Bến Tre: Phóng thích hơn 109 triệu ong ký sinh ngăn chặn sâu đầu đen hại dừa

Nguồn ong ký sinh được phóng thích đang phát huy hiệu quả, triệu chứng nhiễm mới giảm rõ rệt, mật số sâu giảm nhiều, tuy nhiên, do các triệu chứng gây hại cũ vẫn còn nên làm ảnh hưởng đến cảnh quan.

Nông dân huyện Giồng Trôm (Bến Tre) thu hoạch dừa khô nguyên liệu. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Nông dân huyện Giồng Trôm (Bến Tre) thu hoạch dừa khô nguyên liệu. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết, dự kiến đến hết tháng 7/2024, tỉnh sẽ ngăn chặn được sự phát sinh của sâu đầu đen hại dừa.

Từ đầu năm 2024 đến nay, việc nhân nuôi ong ký sinh kiểm soát sâu đầu đen được duy trì thực hiện tại 9 điểm, gồm Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Giống và Hoa kiểng, các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm và Châu Thành.

Toàn tỉnh đã phóng thích hơn 109,2 triệu ong ký sinh để bảo vệ vườn. Tuy nhiên, do nắng nóng ảnh hưởng đến sự phát triển ngoài tự nhiên của các loài ong ký sinh nên diễn biến việc kiểm soát sâu hại chậm hơn so với thời điểm cuối năm 2023.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho hay, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp Ủy ban Nhân dân các huyện tăng cường nhân nuôi ong ký sinh để phóng thích trên các vườn dừa nhiễm sâu đầu đen, đảm bảo phòng trừ hiệu quả và bền vững.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các viện, trường thực hiện các nghiên cứu nhằm hoàn thiện hơn biện pháp quản lý sâu đầu đen đặc biệt là biện pháp sinh học.

Theo ông Đoàn Văn Đảnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, diện tích nhiễm sâu đầu đen tại các địa phương có tăng so với đầu năm 2024, nhưng tỷ lệ gây hại thấp so với các năm trước. Diện tích nhiễm nặng chủ yếu trên các vườn dừa ven đường thiếu chăm sóc, ít quan tâm phòng trừ.

Các vườn đã thực hiện các biện pháp tổng hợp, phóng thích ong ký sinh có tỷ lệ phục hồi khá tốt, mức độ lây lan giảm lại. Qua đó, cho thấy biện pháp sinh học vẫn là cơ bản, hữu hiệu nhất để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Trước tình trạng gia tăng của sầu đầu đen hại dừa, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre đã phối hợp với các địa phương khảo sát, đánh giá nguyên nhân. Theo đó, trong giai đoạn nắng nóng vào đầu năm 2024 là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loài dịch hại, đặc biệt là sâu đầu đen.

Diện tích nhiễm sâu đầu đen trên địa bàn tỉnh tăng từ 265 ha lên hơn 592 ha ở thời điểm hiện tại (tăng hơn 327 ha); trong đó, diện tích nhiễm nhẹ là hơn 295 ha, nhiễm trung trung bình hơn 162 ha, nhiễm nặng hơn 134 ha.

Qua quá trình khảo sát và tổng hợp diện tích nhiễm, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá các huyện Mỏ Cày Bắc, Ba Tri, Bình Đại và Châu Thành có diễn biến phục hồi tốt, diện tích nhiễm giảm, diện tích phục hồi tăng dần và được kiểm soát tốt bằng biện pháp tổng hợp.

Các huyện Giồng Trôm, Thạnh Phú, Thành phố Bến Tre có diện tích nhiễm tăng. Tuy nhiên, chủ yếu ở mức độ nhiễm nhẹ, các vườn dừa được kiểm soát bằng biện pháp sinh học đang dần phục hồi tốt.

Nguồn ong ký sinh được phóng thích đang phát huy hiệu quả, triệu chứng nhiễm mới giảm rõ rệt, mật số sâu giảm nhiều.

Tuy nhiên, do các triệu chứng gây hại cũ vẫn còn nên làm ảnh hưởng đến cảnh quan trên các vườn dừa ven đường và tâm lý sản xuất của người dân.

Riêng huyện Mỏ Cày Nam có diện tích nhiễm tăng cao. Nguyên nhân do người dân chăm sóc kém do giá dừa thấp, dừa cao lão khó thực hiện các biện pháp canh tác (cắt tỉa tàu), nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng khuyến cáo làm gia tăng khả năng lây lan, giảm hiệu quả phòng trừ bằng biện pháp sinh học. Các vườn dừa ven đường không sử dụng vào mục đích canh tác nên thiếu quan tâm phòng trị.

Ủy ban Nhân dân huyện Mỏ Cày Nam đã có văn bản chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn và các đơn vị có liên quan tập trung thực hiện các giải pháp để cơ bản kiểm soát diện tích nhiễm, phòng trừ hiệu quả không để lây lan và phục hồi sản xuất trong tháng 7/2024.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường hướng dẫn, tổ chức các lớp tập huấn, lồng ghép nội dung tuyên truyền biện pháp quản lý tổng hợp sâu đầu đen trong các cuộc hội thảo, sinh hoạt chuyên đề...

Ngoài ra, đối với các địa điểm nhiễm sâu đầu đen mới, các đơn vị phối hợp với địa phương để hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời.

Trong 6 tháng đầu năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre đã tổ chức được trên 50 cuộc tập huấn lồng ghép nội dung phòng trừ sâu đầu đen tại các huyện và thành phố Bến Tre cho hơn 1.500 nông dân tham gia.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre phối hợp với các cơ quan báo, đài đưa tin hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu đầu đen.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp các địa phương tăng cường điều tra để kịp thời phát hiện, khoanh vùng thực hiện biện pháp quản lý tổng hợp./.

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ben-tre-phong-thich-hon-109-trieu-ong-ky-sinh-ngan-chan-sau-dau-den-hai-dua-post966262.vnp