Bến Tre: Bị chiếm đất, đi kiện từ tóc xanh đến bạc trắng cả mái đầu!
Suốt khoảng 19 năm ròng rã đi khiếu nại, khởi kiện đòi lại đất… đủ cho người nông dân đặt niềm tin vào công lý, buông xuôi tất cả. Nhưng riêng ông Trần Văn On (SN 1953), lão nông ngụ ở xã Tân Hội, H.Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, vẫn quyết tâm đeo bám chờ đến ngày được pháp luật công nhận...
Theo ông On: “Vất vả gian truân lắm mới đạt được kết quả như ngày hôm nay”. Nhưng lạ thay, những cán bộ lãnh đạo cấp huyện vẫn tiếp tục đùn đẩy, không tôn trọng pháp luật và xem thường cả ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh! Bức xúc trước chuyện chính quyền không cưỡng chế giải tỏa các hộ lấn chiếm, để trả lại đất cho gia đình mình khi bản thân được tòa tuyên thắng kiện, ông On đã 2 lần mang xăng vào trụ sở UBND huyện, tính chuyện manh động…
Người giữ đất nghĩa địa liên tục bị chính quyền o ép?
Trong số 5 thửa đất ông On được cấp GCNQSDĐ (sổ đỏ), có 1 thửa đất tuy bên trong có nhiều ngôi mộ táng, nhưng lại là đất mặt tiền của quốc lộ 57, giá trị sinh lợi rất cao. Nhưng thửa đất này bị 3 hộ dân trong cùng 1 gia đình ngang nhiên lấn chiếm trên 300m2, cất nhà ở và mở quán buôn bán từ năm 2001. Đó là bà Đoàn Thị Nhị và các người con là bà Trần Thị Phụ, Trần Thị Dùm…
Ông On tố cáo đây là phần đất thổ mộ, họ tộc của ông quản lý sử dụng suốt 4 đời (từ thời ông cố nội của ông là ông Trần Văn Khanh, đến đời của ông On hiện nay) không hề có tranh chấp. Năm 1995, quá trình quản lý sử dụng có đóng thuế cho nhà nước đầy đủ… nên ông On được UBND H.Mỏ Cày (nay là H.Mỏ Cày Nam) cấp sổ đỏ.
Hơn 18 năm đeo bám khiếu nại, khởi kiện, ông On giờ đã trở thành ông lão tóc bạc trắng. Dù thắng kiện, song hiện tại các hộ chiếm đất vẫn tiếp tục bị chính quyền ngó lơ - Ảnh: T.Phúc
Nhiều lần đề nghị chính quyền giải quyết việc đất thổ mộ bị gia đình của bà Nhị lấn chiếm không xong, ông On đã khởi kiện mẹ con bà Nhị ra tòa. Cả 2 cấp tòa huyện và tòa tỉnh đều xử, tuyên án công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của ông On. Khi nhà nước thu hồi giải tỏa đất để mở rộng quốc lộ 57, ông On cũng là người được nhận số tiền bồi thường.
Bản án có hiệu lực, thi hành án xong không bao lâu, mẹ con bà Nhị lại tái lấn chiếm đất. Chính quyền địa phương ra quyết định phạt hành chính mỗi người 5 triệu đồng về hành vi vừa nêu, nhưng các hộ này không chấp hành. Sự việc nghiêm trọng và chuyển hướng lạ, khi xuất hiện của một người phụ nữ tên Đ. (đã rời bỏ địa phương đến TP.Cần Thơ sinh sống từ lâu), bỗng dưng quay về kiện ông On, đòi đất.
Vụ kiện của bà Đ., TAND H.Mỏ Cày Nam đã từ chối, không thụ lý giải quyết đơn do không đủ cơ sở, nhưng lãnh đạo huyện vịn vào cớ có đơn của bà Đ. bắt đầu “trở cờ”. Nhân cơ hội này, năm 2013, ông Lê Minh Tấn, Chủ tịch UBND H.Mỏ Cày Nam (hiện đã nghỉ hưu), chỉ đạo cho ông Nguyễn Việt Thành (Chánh Thanh tra huyện), nhảy vào thẩm tra xác minh thửa đất thổ mộ của gia đình ông On. Hiện nay ông Thành đang đương chức Phó chủ tịch UBND H.Mỏ Cày Nam.
