Bên thềm sông Ba cổ
Theo các nhà khoa học, thung lũng An Khê là 'cái nôi cổ xưa nhất của loài người trên thế giới'. Những công bố về kết quả khảo cổ học ở Rộc Tưng-Gò Đá trong 5 năm (2014-2019) hoàn toàn thuyết phục các học giả, nhà khoa học uy tín trên thế giới.
Khẳng định chủ quyền dân tộc
Ngày 4-11-2020, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3227/QĐ-BVHTTDL công nhận di tích khảo cổ thời đại Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá (thị xã An Khê) là di tích cấp quốc gia. Ngay sau tin vui này, từ Liên bang Nga, Viện sĩ A.P. Derevianko Anatoly-nhà nghiên cứu cấp cao, Viện trưởng Viện Khảo cổ-Dân tộc học Novosibirsk (Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) đã gửi email với nội dung chúc mừng đến Bí thư Thị ủy An Khê.
Trong thư, ông viết: “Chúng tôi rất vui mừng được biết tin vui khi quần thể di tích khảo cổ ở An Khê đã trở thành di sản quốc gia của Việt Nam. Tất nhiên, đây là công lao không chỉ của các nhà khoa học Nga và Việt Nam, mà còn của Đảng bộ và chính quyền thị xã An Khê. Chúng tôi chân thành chúc mừng và chúc các bạn tiếp tục thành công”.
Trước đó, từ cuối năm 2014, một số di tích sơ kỳ Đá cũ ở thị xã An Khê được các nhà khảo cổ Liên bang Nga và Việt Nam thẩm định và đưa vào “Chương trình hợp tác quốc tế: Nghiên cứu quá khứ xa xưa của Việt Nam”. Trong giai đoạn 2015-2018, đoàn khảo sát của Viện Khảo cổ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga phối hợp với tỉnh Gia Lai tiến hành điều tra, phát hiện mới một số di tích, nâng tổng số di tích sơ kỳ Đá cũ vùng này lên 25 địa điểm. Trong đó có 4 di tích đã được khai quật, nghiên cứu có hệ thống là Gò Đá, Rộc Tưng 1, 4 và 7. Ngoài ra, đoàn còn đào thám sát một số di tích khác làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch khai quật, nghiên cứu và bảo tồn trong tương lai.
Kết quả khai quật, nghiên cứu liên tiếp tạo ra những cơn “địa chấn” trong giới khảo cổ học. Với 25 di tích thời đại Đá cũ và hàng ngàn hiện vật có niên đại khoảng 80 vạn năm được phát hiện đã khẳng định thung lũng An Khê của Việt Nam là cái nôi cổ xưa nhất của loài người trên thế giới. So với di tích sơ kỳ khác ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ, kỹ nghệ Đá cũ An Khê còn có một số nét cổ xưa hơn.
Quan trọng hơn, theo PGS-TS. Nguyễn Khắc Sử, những nghiên cứu khoa học về Rộc Tưng-Gò Đá không chỉ là nguồn tư liệu phong phú nghiên cứu lịch sử hình thành văn hóa nhân loại mà còn là những tư liệu quý khẳng định và bảo vệ chủ quyền dân tộc. Theo PGS-TS. Nguyễn Khắc Sử, đây chính là tuyên bố chủ quyền hoàn toàn thuyết phục dựa trên khoa học, lịch sử, khảo cổ học được thế giới công nhận.
Thêm một tin vui nữa cho di chỉ khảo cổ học Rộc Tưng-Gò Đá, vừa qua, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã ký kết chương trình nghiên cứu 5 năm với Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga để tiếp tục thực hiện nghiên cứu khoa học tại khu di tích này. Như vậy, những câu chuyện xa xưa về lịch sử xuất hiện của loài người bên thềm sông Ba cổ sẽ tiếp tục được các nhà khoa học làm sáng tỏ, viết tiếp một chương mới đầy tự hào cho lịch sử thung lũng An Khê-vùng đất của trầm tích chồng lên trầm tích, vùng đất đầy cảm hứng văn hóa suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Du lịch khảo cổ học
Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch): “Trên thế giới có một số hình thức bảo tồn, giới thiệu các hố đào/di chỉ khảo cổ tương tự như Gò Đá, Rộc Tưng ở ta. Có nơi, người ta đào và đưa về bảo tàng trưng bày 1 phần địa tầng của di chỉ để người xem, nhất là giới nghiên cứu có thể hiểu được phần nào điểm khai quật mà không cần ra thực địa. Về cơ bản, họ vẫn làm nhà/mái che như Gia Lai đã làm ở An Khê để bảo vệ địa tầng, hiện vật. Gia Lai có 6 tháng mưa, ẩm nên việc có hệ thống thoát nước, chống ẩm, cạo rêu mốc ở haố khai quật đang được bảo tồn là bắt buộc. Cách làm ở An Khê đang rất tốt so với điều kiện của ta, cũng là cập nhật kinh nghiệm thế giới. Cách làm này chống được mưa tạt, bảo vệ các hố đã khai quật, có thiếu chăng là hệ thống thoát nước, công nhân vệ sinh di tích”.
