Bến - tàu không số Vũng Rô: Thiên anh hùng ca bất tử

Đặt vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ tại bến Vũng Rô. Ảnh: XUÂN HIẾU

Đã 55 năm trôi qua nhưng sự kiện bến Vũng Rô đón những chuyến tàu Không số, vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí, hàng hóa… từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam mãi luôn ngời sáng trong trang sử oanh liệt của dân tộc ta như một thiên anh hùng ca bất tử, tô thắm truyền thống đánh giặc, giữ nước của dân tộc, của quân đội và Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Đầu năm 1960, cùng với phong trào Đồng khởi Bến Tre, phong trào cách mạng của các tỉnh đồng bằng Nam Bộ chuyển mạnh lên thế tiến công và trở thành cao trào đồng khởi rộng khắp. Trước tình hình đó, yêu cầu về vũ khí trang bị, đạn dược và thuốc chữa bệnh trở thành vấn đề sống còn, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu và phát triển lực lượng của các tỉnh Nam Trung Bộ.

Mở bến

Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc của CBCS Đoàn 125, ngày 30/4/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất cho đơn vị; ngày 1/1/1967, Đảng, Nhà nước đã phong tặng đơn vị danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân lần thứ nhất; ngày 3/6/1976, Đoàn 125 tiếp tục được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân lần thứ hai. Đồng chí Trần Suyền, nguyên Chỉ huy Bến Vũng Rô được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Các đồng chí Hồ Đắc Thạnh (nguyên Thuyền trưởng Tàu 41), Đặng Phi Thưởng (nguyên chiến sĩ đơn vị K60) được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Thực hiện chủ trương của trên, từ giữa năm 1961 đã có 6 chuyến tàu của các tỉnh Nam Bộ và Khu 5 vượt biển ra Bắc thành công là một trong những cơ sở quan trọng để xúc tiến việc thành lập đoàn vận tải thủy tiếp tế vũ khí cho miền Nam. Ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn 559 vận tải thủy, do đồng chí Đoàn Hồng Phước làm đoàn trưởng. Để đảm bảo bí mật cho tuyến đường vận tải đặc biệt này, những chiếc tàu của Đoàn 759 cải trang thành tàu đánh cá của ngư dân địa phương trên biển, không có số hiệu cố định, từ đó tên gọi “Tàu Không số” được ra đời.

Tại chiến trường Liên khu 5, để đáp ứng nhu cầu vũ khí cho LLVT quân khu và Phú Yên chiến đấu, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 đã đề nghị Trung ương chi viện vũ khí qua đường biển. Trước tình hình đó, Trung ương giao nhiệm vụ cho Phân khu Nam, Tỉnh ủy Phú Yên chuẩn bị chọn bến, bãi để tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chi viện cho 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk bằng đường biển tại Phú Yên. Ban Thường vụ Liên tỉnh ủy III và Phân khu Nam tổ chức hội nghị liên tịch tại Suối Phẩn thuộc xã Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa I (tháng 7/1964) bàn biện pháp và chọn bến để đón tàu từ miền Bắc theo đường biển chở vũ khí vào chi viện cho chiến trường Phú Yên và liên tỉnh. Qua đánh giá các yếu tố về địa hình, vị trí địa lý, tình hình địch, ta và nhân dân địa phương, hội nghị đã thống nhất chọn Vũng Rô để đón tàu vào. Đồng chí Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy được Đảng ủy Phân khu Nam cử phụ trách tổ chức đón tàu từ miền Bắc đưa vũ khí và hàng vào Phú Yên.

Để chuẩn bị đón các con tàu Không số, Ban chỉ huy Bến Vũng Rô, các đơn vị bảo vệ bến như K60, K65 được thành lập; hàng ngàn thanh niên, du kích được lựa chọn đi làm cầu cảng, bốc dỡ hàng, vận chuyển, cất giấu vũ khí, trang bị, hàng hóa...

Đón tàu

Để thực hiện chuyến đi vào Vũng Rô, Bộ Tư lệnh Hải quân và Đoàn 125 chọn Tàu 41. Đây là chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên của Đoàn 125 đi vào Khu 5, gồm 16 cán bộ, thủy thủ do Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và Chính trị viên Trần Hoàng Chiếu chỉ huy. Ngày 16/11/1964, Tàu 41 chở hơn 60 tấn vũ khí rời bến Bãi Cháy (Hòn Gai, Quảng Ninh) đến 23 giờ ngày 28/11/1964, tàu cập bến Vũng Rô. Hơn 1.000 nam, nữ thanh niên xã Hòa Hiệp, cán bộ, chiến sĩ LLVT chờ sẵn trên bờ đợi tàu cập bến trong niềm hân hoan.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và nhiều đại biểu viếng các anh hùng liệt sĩ tại Di tích lịch sử Bến - Tàu Không số Vũng Rô. Ảnh: XUÂN HIẾU

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và nhiều đại biểu viếng các anh hùng liệt sĩ tại Di tích lịch sử Bến - Tàu Không số Vũng Rô. Ảnh: XUÂN HIẾU

Nhờ tổ chức tốt các lực lượng bảo vệ bến bãi, công tác bảo đảm về mọi mặt, hơn 60 tấn vũ khí, thuốc chữa bệnh đã được bốc dỡ hết sức khẩn trương. Trong đó, phần lớn vũ khí, trang bị được du kích, dân công chuyển đi ngay trong đêm, vượt qua quốc lộ 1, đưa về căn cứ. Đến 2 giờ sáng, tàu rời bến ra hải phận quốc tế và trở về miền Bắc.