Mới đây ông On gửi đơn về tỉnh tố cáo: ông Tấn, ông Thành và các cán bộ hiện là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Phòng TN&MT huyện, trong quá trình thẩm tra xác minh đã tạo ra các chứng cứ không đúng sự thật. Dựa vào kết luận của thanh tra, ông Tấn bút ký ban hành quyết định trái pháp luật, thu hồi GCNQSDĐ gồm 5 thửa của gia đình ông On được huyện cấp từ trước.
Ông Tấn lần lượt cấp trả lại GCNQSDĐ 4 thửa, chỉ còn 1 thửa không được cấp giấy. Đó là thửa đất thổ mộ diện tích 1.250 m2 đang bị 3 hộ dân lấn chiếm một phần diện tích mặt tiền (hơn 300 m2). Cho rằng ông On không phải là người quản lý sử dụng, nên ông Tấn quyết không cấp lại chủ quyền. Theo đó các hộ lấn chiếm cũng được bỏ trôi, không bị xử lý cưỡng chế thu hồi đất.
Năm 2014, quá bức xúc ông On đã khởi kiện quyết định số 2330/QĐ-UBND (ngày 27.12.2013 của Chủ tịch UBND huyện). Cả 2 cấp tòa huyện và tỉnh đều tuyên án bác đơn kiện của ông On và công nhận quyết định hành chính của Chủ tịch huyện!
Tòa Cấp cao kháng nghị hủy bản án xử oan sai của TAND tỉnh…
Ông Trần Văn On, nói: “Đi kiện từ tóc xanh đến bạc trắng mái đầu” quả thật không sai. Bởi nếu tính mốc thời gian tranh chấp chỉ hơn 300m2 đất nghĩa địa của gia đình tôi, bị gia đình bà Nhị bao chiếm đến nay gần tròn 19 năm. Quá trình kiện đòi lại thửa đất nghĩa địa bị UBND huyện thu hồi quyền sử dụng đất suốt 5 năm ròng”.
Phần diện tích phía sau nhà bà Nhị và các con (tự lấn chiếm), được huyện chỉ đạo Chủ tịch xã ra quyết định cưỡng chế thu hồi chữa cháy chỉ 81m2/hơn 300m2, khiến cho chủ đất bức xúc cao độ - Ảnh: T.Phúc
Đeo bám khiếu nại, khởi kiện… ông On không còn đầu óc đâu để làm được chuyện khác, kể cả việc mưu sinh lo cho gia đình. Vườn tược của ông phải bỏ hoang hóa... Đơn thư của ông On gửi khắp nơi và phải liên tục đối đầu trước sự “tung chiêu, phản phé” của các cấp chính quyền.
Và sự kiên trì của ông đã có kết quả! Cuối năm 2017, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM có quyết định xét xử Giám đốc thẩm số 15/2017/HC-GĐT tuyên hủy bản án hành chính phúc thẩm của TAND tỉnh Bến Tre và bản án hành chính sơ thẩm của TAND H.Mỏ Cày Nam.
Giữa tháng 8.2018, TAND tỉnh Bến Tre phải xử sơ thẩm lại, kết quả tòa đã tuyên: “Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông On. Hủy quyết định số 2330/QĐ-UBND ngày 27.12.2013 của UBND H.Mỏ Cày Nam về việc thu hồi đất trái pháp luật”.
Trong quyết định bị tòa tuyên hủy có nhiều điểm rất lạ, do ông Tấn dựa vào kết quả thẩm tra xác minh ngụy tạo của Thanh tra huyện để ban hành. Người dân kiện đòi 300m2 đất bị lấn chiếm, ông Chủ tịch huyện lại thu hồi hết toàn bộ diện tích thửa đất: 1.250 m2, vì cho rằng lãnh đạo tiền nhiệm đã cấp sổ đỏ sai! Không ai ngờ, chính ông Tấn và cấp dưới của ông lại cố ý làm sai trái, bị cơ quan tố tụng cấp Trung ương “bắt mạch”, làm rõ cặn kẽ từng nội dung.
