa con gái út dịu dàng xinh đẹp như cô tiên trong chuyện cổ tích về mắt tiên mà người làng Đông vẫn truyền kể bao đời. Nhưng cuộc đời Hạnh cũng là chuỗi dài bi kịch. Hạnh và Nghĩa thân thiết như hình với bóng từ lúc còn thơ, lớn lên yêu nhau say đắm.

Như nàng Juliet xinh đẹp và chàng Romeo tuấn nhã của thành Verona, đôi trai tài gái sắc nức tiếng của làng Đông đã bước qua lời nguyền, bất chấp mối thù truyền kiếp giữa hai dòng họ để đến với nhau. Nhưng tình yêu say đắm vẫn không thể mang đến cho họ một cái kết có hậu hơn vở bi kịch của Shakespeare.

Đám cưới đơn sơ ở nhà kho hợp tác, cha mẹ, người thân họ hàng đôi bên đều không đến dự, chỉ có đám thanh niên hát hò. Đêm tân hôn, hai trái tim vàng không có cả túp lều tranh làm chốn nương thân, họ dắt tay nhau đi dọc triền đê, màn trời chiếu đất.

Rồi Nghĩa ra mặt trận, Nghĩa không hy sinh như bố, anh Hà, anh Hiệp. Nhưng bi kịch cuộc đời Hạnh lại ngoặt sang lối khác. Mười năm ròng, Hạnh mỏi mòn đợi chờ trong lo âu khắc khoải. Chị cô độc, gồng mình chống chọi sự hận thù với những lời đay nghiến, rủa xả của họ chồng. Chú Xeng nói xanh rờn“Chừng nào con Hạnh còn ở trên đất từ đường thì tai họa còn xảy ra”.

Nghĩa trở về, nhưng ngày vui vợ chồng sum họp ngắn chẳng tày gang. Mấy năm trôi qua, Hạnh vẫn không thể sinh đứa con trai mà họ Nguyễn mong chờ. Mẹ Nghĩa nhìn Hạnh với đôi mắt lạnh lẽo. Nghĩa không hề biết chất độc da cam khiến mình chẳng thể làm cha, anh ngày đêm khao khát mong chờ đứa con lớn lên sẽ làm tộc trưởng họ Nguyễn.

Nỗi ám ảnh, sợ hãi đeo bám Hạnh trong những cơn ác mộng hằng đêm:“Cút đi, mày là loài yêu tinh quyến rũ thằng Nghĩa. Mày làm cho gia đình bà Khiên tuyệt tự, làm cho cả họ Nguyễn suy sụp. Mày đã phá từ đường”.

Sự giày vò, tra tấn tinh thần khiến cô gái xinh đẹp nhất làng Đông giờ héo mòn, tiều tụy. Không thể mãi gồng mình chống chịu, Hạnh ly hôn. Không nơi bấu víu, chị chông chênh như người bước hụt, mỗi ngày càng héo quắt.

Đôi mắt trong veo, mênh mông sâu thẳm như giếng Tiên huyền thoại của làng Đông giờ đờ đẫn ngây dại, Hạnh cười điên loạn như bị ma ám. Để rồi trớ trêu thay, trong cơn điên dại bột phát, Hạnh có con với Vạn, người đàn ông mà suốt cuộc đời mẹ chị cố chối bỏ, vùi lấp yêu thương. Hạnh bỏ làng đi biệt tích. Nhưng không thể dối con mãi, chị lấy hết can đảm nói sự thật rồi đưa con về làng nhận cha.

Người lính già đã vượt qua hai cuộc chiến tranh, đã tận mắt nhìn bao mất mát, chết chóc tàn khốc lại không thể nhìn thẳng vào đôi mắt ngây thơ của con gái mình. Cú sốc bất ngờ khiến Vạn gục ngã, không thể vượt qua mặc cảm tội lỗi, Vạn nhảy xuống sông tự vẫn.

3. Sẽ rất thiếu sót nếu chỉ nhắc đến bi kịch của mẹ con Hạnh, bởi ở làng Đông còn nhiều cảnh ngộ bất hạnh, còn nhiều niềm đau, nhiều nỗi mất mát. Dâu, cô gái tươi trẻ và mạnh mẽ cá tính, tưởng cuộc đời sẽ chỉ vang giòn những chuỗi cười vui, nhưng rốt cuộc lại sống cô đơn góa bụa.

Ngày ngày Dâu lặng lẽ đi chùa bên những bà già bỏm bẻm nhai trầu. Mụ Hơn từng là cô gái xinh đẹp hát hay nức tiếng ở miền quan họ, về làng Đông làm dâu nhà hào môn chưa được mấy ngày thì bị đấu tố, bố chồng bị bắn chết, chồng cắn lưỡi tự tử, con bị bọn trẻ coi khinh đánh đập.

Chiến tranh, những chàng trai sức vóc cường tráng đều ra trận, Thắm - cô gái đẹp rực rỡ của làng Đông, đã lấy Huy, một thợ chụp ảnh thọt chân, nhưng chẳng bao lâu phải vỡ mộng uyên ương vì thói trăng hoa của chồng. Rồi Thắm yêu một chàng pháo thủ. Hòa bình, anh vào Nam biệt tích, không hề biết đêm vụng trộm duy nhất của hai người đã để lại một đứa con...

Dương Hướng đã khắc họa rất thành công bi kịch của những nhân vật nữ trong Bến không chồng. Bi kịch của những người cả quãng đời thanh xuân bị mưa bom bão đạn vùi lấp, mỏi mòn làm núi Vọng phu ngóng đợi. Nhưng trớ trêu thay, bi kịch cuộc đời họ vẫn nối dài dù bom đạn đã ngừng rơi.

Hết chiến tranh họ vẫn vò võ không chồng, chiều chiều ngồi cô đơn trầm mặc như hóa đá trên bến sông. Cuốn tiểu thuyết của Dương Hướng khiến ta thấm thía hơn sự vô nghĩa, tàn khốc của chiến tranh, lòng ta quặn lên nỗi xót xa cho bi kịch của những hòn Vọng phu chưa hóa đá. Và trên đất nước đầy thương tích này, họ đâu chỉ có ở Bến không chồng của làng Đông?

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/ben-khong-chong-bi-kich-cua-nhung-hon-vong-phu-chua-hoa-da-MmcDPb8Gg.html