Bên lề Quốc hội: Các đại biểu thảo luận thẳng thắn, trúng vấn đề cử tri quan tâm
Ngày 31/5, theo dõi phiên thảo luận của Quốc hội ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, cử tri Cà Mau đánh giá không khí diễn ra rất sôi nổi, tâm huyết. Các đại biểu tham gia tranh luận thẳng thắn, đúng và trúng những vấn đề đông đảo cử tri cả nước quan tâm.
Cử tri Nguyễn Văn Minh (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương Mại - Dịch vụ An Minh) nhận định, trong bối cảnh rất khó khăn, chúng ta vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế… Tuy nhiên, những tháng đầu năm lại ghi nhận lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng tăng nhanh hơn so với số doanh nghiệp gia nhập, tái gia nhập thị trường. Bên cạnh đó, lực lượng lao động bị mất việc làm gia tăng đã tác động lớn đến hệ thống an sinh xã hội là điều mà nhiều cử tri quan tâm.
Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành đang thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhưng thực tế, việc tiếp cận các gói tín dụng, hỗ trợ tìm kiếm thị trường, đơn hàng… của các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn nhiều hạn chế.
Để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này, cử tri Nguyễn Văn Minh mong muốn, các vị đại biểu Quốc hội tập trung làm rõ các tồn tại, nguyên nhân hạn chế, khách quan, chủ quan để có các giải pháp điều hành quyết liệt hơn trong những tháng còn lại của năm 2023.
“Về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi, phát triển sản xuất, tôi thiết nghĩ bên cạnh các chính sách vĩ mô cần thực hiện hiệu quả, đồng bộ, kịp thời hơn nữa thì việc đẩy mạnh thực thi các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp như: Giảm thuế, phí, gia hạn chính sách cho vay trả lương, chính sách hỗ trợ người lao động thuê nhà để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, có tiền duy trì sản xuất kinh doanh và giữ được người lao động. Trong đó, mấu chốt là tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng để có thêm nguồn lực phục hồi và phát triển”, cử tri Nguyễn Văn Minh bày tỏ.
Còn cử tri Hồ Chí Thanh (nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cà Mau) cho rằng, không khí thảo luận tích cực, hiệu quả, đặc biệt là đã chỉ ra nhiều vấn đề được xem là “điểm nghẽn” gây ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện nay.
Cử tri Hồ Chí Thanh bày tỏ đặc biệt quan tâm đến phần thảo luận liên quan đến nội dung một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai… gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước.
Cử tri bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với vị đại biểu đã nêu ra vấn đề này, đồng thời cho rằng: “Mọi quyết sách của Đảng, Nhà nước đều đúng đắn, phù hợp với thực tế tình hình đất nước. Tuy nhiên, không ít những quyết sách khi áp dụng vào thực tế vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, mà mấu chốt vẫn là do những cán bộ sợ trách nhiệm, thiếu tâm quyết, hạn chế về năng lực… đặc là ở các cấp cơ sở”.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, cử tri Hồ Chí Thanh kiến nghị, các quy định pháp luật liên quan đến công chức, viên chức cần phải đảm bảo tính đồng nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn để làm cơ sở khuyến khích, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Đặc biệt là cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu… Có như vậy, những “điểm nghẽn” trong thực thi công vụ mới được “khơi thông”, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ trong toàn bộ hệ thống mới được phát huy tối đa, hơn hết là các quyết sách của Đảng, Nhà nước mới kịp thời áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.