Bên kia là Hà Khẩu…
Đầu tháng 1/2023, cửa khẩu biên giới nối liền thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Việt Nam và thị trấn Hà Khẩu thuộc huyện tự trị Hà Khẩu Yao, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã chính thức mở cửa sau gần 3 năm gián đoạn bởi đại dịch COVID-19. Ngay lập tức, cảnh vắng vẻ, im lìm của những ngày trước đó đã được thay bằng sự nhộn nhịp của dòng người từ Lào Cai sang Hà Khẩu và từ Hà Khẩu đến Lào Cai...
1. 6 giờ 30 phút sáng Thứ bảy, 11/2/2023, tôi rời khách sạn Sapaly, TP Lào Cai ra cửa khẩu để làm thủ tục xuất cảnh. 1 tuần trước đó, một người bạn ở thành phố Lào Cai đã giúp tôi làm thông hành biên giới vì theo anh, “nếu đến Lào Cai rồi mới làm thì phải đợi 1 hoặc 2 ngày”.
Thông hành biên giới là loại giấy cho phép người Việt sang Hà Khẩu, Trung Quốc, có giá trị 1 tháng nhưng mỗi lần sang chỉ từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Thủ tục làm giấy này khá đơn giản. Tôi chỉ cần gửi qua mạng hình chụp 2 mặt căn cước công dân và 1 tấm ảnh chân dung cùng lệ phí 300.000 đồng cho bạn tôi là xong. Chả thế mà mới khoảng 1 tiếng sau khi nhận phòng, nhân viên khách sạn đã điện thoại mời tôi xuống quầy tiếp tân lấy thông hành biên giới.
Từ khách sạn Sapaly ra cửa khẩu chỉ 100m nên tôi nghĩ mình đến sớm nhất nhưng không ngờ trước mặt tôi là dòng người rồng rắn xếp hàng, có lẽ phải hơn 300 người. Một sĩ quan biên phòng cửa khẩu cho biết, từ khi hai nước nối lại thông thương, ngày ít nhất cũng hơn 2 nghìn người qua lại còn ngày cao điểm lắm hôm lên đến 5-6 nghìn.
Thủ tục xuất cảnh phía Việt Nam khá nhanh chóng nhờ cách bố trí khoa học với những quầy dành cho khách đi lẻ, khách đi theo đoàn sử dụng thông hành biên giới, khách đi bằng hộ chiếu và quầy cho khách Trung Quốc từ Lào Cai về Hà Khẩu nên chỉ hơn 30 phút, tôi đã đặt chân lên cầu Kiều, là cây cầu bê tông bắc ngang con sông nhỏ Nậm Thi chảy ra sông Hồng. Ở giữa cầu, ngay chỗ đoạn phân chia biên giới hai nước, chính quyền Hà Khẩu cho kẻ 2 lằn sơn màu vàng song song với nhau, giống như giải phân cách trên mặt đường bộ, kéo dài đến hết cầu. Nhiều khách du lịch, cả người Việt lẫn người Trung Quốc dừng ngay điểm phân chia ấy để chụp hình, trong đó tôi nhận ra một đoàn Trung Quốc khoảng 20 người mà tôi đã gặp trên đỉnh Fansipan mấy hôm trước, dẫn đầu bởi một ông béo tròn, đầu hói, tay cầm một cây cờ hiệu gồm những mẩu vải xanh, đỏ, vàng... dài chỉ 20 cm, buộc thành một túm làm mốc cho khách đi theo để khỏi lạc!
