Bên lề Quốc hội: Minh bạch trong giám sát, loại bỏ tham nhũng chính sách
Minh bạch trong giám sát, loại bỏ tham nhũng chính sách là nội dung được các đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận sáng 26/3 tại hội trường về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội.
Minh bạch trong giám sát, loại bỏ tham nhũng chính sách là nội dung được các đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận sáng 26/3 tại hội trường về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Bên lề Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, phóng viên TTXVN đã có trao đổi với các đại biểu Quốc hội về các nội dung này.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội): Loại bỏ hành vi tham nhũng chính sách
Quốc hội khóa XIV đã thông qua những đạo luật bảo đảm chất lượng, công khai, minh bạch, công bằng, không có biểu hiện tham nhũng chính sách. Tuy nhiên, nếu rà soát thật kỹ, lật đi lật lại tất cả các quy định và đặt chúng trong mối quan hệ việc tổ chức thực hiện, điều dễ thấy có những quy định nếu không giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện thì rất có thể dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách.
Nói về khái niệm tham nhũng chính sách thì có thể hiểu đây là việc cố tình đưa vào các đạo luật những quy định mà khi thực hiện sẽ đem lại lợi ích chính đáng cho một số tổ chức, cá nhân nhất định. Hành vi này cực kỳ nguy hiểm vì nó tạo căn cứ pháp lý bảo vệ cho hành vi tham nhũng có hệ thống.
Đơn cử như các quỹ tài chính ngoài ngân sách trong nhiều đạo luật. Trên cơ sở giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước. Theo đó, rà soát và loại bỏ tất cả những quỹ hoạt động không hiệu quả. Bên cạnh những quỹ hoạt động hiệu quả, hiện nay vẫn tồn tại hơn 40 quỹ tài chính ngoài ngân sách, trong đó có những quỹ gây lãng phí rất lớn cho ngân sách nhà nước. Điều đáng băn khoăn là trong số 72 đạo luật được Quốc hội khóa XIV thông qua, vẫn có đến 1/4 số đạo luật có quy định đề xuất thành lập và duy trì quỹ tài chính ngoài ngân sách.
Một dư địa khác có thể liên quan đến tham nhũng chính sách là các quy định liên quan đến quản lý đất đai, bao gồm đền bù giải phóng mặt bằng, định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất. Ngoài ra, các quy định liên quan đến ưu đãi trong thực hiện các nghĩa vụ tài chính về quy trình thủ tục, phân cấp, phân quyền trong quyết định các dự án cũng là những "mảnh đất" có thể phát sinh nguy cơ tham nhũng chính sách.
Xuất phát từ hiểm họa của cái gọi là tham nhũng chính sách, tới đây có một số vấn đề cần quan tâm như: đề cao chất lượng khâu phân tích chính sách trước khi thông qua các đạo luật cũng như việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp bởi họ là những chủ thể chịu sự tác động trực tiếp của chính sách; nâng cao hoạt động thẩm tra.
Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan đề xuất chính sách, cương quyết xử lý những hành vi thông đồng, cố tình cài cắm vào quy định pháp luật những quy định để trục lợi cá nhân; sớm hoàn tất quá trình Chính phủ số, minh bạch hóa tất cả các quy trình để người dân có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình mà không phải trả chi phí phi chính thức.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị): Chú trọng chất lượng giám sát hệ thống văn bản hướng dẫn
Nhiệm kỳ 2016 - 2020, Quốc hội đã thực hiện sát sao việc giám sát với nhiều cách làm khác nhau. Theo đó, giám sát trên cơ sở thực hiện chức năng nhiệm vụ của cơ quan, đối tượng giám sát theo đúng quy định của pháp luật, các Nghị quyết của Quốc hội, nhất là trong quá trình tổ chức thực hiện. Đồng thời, giám sát tổng thể theo chương trình như: giảm sát của Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội... Nhiệm kỳ này đã thực hiện theo đúng 3 cấp giám sát này, với 7 chương trình giám sát lớn của Quốc hội.
Theo tôi, những cách giám sát trên là đúng nhưng kết quả chưa thực sự như mong muốn. Nhiều vấn đề giám sát, kết luận đưa ra, song triển khai còn chậm.
Cụ thể, sau khi giám sát vấn đề quản lý hệ thống giao thông BOT, Quốc hội ban hành Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) yêu cầu đến năm 2018 quản lý thu phí không dừng, nhưng đã chậm 3 năm và chưa được giải quyết triệt để.