Ý kiến chỉ đạo của ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh bị Chủ tịch UBND H.Mỏ Cày Nam phớt lờ - Ảnh: T.Phúc
Đơn tố cáo những cán bộ đương chức và nguyên là lãnh đạo UBND H.Mỏ Cày Nam cố ý làm trái pháp luật, gây khó cho dân… của ông On gửi về tỉnh đã được ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre thụ lý giải quyết xong từ giữa tháng 7.2019.
Ông Trọng yêu cầu: “Chủ tịch UBND H.Mỏ Cày Nam phải có trách nhiệm tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với tổ chức cá nhân liên quan trong việc xử lý đất bị gia đình bà Nhị lấn chiếm. Đồng thời làm rõ trách nhiệm những cán bộ tham mưu, ban hành quyết định thu hồi GCNQSDĐ của ông Trần Văn On không đúng quy định”.
Ông Trọng cũng chỉ đạo Chủ tịch huyện: “Có biện pháp giải quyết di dời nhà của bà Đoàn Thị Nhị và các con ở trên phần đất lấn chiếm, để giao trả cho ông On quản lý sử dụng theo quy định của pháp luật”.
Chủ tịch huyện phớt lờ chỉ đạo của cấp trên
Từ khi có quyết định Giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM và bản án dân sự sơ thẩm của TAND tỉnh Bến Tre có hiệu lực, ông On lại phải liên tục đeo bám cơ quan tiếp dân của huyện. Ông On tố cáo sự phớt lờ “kéo nhây” và thái độ vô trách nhiệm của ông Võ Văn Út, đương chức Chủ tịch H.Mỏ Cày Nam.
Quyết định cưỡng chế do Chủ tịch UBND xã Tân Hội bút ký, dựa theo sự chỉ đạo đùn đẩy của Chủ tịch huyện và khối nội chính huyện - Ảnh: T.Phúc
Ông Út không cương quyết thực thi những nội dung của bản án đã có hiệu lực, giúp cho dân chấm dứt quá trình đi kiện đòi đất suốt khoảng 19 năm. Kể cả chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh cũng bị ông Út xem thường, đẩy trách nhiệm cho cấp xã ra quyết định cưỡng chế. Đúng ra cơ quan ban hành quyết định cưỡng chế phải là UBND huyện!
Và 3 hộ dân lấn chiếm đất của ông On hơn 300m2, nhưng Chủ tịch UBND xã Tân Hội được UBND huyện chỉ đạo làm các thủ tục, cưỡng chế thu hồi đất chỉ hơn 81 m2! Ông On phản ứng gay gắt: “Đây là kiểu thi hành án chữa cháy mang tính chiếu lệ, tui không chấp nhận. Tại sao chính quyền chỉ cưỡng chế thu hồi một phần diện tích bị lấn chiếm phía sau, phần mặt tiền và các ngôi nhà không đá động gì tới?”.
Riêng gia đình bà Nhị cam kết đến ngày 18.12 vừa qua sẽ tự tháo dỡ… trả lại diện tích trên cho chủ đất nhưng không thực hiện. Xã và huyện cũng làm thinh luôn đến nay. PV đặt vấn đề với ông Võ Văn Út, Chủ tịch UBND huyện qua điện thoại: “Vì sao Chủ tịch huyện không ra quyết định cưỡng chế thu hồi toàn bộ diện tích đất bị lấn chiếm đúng theo thẩm quyền?...”
Và ông Út trả lời: “Chúng tôi đang làm. Đã giao cho xã, anh trao đổi với xã đi. Thôi, thôi… có gì gặp trao đổi sau, giờ tới giờ tôi đi rồi…”. Nói xong ông Út chủ động ngắt điện thoại.