Nếu như ở Lào Cai, thủ tục xuất cảnh đơn giản bao nhiêu thì nhập cảnh Hà Khẩu lại rắc rối bấy nhiêu. Để kiểm dịch, ngành y tế Lào Cai đo thân nhiệt khách xuất nhập bằng máy đo từ xa thì ở Hà Khẩu, tất cả mọi người đều phải khai báo y tế điện tử mà chỉ có 4 màn hình máy tính hoạt động, gồm cả tiếng Việt lẫn tiếng Trung nhưng không phải ai cũng rành rẽ với công nghệ này. Một thiếu nữ khoảng 20 tuổi đứng trước mặt tôi mắt hầu như không rời cái điện thoại, ngón tay cô liên tục bấm nhưng khi đối diện với màn hình và khi được yêu cầu chụp ảnh nhận diện, cô lại lùi ra để chụp nửa người nên trên màn hình xuất hiện thông báo chụp lại. Phải đến lần thứ ba, khi tôi nhắc cô “đặt toàn bộ khuôn mặt từ đỉnh đầu đến hết cằm vào cái khung màu vàng” thì cô mới hiểu. Thế đã hết đâu, khi màn hình nêu ra nhiều câu hỏi, chẳng hạn như nghề nghiệp, đã từng đi nước nào chưa... thì cô trả lời lung tung khiến tôi lại phải hướng dẫn cho cô thêm vài lần nữa. Ngặt nỗi là vừa hoàn tất, cô ngoái đầu ra sau gọi lớn: “Hương ơi, bảo mọi người lên đây. Có bác này khai giúp” thì trong đám đông đang rồng rắn xếp hàng, 5 cô cậu khác lách ra, chen lên mặc cho những lời phản đối. Một cậu phân trần: “Các cô các chú thông cảm, chúng cháu đi theo đoàn”. Biết là không xong, tôi nhanh chóng rảo bước đến quầy nhập cảnh. Nhìn đồng hồ, tôi mất đúng 1 tiếng 40 phút kể từ lúc xếp hàng khai báo.
2. Nằm sát biên giới Việt Nam, Hà Khẩu là nơi sinh sống của dân tộc Cáp Nê. Ngay tại lối vào thị trấn, phía Trung Quốc đang xây dựng một tòa nhà lớn mà nghe nói khi hoàn thành, nó sẽ là khu vực làm thủ tục xuất, nhập cảnh. Khác hẳn với năm 1995, khi lần đầu tôi đến, cả thị trấn chỉ có vài tòa nhà cao tầng là nơi làm việc của các cơ quan hành chính cùng một khu chợ mà trong chợ, nổi tiếng nhất là hoạt động mại dâm, còn thì chỉ bước ra vài trăm mét là những con đường đất, những căn nhà mái lá, vách đất còn cầu Kiều mặt lát ván, phần cầu bên Trung Quốc sơn xanh nhưng bây giờ, trước mắt tôi là một đô thị hiện đại với từng dãy cao ốc đủ màu sắc san sát nhau. Tuy nhiên, do người Hà Khẩu nghỉ Tết Nguyên đán đến hết tháng Giêng âm lịch nên các cửa hàng buôn bán phần lớn đều đóng cửa, trừ các siêu thị, chợ, dịch vụ ăn uống và các điểm du lịch.
Theo tìm hiểu của tôi, đa số người Việt qua Hà Khẩu trong ngày là khách du lịch. Họ lên Lào Cai, đi Fansipan rồi quay lại Lào Cai, sang Hà Khẩu, còn khách Trung Quốc theo chiều ngược lại: Lào Cai, Fansipan. Số liệu thống kê cho thấy năm 2019, là năm trước khi xảy ra đại dịch, đã có 6,6 triệu lượt người qua lại cửa khẩu này. Nhớ lại thời gian tốt đẹp ấy, cô Jiang Fuquan, Giám đốc điều hành Công ty du lịch China Comfort Hà Khẩu cho biết trong 2 năm 2018, 2019, công ty cô đã tổ chức cho hơn 200.000 khách từ Việt Nam qua Hà Khẩu và Dongxing thuộc khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây cũng như khách Trung Quốc từ Hà Khẩu đến Lào Cai, Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Cô nói: “Thế nhưng, không có bất cứ một tour nào trong suốt 3 năm qua. Công ty chúng tôi thua lỗ mỗi năm 8 triệu tệ. Bây giờ, sau khi mở cửa, các đối tác của chúng tôi là các công ty du lịch Việt Nam ở Lào Cai, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hà Nội, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh... đã thường xuyên gọi ra đặt tour nên tôi tin rằng doanh thu của chúng tôi sẽ đạt hoặc vượt mức trước dịch”.
