Bến Tre: Tòa án thành phố ban hành bản án có nội dung không rõ ràng

Ông Phạm Văn Tám có gửi đơn đến Tòa soạn với nội dung cho rằng TAND thành phố Bến Tre ban hành bản án không rõ ràng dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông.

Ông Phạm Văn Tám (trú tại số 16, đường Lý Thường Kiệt, phường 2, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre) là nguyên đơn trong vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng không gian qua bất động sản liền kề” do TAND hai cấp tỉnh Bến Tre xét xử và có hiệu lực pháp luật bằng bản án số 84/2018/DS- PT ngày 28/02/2018 của TAND tỉnh Bến Tre. Theo đó “buộc hộ ông Phạm Văn Tám phải tháo dỡ phần lấn chiếm không gian là mái nhà tiền chế, mái ngói xi măng tại tầng trệt (tầng 1)”.

Tại công văn số 161/CV-TA của TAND thành phố Bến Tre ngày 06/5/2019 giải thích bản án số 129/2017/DS-ST có nội dung “mái nhà tiền chế phải tháo dỡ được thể hiện trên họa đồ ghi ngày 10/6/2016 kèm theo bản án và công văn này nằm ở vị trí sân thượng nhà ông Phạm Văn Tám”.

Ngôi nhà ông Phạm Văn Tám trong đó thấy rõ mái xi măng tầng trệt và mái nhà trên sân thượng (Ảnh do đương sự cung cấp)

Ngôi nhà ông Phạm Văn Tám trong đó thấy rõ mái xi măng tầng trệt và mái nhà trên sân thượng (Ảnh do đương sự cung cấp)

Ông Tám cho rằng, “Công văn số 161/CV-TA đã bổ sung thêm nội dung khác (mái nhà tiền chế tại sân thượng) được cho là không có trong bản án. Điều 486 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chỉ cho phép Tòa án giải thích những nội dung đã có nhưng còn chưa rõ, còn từ “tầng thượng” không hề được nhắc đến trong bản án nêu trên nên nội dung giải thích của Công văn 161/CV-TA có dấu hiệu vượt quá phạm vi cho phép theo quy định của pháp luật”.

Ngày 30/05/2019, Chánh án TAND tỉnh Bến Tre có văn bản số 109/TAT về việc không đề nghị kháng nghị với hai bản án nêu trên. Văn bản này cho rằng bản án đã tuyên có đề cập đến khu vực tầng thượng được nhắc đến ở cụm từ “mái nhà tiền chế” đặt trước dấu phẩy tại nội dung đầu tiên. Tuy nhiên, cách giải thích này không thuyết phục được ông Tám, vì trong nội dung bản án có yêu cầu ông Tám phải tháo dỡ tại ba vị trí, cả ba vị trí này được trình bày bằng việc gạch ba đầu dòng rất rõ ràng. Nội dung thứ nhất có mở ngoặc giải thích “tầng 1”, nội dung thứ hai có mở ngoặc “tầng giữa”. Như vậy, theo cách trình bày này, thì nếu buộc tháo dỡ cả tầng thượng (tức tầng 3) thì sẽ phải có gạch đầu dòng thứ ba mở ngoặc (tầng thượng). Việc gộp nội dung tầng trệt và tầng thượng lại trong một ý và nội dung tầng giữa tách ra một ý riêng là cách trình bày không khoa học. Cách thể hiện này cũng bất bình thường khi đi từ tầng thượng, xuống tầng trệt xong lại lên tầng giữa.

Văn bản của chánh án TAND tỉnh Bến Tre trả lời đơn khiếu nại của ông Phạm Văn Tám

Văn bản của chánh án TAND tỉnh Bến Tre trả lời đơn khiếu nại của ông Phạm Văn Tám

Bản án và công văn giải thích như trên của Tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh Bến Tre làm cho các đương sự mà đặc biệt là ông Phạm Văn Tám là người có nghĩa vụ phải thi hành án không hiểu rõ dẫn tới những bức xúc không đáng có.

Hiện ông Phạm Văn Tám đã nộp đơn đề nghị kháng nghị Giám đốc thẩm lên TAND cấp cao tại Tthành phố Hồ Chí Minh.

Mong rằng, sự việc trên sớm được TAND các cấp xem xét lại một cách thấu đáo, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến cho bạn đọc.

Anh Ngọc

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/phap-luat/ben-tre-toa-an-thanh-pho-ban-hanh-ban-an-co-noi-dung-khong-ro-rang-22958.html