Bên ngôi đền thiêng, ngẫm về muôn kiếp
Ngôi đền thiêng Pashupatinath - di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận ở Kathmandu (Nepal) không chỉ là ngôi đền. Đây là nơi diễn ra nhiều nhất các nghi lễ hỏa táng của người Nepal theo đạo Hindu.
Khi ra sân bay Tribhuvan lên chuyến bay rời thủ đô Nepal là Kathmandu về Việt Nam, tôi lại đi ngang con sông Bagmati chảy ngang ngôi đền thiêng Pashupatinath. Nhìn qua ô cửa xe, tôi thấy khói bốc lên từ bờ sông, từ những ụ tròn, ụ vuông được xây nhô cao bên bờ sông mà tôi đã quen nhìn từ lần đầu đến đền Pashupatinath. Làn khói của những cuộc thiêu xác, mà trong lần đầu thấy từ xa, tôi cứ nghĩ đó là khói rơm rạ.
Vậy là, ngày đầu tiên đến và ngày cuối cùng rời thủ đô của Nepal, Kathmandu đón và tiễn tôi với những làn khói “đặc biệt”, những làn khói của tục hỏa thiêu người theo đạo Hindu, tôn giáo chính của Nepal.
Lễ hỏa táng ngoài trời
Nepal là một quốc gia nhỏ nằm sâu trong nội lục châu Á, giữa hai láng giềng khổng lồ Ấn Độ, Trung Quốc. Nepal được nhiều người Việt hành hương chọn ghé đến vì quốc gia này có điểm đến là vườn Lumbini - nơi đức Phật sinh ra, nằm trong những tour hành trình hành hương về đất Phật. Hoặc chọn đến Pokhara, thành phố lớn thứ ba của Nepal, để thực hiện các chuyến leo núi chung quanh dãy Himalaya huyền thoại. Thế nên đôi khi ngôi đền Pashupatinath dễ bị người ta “quên bẵng” vì hơi xa trung tâm thủ đô Kathmandu, giao thông công cộng không tiện lợi, người nước ngoài thì không được vào trong cụm đền chính.
Nằm hai bên bờ con sông Bagmati, Pashupatinath là ngôi đền Hindu lớn nhất Nepal, cũng là ngôi đền thờ thần Shiva quan trọng nhất của xứ này. Pashupatinath là một quần thể gồm rất nhiều ngôi đền khác nhau nằm trải dài theo triền đồi cao đến bờ sông. Người ta vẫn đang tìm hiểu về thời gian xây dựng chính xác, nhưng các tài liệu xưa đã ghi nhận sự tồn tại của đền từ năm 400 sau Công nguyên. Công trình mới nhất của đền cũng đã có từ thế kỷ XIX, nhiều kiến trúc khác đã hiện diện từ thế kỷ thứ V, VI rồi XIV, XV. Cái thì hoang phế, đổ nát, cái được trang hoàng rực rỡ, cái đang được trùng tu, tất cả nằm cạnh nhau như nhắc nhớ thời gian đã đi qua rất lâu ở nơi này.
Chọn đến thăm một trong bảy di sản thế giới của Nepal này vì muốn được ngắm nhìn những nhà tu khổ hạnh đang thiền định đâu đó trong ngôi đền thiêng, tôi đi lạc vào thế giới của hỏa thiêu ngoài trời. Tôi bị sốc. Vì cứ nghĩ rằng chuyện này đã không còn ở Nepal, hoặc nếu có chắc cũng rất ít.
Cũng tương tự người Ấn Độ khi chết thường hỏa thiêu trên con sông Hằng linh thiêng, người Nepal theo đạo Hindu chọn hỏa thiêu trên con sông thiêng Bagmati chảy qua thành phố Kathmandu này. Tuy nhiên, nếu sông Hằng rộng lớn mênh mông thì con sông Bagmati đoạn chạy qua đền Pashupatinath lại nhỏ như con rạch Nhiêu Lộc của Sài Gòn, mà còn cạn hơn và bị chặn dòng thành rất nhiều đoạn, trông như một con suối cạn khá lem luốc, bụi bặm.
Hai bên bờ sông được xây thành các bậc tam cấp, đoạn chảy qua đền Pashupatinath có nhiều bậc tam cấp hơn và có nhiều bệ hình tròn và vuông có đường kính khoảng 2m, là nơi để tiến hành lễ hỏa táng. Theo Hindu giáo, cái chết là sự kết thúc của một kiếp người, thân xác luôn được hỏa táng thành tro bụi.
Hôm ấy dễ chừng có cả một chục lễ hỏa táng như thế dọc dài theo bờ sông. Lễ hỏa táng diễn ra nhanh gọn. Có những cái xác gùi kín trong vải liệm màu cam đang làm thủ tục cần thiết trước khi lên giàn hỏa thiêu. Có đám sắp tàn, có đám còn đang ùn ùn khói lửa, có đám mới bốc lên giàn củi vừa xếp xong, và rất nhiều đám đang chờ đốt, với những xác người được gói phủ trong vải liệm trên các bờ dốc cạnh tam cấp nhuốm loang lổ màu đỏ tưởng như màu máu.
Đám lửa sẽ cháy trong khoảng 3 giờ, nếu hộp sọ không bể, người làm hỏa táng sẽ đập cho nó vỡ, thoát ra tiếng kêu. Với họ, như thế là nghi thức đã hoàn tất xong xuôi để linh hồn có thể vĩnh viễn đi về cõi khác.