Không chỉ du lịch, việc mở cửa biên giới cũng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế hai nước. Tại cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành, từng đoàn xe tải chở nông sản xếp thành hàng dài chờ làm thủ tục thông quan. Một tài xế thuộc một công ty ở Đồng Tháp cho biết, từ giữa tháng 2/2022, phía Trung Quốc cấm biên do COVID-19 nên việc xuất khẩu hoa quả tươi gặp khó khăn, một số mặt hàng khác như lạc, cà phê..., được phép xuất nhưng phải qua những thủ tục kiểm dịch rất nghiêm ngặt. Anh nói: “Đoàn xe của công ty tôi chở khoai lang tím phải mất 2 ngày mới thông quan. Đến đầu tháng 7 cùng năm, việc xuất, nhập khẩu mới trở lại bình thường”.
Bên cạnh những hàng hóa xuất, nhập theo đường chính thức, Lào Cai, Hà Khẩu vẫn tồn tại một mạng lưới giao dịch thương mại ngầm. Trong số những người khách Việt Nam sang Hà Khẩu sáng hôm ấy, cũng không ít người đi buôn. Do mới bắt đầu mở cửa, hàng hóa mà họ mang về Lào Cai chủ yếu là quần áo, giày dép, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em..., với hạn mức cho phép, tất cả đều chứa trong những chiếc va ly nhỏ xách tay để tránh phải đóng thuế. Một phụ nữ khoảng 30 tuổi xếp hàng sau lưng tôi tại khu vực khai báo kiểm dịch rồi lúc gặp lại ở Hà Khẩu, nhìn thấy đôi giày Outdoor chuyên dùng đi đường đồi núi dưới chân tôi, chị hỏi mua bao nhiêu. Thấy tôi cười mà không trả lời, chị nói: “Giày này bên Hà Khẩu chúng em mua 650 nghìn nhưng là hàng nhái, về Lào Cai bán sang tay 700 nghìn”. Tôi hỏi mỗi chuyến như vậy chị mang về được bao nhiêu đôi, chị đáp “khoảng 5 đôi các kiểu như Nike, Adidas, Rebook... vì chúng em còn phải mang những thứ khác”. Vẫn theo lời chị, ở Hà Khẩu còn có thể mua súng ngắn bắn đạn bi, súng điện nhưng tôi không có điều kiện để kiểm chứng vì những cửa hàng bán loại vũ khí sát thương này vẫn đang nghỉ Tết.
Để lấy thêm thông tin, tôi giả như đang đói. Tôi hỏi chị ở Hà Khẩu chỗ nào ăn sáng ngon. Theo lời chị mà sau đó tôi biết tên chị là M, tôi nên ăn thử bánh nướng Chiết Giang ở một cửa tiệm nằm gần chợ Vạn Chúng. Lấy cớ là không biết đường, tôi nhờ chị dẫn tôi đến và nhân tiện “trước lạ sau quen”, tôi mời chị luôn. Trong bữa ăn, tôi lân la trò chuyện, từ chuyện nhà cửa đến chuyện làm ăn để tìm hiểu con đường giao dịch của những người đi buôn. Chị M cho biết: “Nếu không phải là Tết thì Hà Khẩu nhộn nhịp lắm nhưng chúng em chỉ sang khi có hàng mới, còn không thì điện thoại, nói chủng loại, số lượng là hàng sẽ giao tận nơi”. Tôi hỏi hàng đi bằng đường nào, chị đáp: “Theo sông Nậm Thi. Hàng sẽ được chở qua bên này rồi đến một điểm nào đó hẹn trước, chúng em cho người xuống bốc”. Một số liệu cho thấy trong năm 2022, các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đã phát hiện và xử lý 1.846 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, trong đó hàng giả có 48 vụ, khởi tố 259 vụ với 370 người, chủ yếu là buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, lâm sản...
