Bên nhà sàn xem 'HỒN VIỆT THI ẢNH'
Tôi có cuộc hội ngộ với nhà thơ, kiến trúc sư Nguyễn Địch Long dưới mái nhà sàn, bên núi Tản sông Đà, một vùng đất huyền thoại, đã là những giây phút quý hiếm giành cho tình bằng hữu thi ca. Trong không gian đặc biệt này, tôi và bạn hữu lại được thưởng thức thơ và ảnh của chính chủ nhân với bao cảm xúc.
Đúng là, có thể “đọc” ảnh và “xem” thơ. Bởi lẽ, nói như người xưa: Trong ảnh có thơ và trong thơ có ảnh. Ngôn ngữ nhiếp ảnh và ngôn ngữ thi ca đã hòa quyện vào nhau, nhờ trái tim nhạy cảm và đa cảm của người đam mê cái đẹp. Chỉ nhìn về ảnh thôi, để tách riêng ra, tôi nghĩ thật khó phân biệt với các tác phẩm của một nghệ sỹ nhiếp ảnh chuyên nghiệp.
Sâu xa, anh là một kiến trúc sư, rất am tường về bố cục, hình khối, đường nét, phối cảnh… Hơn thế, anh là một nhà thơ đích thực, đã có mười hai đầu sách: "Chim Hồng Tước", "Trăng xưa đáy mắt", "Mưa tan", "Gió thức", "Mai sau rồi nữa", "Nẻo trời", "Thơ chọn", "Mùa chim ngói", "Hồn Việt thi ảnh", "Huyền thoại mẹ", "Tuyển tập thơ", "Hương trầm tích" và "Hồn Việt thi ảnh" (tái bản, bổ sung, nâng cao). Tiếp nối truyền thống thi họa, có lẽ Nguyễn Địch Long là một trong số ít hiếm hoi các tác giả có sáng kiến làm Thi Ảnh.
Đã có mươi phút truyền hình giới thiệu những bức ảnh cổng làng của anh. Chính đây là căn cứ để anh đặt tên tập sách Ảnh - Thơ là "Hồn Việt". Lẽ tự nhiên, hồn thơ đã tỏa ra như hương của hoa trong từng tấm ảnh. Huống chi, cạnh mỗi bức ảnh lại có một bài thơ, giúp ta cảm nhận bằng hồn, những khoảnh khắc thăng hoa của nghệ thuật ánh sáng. Ảnh và thơ hòa quyện cho ta hiểu rõ sự đa năng của một nghệ sỹ. Nhưng điều quan trọng hơn cho ta hiểu được chân dung, tâm hồn tác giả.
Lan tỏa trong "Hồn Việt" là những khoảnh khắc ưu tư, hoài niệm, nao lòng trước "cảnh cũ người xưa". Xao động nhất là hình bóng mẹ và ẩn hiện đâu đó là chân dung các thi nhân tài danh bạc phận… Chính cội nguồn tình cảm đó, đã kết thành tứ, gợi câu chữ, ló ra chất thi sỹ của Nguyễn Địch Long.
Xin thử dừng lại ở “Xuân về cây gạo xù sao không trổ bông” và “Huế chiều mưa”, ảnh và thơ đã đạt đến độ chuyên nghiệp thật thanh khiết và gợi cảm.
Trải lòng mình trên trang giấy là những gam màu lạnh, âm điệu trầm, nhiều khoảng lặng, "Đắng đót ký ức lữ hành"… Đó là dấu ấn tâm trạng của: “Một cánh chim lãng đãng/ Ru bóng chiều vượt qua”, và “anh như gã độc hành mãi vẫn còn vụng dại”.
Chính những lời tự sự đó đã làm nên giọng điệu, ngôn từ, hồn cốt thơ Nguyễn Địch Long.
Người tự xưng danh “Gã độc hành mãi vẫn còn vụng dại kia”, từng là một người lính, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng kiêm Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Tây. Con đường công chức của anh có thể tạm gọi là hanh thông. Vậy mà, thật khó tìm thấy trong thơ anh khẩu khí, giọng điệu thường gặp của một người từng cầm súng và từng làm công tác quản lý lâu năm. Chỉ thấy anh là một người con có hiếu, nặng tình với quê hương và trái tim luôn thổn thức trước nhân tình thế thái, nói như nàng Thúy Vân: “Khéo dư nước mắt khóc người ngày xưa”.
Thì ra, những nốt trầm, khoảng lặng trong thơ anh lại là nỗi trăn trở, suy tư đầy trách nhiệm của người nghệ sỹ trước cuộc đời. Thường phải đi qua cảm xúc buồn, mới tiếp cận được chất trữ tình công dân trong thơ anh. Xin hãy đọc bài báo “Cho một thủ đô bền vững” đăng trên Báo Người Hà Nội số 21 (22/5/2009) để hiểu duyên cớ nỗi buồn thanh khiết của anh. Có những nỗi buồn làm cho người ta lớn lên, sâu sắc hơn để tự hoàn thiện mình.
Và thơ, đã làm sống lại ký ức tuổi thơ, bồi đắp chân, thiện, mỹ cho trái tim vốn đa cảm và nhạy cảm của anh. Tôi yêu tâm thế của anh trong câu thơ: “Đậu ngọn cành cao, khát gió lành”. Anh luôn đắm mình trong hoài niệm, tìm về cội nguồn yêu thương sẻ chia nỗi buồn nhân thế.
Đâu phải ngẫu nhiên bài thơ “Con sông quê hương” và “Quê ngoại” của anh đã được hai nhạc sỹ nổi tiếng Văn Ký và Thuận Yến phổ nhạc. Hình như chính những chiếc cổng làng đã giúp anh thăng hoa cảm xúc, gửi gắm được nhiều điều trắc ẩn, ưu tư nhất. Có thể, nhiều người nói, anh đến với thơ ở tuổi đã xế chiều.
Nhưng tôi nghĩ, đúng hơn anh đã dạt dào cảm xúc, thăng hoa thi hứng ở tuổi xế chiều. Trong đời, nhiều khi đến bạc tóc, người ta mới bắt gặp được tình yêu đích thực, theo đúng nghĩa đẹp nhất của từ này. Và, khi đó một ngày bằng hai mươi năm.
Yêu thơ, anh càng trân trọng tình bằng hữu trong thơ. Cuộc gặp mặt hôm nay, trong ngôi nhà sàn của anh là một trong muôn một. Trong bài thơ “Nhà sàn và em” của Nguyễn Địch Long, có một câu thơ thật đắm đuối lòng người: “Con mắt biết ru hồn thi sỹ”. Tôi nghĩ, chính chủ nhân ngôi nhà sàn này có con mắt ấy. Và tôi tin để viết được câu thơ ấy đã có rất nhiều con mắt tuyệt vời ru hồn thi sỹ Nguyễn Địch Long.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/ben-nha-san-xem-hon-viet-thi-anh-574897/