Nếu thiêu đốt không hết, tất cả những gì còn sót sẽ được đưa xuống sông. Tôi tuyệt nhiên không nghe những tiếng ồn ào huyên náo thê lương thường nhìn thấy ở các đám ma, kể cả tiếng khóc. Chỉ có sự yên lặng, tiếng động của việc bưng bê chất củi, rơm, xác, những âm thanh phát ra khi lửa cháy và khói quyện từng đợt lớn nhỏ. Người Hindu giáo kiêng kỵ chuyện khóc lóc vì sợ rằng nước mắt sẽ làm linh hồn người ra đi khó siêu thoát.
Theo tục lệ, người thân của người đã khuất, nhất là phụ nữ không được ở quá gần trong lúc hỏa táng. Vì vậy, lo hỏa táng là việc của đàn ông. Tôi thấy rất nhiều người phụ nữ ngồi nhìn đám cháy từ bên kia sông. Họ ngồi đó, lặng yên như tạc tượng, nhìn về những đám khói, lửa đang bốc lên. Giờ phút cuối cùng của sự sinh ly tử biệt vẫn cách đôi bờ trước khi xa cách ngàn trùng. Tôi nhìn họ, lòng ngập nỗi xúc động, ngỡ như mình đang được xem một đoản phim chân thật nhất về giờ phút chia ly sinh tử hiển hiện trong đời sống này.
Dòng sông của muôn kiếp nhân sinh
Dù đã đi khỏi bờ sông Bagmati khá xa, tôi vẫn cảm được mùi tử khí bay ngược xuôi theo gió, kéo lên trên đồi cao. Cái mùi khói rất không quen, hơi khét và thoáng chút nằng nặng. Nhưng tôi lại không thấy rùng mình, điều đáng ngạc nhiên với một kẻ nhát gan có tiếng như tôi. Cũng như khi nhìn thấy đôi chân người chết thò ra qua tấm vải liệm, cũng không làm tôi chùn mắt như ở nơi khác. Bởi tôi thấy, bên kia sông, nhiều người ngồi bình yên sưởi nắng, thong thả làm những việc của mình và nhìn về những đám hỏa táng rất bình thản. Có người đi vớt những khúc gỗ cháy dở chưa hết sau buổi hỏa táng đem lên bờ.
Đàn bồ câu vẫn bình thản đi lò dò gần mấy cái xác đang chờ hỏa táng trong khi trên trời, đám quạ sống ở ngôi đền đang bay lượn. Cách đó không xa lắm, cũng trên một cái bệ tròn dùng để thiêu xác, một người đang nằm say ngủ trông rất thư thái như thể đấy là chiếc giường tròn tự nhiên ngoài trời êm ái nhất. Biết đâu, cũng có thể người này nằm trong số hàng trăm người Hindu cao tuổi vẫn thường tìm đến đây khi họ cảm thấy mình đã đi đến chặng cuối của cuộc đời, để chờ được hỏa táng bên bờ sông, chủ động chọn nơi kết thúc một kiếp sống trong dòng nước Bagmati linh thiêng. Những hình ảnh ấy như minh họa cho tôi cảm nhận sự sống chết là một lẽ rất vô thường.
Với người theo Ấn giáo, ngôi đền thiêng này ngự trị trong họ với hai niềm tin mãnh liệt. Người ta tin rằng ngôi đền Pashupatinath không thể phá hủy vì đó là nơi ở của vị thần tối cao Lord Shiva. Trận động đất kinh hoàng năm 2015 khiến Nepal thiệt hại nặng nề, nhiều tòa nhà đền đài bị đổ nát nhưng khu đền thờ này hầu như không bị ảnh hưởng, người ta tin rằng đó là một phép mầu.
Người ta cũng tin rằng khi hỏa táng ở đền Pashupatinath và được sông thiêng đưa đi, linh hồn sẽ sớm siêu thoát, tái sinh thành người, được tha thứ hết tất cả những tội lỗi khi còn sống. Nên ngôi đền thiêng cũng là nơi nhiều người Nepal chọn làm nơi chốn tạm cư cuối cùng của đời mình trước khi bước qua thế giới khác bằng lễ hỏa thiêu.
Chẳng biết con sông Bagmati ấy ngày xưa thế nào, chứ hiện tại, tôi thấy nó đã quá tải rất nhiều vì hỏa táng. Dù sau này, Nepal có những nhà hỏa táng bằng điện hiện đại - cách không xa ngôi đền Pashupatinath cũng có một lò hỏa táng như thế. Nhưng rất rất nhiều người Nepal vẫn chọn cách hỏa táng cổ xưa!
Mùa này dòng sông đang kiệt nước, dòng chảy nhiều nơi trông như một con lạch nhỏ, nên trông không đẹp lung linh như tôi mường tượng trước khi thấy. Kiệt nước, nhưng có lẽ Bagmati sẽ không bao giờ cạn. Bởi con sông thiêng từ ngàn năm qua đã gánh trên mình trọng trách chảy qua muôn kiếp luân hồi.
Bài và ảnh: Lê Minh Hạ
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ben-ngoi-den-thieng-ngam-ve-muon-kiep-41579.html