Do khách nhập cảnh Hà Khẩu bằng thông hành biên giới được phép ở lại đến 22 giờ - là giờ Việt Nam còn Trung Quốc là 23 giờ nên 19 giờ, vẫn theo chỉ dẫn của chị M, tôi đến một số nơi vui chơi mà điểm nhấn là công viên Ánh sáng (người Hà Khẩu gọi là công viên Sơn Lâm) bởi tất cả những con đường, cây cầu, ven hồ nước trong công viên đều được trang trí bằng những dây đèn nhiều màu sắc. Vì khá xa, khoảng 6 km nên tôi phải đi taxi, mất 90.000 tiền Việt trong lúc nếu trả bằng tệ thì chỉ hơn 70.000. Phần lớn khách đến công viên này cũng là giới trẻ người Việt. Trong màn đêm, ánh sáng lung linh huyền ảo trong công viên khiến tôi liên tưởng nó là bản sao của Phượng Hoàng cổ trấn ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Tại các “tiểu lâu” ở ven hồ là những quán trà sữa, quán ăn vặt, quán nào cũng kín người mặc dù những món như trà sữa, mực xiên nướng, bánh xá xíu, bánh bao, gà xào sả ớt, gà rán, xúc xích nướng..., là những thứ chẳng xa lạ với người Việt. Một số bạn trẻ còn mua pháo hoa, pháo dây, đốt để chụp ảnh khiến tôi nghĩ đến khá nhiều tỉnh thành ở Việt Nam, ngoại trừ một số ít thành phố lớn, còn thì hầu như chẳng nơi nào có những dịch vụ về đêm để thu hút khách du lịch. Mặc dù công viên Ánh sáng không lấy phí vào cửa nhưng số tiền mà khách bỏ ra để đi taxi hay ăn uống, mua sắm xem ra cũng tạo ra nguồn thu lớn.
3. 20 giờ 30, điểm đến cuối cùng của tôi là “công viên sung sướng” theo cách gọi của người Hà Khẩu. May mắn là anh tài xế taxi chở tôi biết chút ít tiếng Việt nên tôi nói chỉ muốn xem qua chứ không vào. Nếu như năm 1995, khu “sung sướng” nằm ngay trong chợ thì hiện tại, nó đã lùi ra phía sau một quãng xa. Các căn nhà trong khu này đều mở cửa và dưới ánh đèn màu hồng, nhà nào cũng có dăm bảy cô váy ngắn ngồi chờ khách. Thấy chiếc taxi chầm chậm lướt ngang, ghế sau tôi ngồi cửa kính đã hạ xuống, một cô cất tiếng “Nỉ hảo - anh khỏe không?”. Không nghe tôi trả lời, cô chuyển sang tiếng Việt: “Anh gì đấy ơi, vào đây với em tí nào. Vào đâu cũng thế, vào đây đi anh”. Theo lời tài xế, 70% người hành nghề ở đây là người Việt, còn lại là người Trung nhưng họ đến từ những nơi xa như Quảng Châu, Đông Quản, Phòng Thành, Nam Ninh hay Côn Minh. Riêng người Yao Hà Khẩu chẳng ai dính đến cái thứ này.
21 giờ 30, tôi trở lại khu vực làm thủ tục xuất cảnh. Cũng như buổi sáng, hàng dài thanh niên nam nữ xếp hàng chờ đến lượt. Lúc qua khỏi cái vạch sơn vàng trên cầu Kiều, tôi ngoái phía sau. Sau lưng tôi, bên kia là Hà Khẩu...
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/ben-kia-la-ha-khau-i684811/