Cứ như thế, đêm 25/12/1964, bến Vũng Rô đón chuyến tàu thứ 2; đêm 10/1/1965, đón chuyến tàu thứ 3 an toàn. Trong đó, chuyến thứ 2, ngoài hàng chục tấn hàng hóa, vũ khí, Tàu 41 còn chở 3 tấn gạo Tám thơm từ miền Bắc vào cho lực lượng bảo vệ bến. Nhờ rút kinh nghiệm từ chuyến đầu, lực lượng bến bãi đã làm chiếc cầu tàu tạm bằng cây rừng bắc từ tàu vào bến, nên việc bốc dỡ hàng hóa thuận lợi hơn. Đến 3 giờ sáng ngày 26/12, tất cả hàng được bốc dỡ xong, tàu rời bến trở ra miền Bắc. Còn chuyến thứ 3, Tàu 41 đưa hàng vào bến Vũng Rô đúng thời điểm giao thừa Tết Ất Tỵ (23 giờ 50 ngày 1/2/1965). Tối hôm sau (mồng một Tết) tàu cập bến, xuống hàng và rời bến lúc 3 giờ ngày 3/2/1965.

Ngày 1/2/1965, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Hải quân, trực tiếp là Đoàn 125 triển khai giao nhiệm vụ Tàu 143 chở 63 tấn hàng vào Bình Định. Do tình hình bến Bình Định khó khăn, Sở chỉ huy quyết định không cập bến theo dự kiến và điện cho HB16 (Bến Vũng Rô) chuẩn bị tiếp nhận chuyển hàng ngoài kế hoạch. Lúc này, kho Bãi Chính mới nhận xong hàng hóa, vũ khí chuyến thứ 3 từ Tàu 41, Ban chỉ huy bến quyết định xuống hàng tại Bãi Bàng. Ngày 15/2/1965, tàu 143 vào bến Vũng Rô. Qua một đêm bốc dỡ cật lực đưa hàng vào bãi, đến 3 giờ 30 ngày 16/2 thì hoàn thành việc xuống hàng, Tàu 143 có đủ thời gian nhổ neo rời bến, song sự cố xảy ra, tời neo hỏng, thủy thủ phải sửa chữa mãi đến 5 giờ mới xong. Trời hửng sáng, tàu không còn thời gian rời bến, phải neo lại tạm trú tại Bãi Chùa và được ngụy trang cẩn thận. Tuy nhiên, sang ngày hôm sau, chiếc UH-18 do một viên phi công Mỹ lái, bay từ Quy Nhơn đi Nha Trang, khi qua vùng biển Vũng Rô đã phát hiện một “mỏm đá lạ nhô ra trên vách núi phía tây Vũng Rô”, y liền báo cho viên cố vấn chỉ huy Vùng Duyên hải 2 của Hải quân Mỹ ở Nha Trang. Tàu bị lộ, địch đưa lực lượng hùng hậu nhằm thu chiến lợi phẩm. Chỉ huy Tàu 143 quyết định cho nổ tàu, xóa dấu vết. Xác con tàu chìm xuống đáy vịnh Vũng Rô.

Sáng 17/2/1965, máy bay địch tiếp tục ném bom, hỗ trợ cho tàu đổ bộ 405 từ biển tiến vào định đổ bộ lên Bãi Chính, Bãi Lau. Bộ đội K60, du kích, thủy thủ từ bờ đánh trả đẩy lùi tàu địch ra giữa vịnh, địch không đến được nơi có tàu ta chìm và cũng không lên bờ được. Trận chiến không cân sức giữa địch và ta diễn ra vô cùng ác liệt suốt trong 3 ngày 18,19 và 20/2. Cuối cùng địch phải rút xuống tàu, chấm dứt cuộc càn quét, truy đuổi lực lượng ta. Trận này, ta hy sinh 12 đồng chí thuộc Đại đội K60. Số vũ khí còn lại dân công tiếp tục vận chuyển về căn cứ phía tây xã Hòa Xuân.

Mặc dù chỉ hoạt động trong hơn 2 tháng (từ 28/11/1964-15/2/1965), nhưng bến Vũng Rô đã tiếp nhận và vận chuyển an toàn hàng trăm tấn vũ khí, hàng hóa, cung cấp hàng vạn khẩu súng, hàng chục tấn đạn, thuốc nổ, thuốc chữa bệnh cho LLVT tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Đắk Lắk. Với tầm vóc to lớn và có ý nghĩa lịch sử đó, tỉnh Phú Yên đã chọn ngày chuyến tàu Không số đầu tiên cập bến Vũng Rô 28/11/1964 làm Ngày truyền thống Bến - Tàu Không số Vũng Rô. Di tích lịch sử Bến - Tàu Không số Vũng Rô được Đảng, Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 18/6/1997.

Đại tá HOÀNG PHI LONG

Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/349/231959/ben-tau-khong-so-vung-ro--thien-anh-hung-ca-bat-tu.html