Bến Tre: Để sản phẩm OCOP vươn xa
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại tỉnh Bến Tre đã chọn được 120 sản phẩm tiêu biểu, mang đặc trưng của làng, xã. Để các sản phẩm này vươn xa, hiện Bến Tre đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp trong đó nhấn mạnh đến công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - ông Nguyễn Hữu Lập - cho biết, ngay từ khi Chương trình OCOP được Trung ương phê duyệt, tỉnh đã tập trung xây dựng và ban hành Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030 và tiến hành xây dựng, ban hành Bộ tiêu chí, trình tự, thủ tục đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP. Tổng nguồn vốn thực hiện đề án hơn 267 tỷ đồng; trong đó, vốn thực hiện hơn 34,6 tỷ đồng và nguồn vốn xây dựng, triển khai các dự án, đề án thành phần hơn 232 tỷ đồng.
Trên cơ sở Bộ tiêu chí, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh đã tổ chức đánh giá các sản phẩm tiềm năng để định hướng, hỗ trợ phát triển cho các sản phẩm chưa đạt yêu cầu và chọn ra các sản phẩm chủ lực, đảm bảo chất lượng, đạt chuẩn để tham gia hội chợ. Qua đánh giá, xếp hạng các sản phẩm OCOP, tỉnh có 45 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên, trong đó có 31 sản phẩm đạt 4 sao, 14 sản phẩm đạt 3 sao.
Tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu, đến năm 2020, sẽ hỗ trợ phát triển khoảng 80 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có sản phẩm đạt 5 sao. Đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 250 sản phẩm, dịch vụ OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Năm 2030 hình thành mới khoảng 50 tổ chức kinh tế dựa vào cộng đồng, có liên kết chuỗi giá trị bền vững.
Tuy nhiên, với thực trạng sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ và tự phát của các cơ sở như hiện nay việc lựa chọn sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP để xét, đánh giá và xếp hạng đạt chuẩn từ 3 sao trở lên rất khó. Ông Lê Văn Trung – Phó Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Bến Tre - cho hay, hiện, tỉnh đang khẩn trương khảo sát, thu thập thông tin từ các chủ thể sản xuất để đánh giá nhu cầu, từ đó có cơ chế, chính sách hỗ trợ như: Đào tạo, tập huấn; hỗ trợ tư vấn thiết kế nhãn hàng hóa.
Ông Nguyễn Hữu Lập cho biết, các sản phẩm đạt 3-5 sao cấp tỉnh sẽ được hỗ trợ xúc tiến thương mại trên quy mô toàn tỉnh. Các sản phẩm đạt 3-5 sao cấp quốc gia được tham gia các chương trình hỗ trợ xúc tiến cấp quốc gia (trên toàn quốc và quốc tế). Lồng ghép trang tin điện tử (website) giới thiệu các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP Bến Tre trong Cổng thông tin điện tử nông thôn mới của tỉnh...
"Để sản phẩm của Chương trình OCOP thật sự chất lượng, có thương hiệu, đòi hỏi phải có sự tiếp sức của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, đầu ra cho các sản phẩm OCOP là hết sức quan trọng. Do đó, thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP tiếp cận các thị trường tiêu thụ,... nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Bến Tre đến người tiêu dùng trong tỉnh và cả nước" - ông Nguyễn Hữu Lập nhấn mạnh. n
Bến Tre là thủ phủ của dừa với diện tích khoảng 70.000ha, sản lượng mỗi năm gần 600 triệu trái, mang lại doanh thu khoảng 5.400 tỷ đồng. Mới đây, trái dừa xiêm đã được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, qua đó tạo bước ngoặt mới cho sự phát triển thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh. Dừa cũng là một trong rất nhiều các sản phẩm OCOP của Bến Tre.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ben-tre-de-san-pham-ocop-vuon-xa-123387.html