Bến sông vắng tiếng gọi đò

Thời gian như con tạo xoay vần, vậy là chỉ còn vài tháng nữa thôi, khi cây cầu nối nhịp đôi bờ, nơi đây chỉ còn lại bờ lau trắng, tựa khi xưa chưa từng có con đò, như ca từ của một bài hát mà nhiều người yêu thích: Bến sông xưa ai ngóng ai chờ/đôi bờ... bờ khắc khoải... âu cũng là quy luật của sự phát triển.

Phối cảnh dự án cầu Phú Thịnh trên địa bàn thành phố Lào Cai.

Phối cảnh dự án cầu Phú Thịnh trên địa bàn thành phố Lào Cai.

Trong cái rét của sớm cuối đông lại thêm những hạt mưa xuân, tôi cảm nhận được sự giao mùa và Giêng, Hai đang chầm chậm đến…

Bến đò thôn Múc, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng sang phường Xuân Tăng là một trong những bến đò ngang nối đôi bờ sông Hồng trên địa bàn thành phố Lào Cai. Mới sớm tinh sương mà bến đã nhộn nhịp người - xe qua lại, bà con qua sông mang theo những sản vật của một vùng quê nức tiếng đến phiên chợ cuối năm bên thành phố. Một góc sông rộn tiếng cười nói xôn xao, tiếng máy nổ giòn tan đẩy con đò chầm chậm sang sông. Xa xa, cây cầu Làng Giàng soi bóng trong ánh lửa hàn lóe sáng, có lẽ đơn vị thi công cũng đang hối hả “chạy đua” với ông Táo, ông Công để kỹ sư, công nhân kịp về quê ăn tết.

Thời gian như con tạo xoay vần, vậy là chỉ còn vài tháng nữa thôi, khi cây cầu nối nhịp đôi bờ, nơi đây chỉ còn lại bờ lau trắng, tựa khi xưa chưa từng có con đò, như ca từ của một bài hát mà nhiều người yêu thích: Bến sông xưa ai ngóng ai chờ/đôi bờ... bờ khắc khoải... âu cũng là quy luật của sự phát triển.

Theo nhẩm tính của tôi thì dọc tuyến sông Hồng trên địa bàn thành phố Lào Cai đã có tới 4 cây cầu, đó là những nhịp nối vươn lên của vùng đất biên cương. Thiên nhiên ban tặng cho nơi đây sự “giao duyên”, hợp dòng của sông Hồng và sông Nậm Thi - làm nên nét riêng có của thành phố biên cương. Trong tương lai không xa, thành phố sẽ mở mang dọc tuyến sông Hồng, như thế lại có thêm những cây cầu mới và những bến đò cũng sẽ dần bị lãng quên.

Trong nhịp sống hối hả hôm nay với bộn bề lo âu, chuyện bến đò ngang chẳng mấy ai quan tâm việc còn hay mất và tiếng gọi “đò…ơi…!” chỉ còn trong miền nhớ hư vô. Với người trẻ thì mừng vui vì có thêm những cây cầu để thuận tiện hơn trong việc đi lại. Với người trung niên đã qua một thời vất vả lại bảo rằng cũng có cái gì đó thiếu vắng, bâng khuâng. Còn những bậc cao niên thì vui - buồn có cả; mừng vì thành phố ngày càng phát triển, buồn vì vẫn còn những điều trăn trở, ưu tư…

Đúng là người già hay cả nghĩ. Bên ấm trà, khi được gợi chuyện ngày xưa, có bác đã say sưa kể cho tôi nghe về những kỷ niệm đi đò với niềm khắc khoải, nhớ nhung. Bằng một giọng trầm trầm, bác bồi hồi nhắc lại: “Thời những khúc sông chưa có cầu, con đò là “sứ giả” nối đôi bờ nên nó là “ân nhân” của chúng ta đấy cháu ơi!”. Rồi bác kể tiếp về nét đẹp văn hóa được hình thành từ bến đò xưa.

Ấy là trước đây, đò dọc hay đò ngang đều chở bằng thuyền nan hay thuyền gỗ loại nhỏ. Con đò trên sông nước thật nhỏ bé, mong manh, nhất là vào mùa mưa lũ. Để xuôi chèo mát mái, khách đi đò thường nhường nhịn và giúp nhau bao điều tốt đẹp, cùng sẻ chia dăm ba câu chuyện để khỏa lấp âu lo trên sông nước mênh mông. Chả thế mà có những người đã trở thành tri kỷ của nhau, đúng là “Một ngày nên nghĩa, chuyến đò nên quen” quả đâu có sai. Những nét văn hóa đời thường như thế cứ dần thấm sâu vào đời sống, cùng với những điều tốt đẹp khác đã hình thành nên văn hóa cộng đồng, bền chặt, keo sơn. Vậy thì bảo sao mà không tiếc nuối?

Cầu Làng Giàng gần bến đò thôn Múc đang gấp rút hoàn thành. Ảnh: Quang Công

Cầu Làng Giàng gần bến đò thôn Múc đang gấp rút hoàn thành. Ảnh: Quang Công

Trở lại với câu chuyện thành phố đang lớn lên từng ngày, diện mạo phố phường khang trang, rộng mở, nông dân trở thành thị dân và văn hóa làng quê cũng dần được thay bằng nếp sống nơi phố thị. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, những năm qua, các cấp lãnh đạo thành phố luôn trăn trở, đưa ra nhiều giải pháp để xây dựng văn hóa, con người thành phố và nhận được sự đồng thuận của người dân. Tuy nhiên, điều rất cần chính là phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của mảnh đất, con người nơi đây, tạo dựng được hệ giá trị văn hóa riêng, từ đó khai thác tốt lợi thế so sánh và tiềm năng để phát triển. Điều đó sẽ giúp thành phố định vị được mình trong chặng đường mới tương lai.

Lào Cai như sơn nữ đang độ xuân thì, căng đầy sức sống, quyến rũ và đắm say, để rồi khách muôn phương nô nức tìm đến nơi đây. Du khách đến với mảnh đất biên cương có thế núi, dáng sông và sắc màu đặc sắc vùng cao Tây Bắc để thưởng ngoạn, khám phá những trầm tích văn hóa vẫn còn ẩn sâu như trong miền cổ tích. Cùng với Sa Pa, Bắc Hà thì thành phố Lào Cai cũng là điểm dừng chân của nhiều du khách.

Thành phố biên cương hiện đại, văn minh soi bóng bên dòng sông thơ mộng, với những nét xưa còn lưu lại sẽ làm du khách đắm say. Đâu rồi một dòng sông hoa gạo? Đâu rồi một Cốc Lếu trên bến dưới thuyền?..., đó sẽ là sản phẩm đặc sắc của du lịch tương lai. Vậy nên, dòng sông giữa lòng thành phố không thể thiếu bóng những con thuyền, đây là điều mong mỏi không chỉ của du khách gần xa, mà của cả người dân thành phố.

Hình ảnh dòng sông đỏ nặng phù sa trong lòng thành phố hiện đại, văn minh, chắc hẳn khi đó không còn bóng những con đò, mà thay vào là tấp nập những du thuyền đưa khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp thành phố bên sông. Và bến sông xưa sẽ trở thành bến du thuyền; tiếng gọi đò xưa thay bằng tiếng còi tàu gọi mời du khách bốn phương.

Tất cả, tất cả đang mong chờ… ở một ngày không xa!

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364023-ben-song-vang-tieng-goi-do