Hoặc giám sát sử dụng vốn cổ phần hóa đối với 12 đại dự án, các dự án được chuyển từ nhiệm kỳ trước sang nhiệm kỳ này cũng vẫn chưa xong, hiện mới giải quyết được 5 dự án và còn 7 dự án treo. Đây không phải câu chuyện không phát hiện ra mà vấn đề tổ chức thực hiện thế nào cho nhanh để tránh lãng phí và phát huy hiệu quả.
Để nâng cao chất lượng giám sát trong nhiệm kỳ tới, tôi cho rằng cần đặc biệt chú trọng chất lượng giám sát hệ thống văn bản hướng dẫn, giải quyết vấn đề chậm ra văn bản dưới luật, phát sinh nhiều văn bản, thủ tục dưới luật; xem xét việc giám sát văn bản hướng dẫn để kịp thời và không chồng chéo…
Muốn vậy, phải quan tâm đến việc phát triển hệ thống thông tin. Với hơn 270 luật hiện hành, khi luật mới ban hành phải đối chiếu với luật hiện có, chưa kể có hàng nghìn văn bản dưới luật thì khó ai có thể rà soát hết được.
Tiếp đến là việc tổ chức giám sát cần lựa chọn nhóm lĩnh vực và nhóm vấn đề; đồng thời, phải đi đến tận cùng của vấn đề, tránh tình trạng chỉ nêu ra nhưng không làm hay nói cách khác phải có chế tài mạnh trong việc giám sát. Hiện nay, mới chỉ xử lý khi có sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện chứ để lâu cũng không sao và chưa bị xử lý hành chính.
Đại biểu Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An): Giải quyết kịp thời kiến nghị của cử tri
Dấu ấn để lại đối với cử tri cả nước trong nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua là việc tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp, tiếp xúc cử tri chuyên đề, từng đối tượng, chuyên ngành. Trên cơ sở đó tổng hợp đầy đủ, toàn diện, khách quan, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, cơ quan Quốc hội; đồng thời, ghi nhận tiếp thu kiến nghị của cử tri đối với các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Quốc hội khóa XIV đã kịp thời giám sát các nội dung kiến nghị của cử tri, đặc biệt những vấn đề bức xúc, nổi cộm qua nhiều nhiệm kỳ chưa được giải quyết; bám sát đến cùng việc giám sát các cơ quan có liên quan nhằm thực hiện triệt để ý kiến. kiến nghị của cử tri đã nêu ra, đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của cử tri đối với Quốc hội, Chính phủ và các thành viên Chính phủ.
Trong quá trình theo dõi, giám sát thực hiện kiến nghị của cử tri, một vấn đề quan trọng, có tính quyết định là làm thế nào bảo đảm các nguồn lực để thực hiện các kiến nghị cử tri. Đó có thể là nguồn lực về tài chính, nguồn lực thực tiễn trong các lĩnh vực, điều kiện cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội đáp ứng các lời hứa của các thành viên Chính phủ, ban, ngành liên quan trong việc thực hiện kiến nghị của cử tri.
Các cơ quan liên quan đã thể hiện trách nhiệm, coi trọng kiến nghị của cử tri và kết quả giám sát thực hiện kiến nghị và kiến nghị sau giám sát của Quốc hội, các Ủy ban Quốc hội, Hội đồng dân tộc và đại biểu Quốc hội, nhưng để thực hiện lời hứa đó phải có nguồn lực.
Tuy nhiên, trong điều bối cảnh hiện nay, việc thực hiện kiến nghị của cử tri, lời hứa của đại biểu Quốc hội, thành viên Chính phủ cũng còn những nội dung chưa được như mong muốn. Thậm chí, để thực hiện được một số kiến nghị phải có lộ trình, giải pháp, nguồn lực và chấp nhận phải giải quyết trong cả nhiệm kỳ, hoặc vài nhiệm kỳ.
Để có giải pháp thực hiện những kiến nghị của cử tri cũng cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, từ cơ quan dân cử, lập pháp, giám sát tối cao đến các đại biểu Quốc hội, Chính phủ, thành viên Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và địa phương; trong đó chú trọng đến việc bảo đảm lộ trình thực hiện các giải pháp về nguồn lực.
Trong quá trình đó phải tiếp tục theo dõi hậu kiến nghị, hậu giám sát để báo cáo với cử tri kết quả thực hiện trong từng lộ trình. Có theo đuổi thì mới giải quyết dứt điểm được kiến nghị của cử tri, tạo niềm tin với nhân dân và cử tri cả nước./.