Trong 2 hội thảo quốc tế và các hội thảo do tỉnh Gia Lai tổ chức, các nhà khoa học đã có những tư vấn về các phương án bảo tồn và khai thác giá trị của di sản. Theo PGS-TS. Nguyễn Khắc Sử, hệ thống di tích này cần được quảng bá rộng rãi hơn nữa không chỉ trong giới nghiên cứu mà cả người dân trong nước và quốc tế thông qua con đường du lịch. Theo ông, địa phương cần làm sống dậy môi trường cổ sinh của không gian di tích để mang lại cảm xúc cho du khách khi tham quan nền văn hóa cổ xưa đã tồn hàng vạn năm dưới lòng đất sâu.
Ông cũng cho rằng, tiềm năng khảo cổ học Gia Lai còn rất lớn, rất cần một điều tra tổng thể, xác lập một bản đồ di tích trên toàn tỉnh. Từ đó, tỉnh mới chủ động chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. “Các di tích khảo cổ đã biết ở Gia Lai cần được xem là tài nguyên vô giá, không tái tạo. Trên cơ sở đó mà định hướng đúng để biến tài nguyên ấy trở thành nguồn lực phát triển địa phương”-ông nói.
Quảng bá giá trị di tích qua con đường du lịch cũng được GS-TS. Đặng Văn Bài-nguyên Cục trưởng Cục Di sản (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh: “Đây là một di tích khảo cổ học hiếm có của Việt Nam, được bảo tồn tại chỗ gần như nguyên vẹn. Đó chính là một lợi thế để giới thiệu đến khách tham quan và các nhà nghiên cứu”. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, nếu khai thác du lịch khảo cổ như các quốc gia đã từng làm, cần tính toán thận trọng để giảm tác động đến di sản, bởi dù được bảo tồn tại chỗ khá tốt nhưng đây cũng là nguồn văn hóa mong manh không tái sinh được.
Trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh, di tích sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá là một điểm đến khá mới mẻ trên cung đường kết nối các di sản phía Đông và liên vùng. Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-khẳng định: Đây chắc chắn là điểm du lịch khảo cổ hấp dẫn, điểm nhấn cho sản phẩm du lịch Gia Lai. Tuy nhiên, ông Hoàng cũng nhận định, đối tượng của loại hình du lịch khảo cổ không phổ biến như một số loại hình khác. Do đó, trong định hướng phát triển, ngành du lịch chú trọng kết nối di tích này với các điểm du lịch sinh thái, văn hóa ở khu vực phía Đông để tạo nên một tour đặc sắc.
“Chúng tôi kết hợp di sản khảo cổ học này với loại hình du lịch xanh ở huyện Kbang như thác 50, Hang Dơi, Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra, Làng kháng chiến Stơr để tạo sự phong phú. Đặc biệt, nằm ở vị trí cửa ngõ Gia Lai và khu vực Tây Nguyên, các điểm đến lịch sử, khảo cổ học ở An Khê càng thêm ý nghĩa trên tuyến du lịch kết nối đại ngàn-biển cả giữa Gia Lai-Bình Định và các tỉnh duyên hải khác, mở ra cơ hội phát triển kinh tế-xã hội liên vùng”-ông Hoàng cho bi.
Trên thế giới, nhất là các nước châu Âu, loại hình du lịch khảo cổ học khá phổ biến. Do đó, quảng bá và khai thác giá trị của di tích sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá sẽ tăng sức hút đối với thị trường khách châu Âu đến Gia Lai. Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết: “Cơ sở hạ tầng du lịch cho các điểm di tích luôn được tỉnh quan tâm chú trọng đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan, tìm hiểu. Thời gian tới, ngành Du lịch tăng cường quảng bá, nhất là giới thiệu giá trị đặc biệt của 2 di tích quốc gia Tây Sơn Thượng đạo và Rộc Tưng-Gò Đá để di sản văn hóa, khảo cổ trên vùng đất An Khê được nhiều người biết tới”.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1622/202102/ben-them-song-ba-co-5723387/