Bên trong căn hầm trữ chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới
Phần Lan đã tiên phong trong việc giảm thiểu nguy cơ rò rỉ phóng xạ với việc xây dựng hầm chứa chất thải hạt nhân nằm sâu 400 m dưới lòng đất.
Căn hầm trữ chất thải phóng xạ tại Phần Lan được gọi là Onkalo, mang ý nghĩa là "khuôn" theo ngôn ngữ nước này. Nó được xây dựng nhà máy điện hạt nhân Olkiluoto ở miền Tây Nam đất nước.
Nhóm phóng viên của Sky News được đưa xuống quan sát căn hầm nằm sâu 400 m dưới lòng đất, sau khi đi qua đoạn đường uốn lượn dài 5 km. Đến nay, 5 hầm đã hoàn thành, và 100 căn hầm có thể được xây dựng trong vài thập kỷ tới, kéo dài hơn 64 km.
Sanna Mustonen, nhà quản lý cấp cao của dự án thuộc công ty Posiva - đơn vị vận hành cơ sở này - cho biết lớp đá nền ở căn hầm đã được hình thành cách đây 2 tỷ năm và còn nguyên vẹn kể từ đó.
“Lớp đá ở đây cũng như toàn bộ Phần Lan rất ổn định. Chúng tôi có những tầng đá lâu năm, cũng như không có những mảng lục địa bên cạnh, do đó chúng tôi không có động đất, địa chấn hay những thứ tương tự”, bà nói.
An ninh nghiêm ngặt
An ninh tại thời điểm nhóm phóng viên đến hiện trường được bảo vệ nghiêm ngặt, và không được quay phim trên bề mặt, đặc biệt sau sự cố rò rỉ đường ống Nord Stream.
Tương tự các quốc gia khác, Phần Lan lưu trữ chất thải hạt nhân đã qua sử dụng bên trong các boongke trên mặt đất, trong khi tìm kiếm giải pháp lâu dài.
Tuy vậy, Mika Pohjonen, Giám đốc điều hành của Posiva, nói rằng có những rủi ro nếu chất thải phóng xạ rơi vào tay kẻ xấu.
“Nếu nhìn vào lịch sử 300 năm qua, đã có bao nhiêu cuộc chiến ở châu Âu? Các kho chứa tạm thời trên bề mặt cần có những biện pháp tích cực từ con người, như sưởi ấm các công trình, làm lạnh nhiên liệu qua sử dụng, và bố trí an ninh quanh đó”, ông nói.
Nhiều giải pháp cho vấn đề xử lý chất thải hạt nhân đã được đưa ra, như phóng chất thải vào vũ trụ, chôn trong rãnh ở đại dương, hay thả vào khe nứt trong vỏ Trái Đất. Tuy nhiên, chúng đều không khả thi, đắt tiền hoặc gây rủi ro tới môi trường.
Theo Wired, việc xây dựng căn hầm dưới lòng đất có thể cách ly chất thải phóng xạ trong hàng trăm nghìn năm, khi đó nó sẽ không còn nguy hiểm. Trong khi đó, các hầm chứa tạm xây gần trên bề mặt có thể mang nhiều rủi ro cho thế hệ sau.
An toàn trong một triệu năm
Công ty Posiva cho biết chất thải phóng xạ qua sử dụng sẽ được bao bọc trong các ống kim loại hai lớp và đặt vào các lỗ được khoan sẵn trên sàn của mỗi đường hầm. Sau đó, robot sẽ đưa ống đựng chất thải vào các hầm chứa.
Để giữ chất thải được khô ráo, các ống đựng chất thải và hầm chứa sẽ được phủ một lớp bentonite, một loại sét khoáng hút nước, thường được dùng làm cát vệ sinh cho mèo.
Trong hai năm tới, nơi này sẽ tiếp nhận những thùng chứa chất thải phóng xạ đầu tiên. Sau đó, khoảng 6.500 tấn chất thải sẽ lấp đầy hầm chứa Onkalo trong vòng 100 năm tới. Khi đó, nơi này sẽ được niêm phong.
"Nó sẽ an toàn ở đây trong một triệu năm", ông Pohjonen nói. "Khi đó, có thể con người không còn ở đây nữa, vì kỷ băng hà sẽ đến hoặc khu vực này sẽ chìm dưới nước, nhưng nơi đây được thiết kế để ngăn chất thải thoát ra sinh quyển".
Một số nhà khoa học cảnh báo nước có thể ăn mòn kim loại và trở thành phóng xạ, sau đó nổi lên bề mặt sau nhiều thiên niên kỷ.
Dù vậy, công ty Posiva cho biết đã ngăn chất phóng xạ qua nhiều lớp, và trong trường hợp xấu nhất nếu xảy ra sự cố rò rỉ, thì cũng phải mất ít nhất 10.000 năm, khi đó chất thải phóng xạ đã bị phân hủy tương đối và không đe dọa đến sự sống.
Mô hình của Phần Lan đang được nhiều nước chú ý. Thụy Điển đã bắt đầu xây dựng khu xử lý chất thải hạt nhân. Anh, Pháp và Thụy Sĩ cũng đang bắt đầu ý tưởng này.
Bruce Cairns, cố vấn chính sách của Cơ quan Chất thải Hạt nhân Vương quốc Anh, người cũng đã có mặt ở hầm Onkalo, cho biết việc xử lý chất thải hạt nhân vĩnh viễn, có trách nhiệm là điều quan trọng khi đất nước vận hành lò phản ứng thế hệ mới.
“Chúng ta có lượng chất thải trong 70 năm qua tích lũy từ quá trình sản xuất năng lượng, quốc phòng và công nghiệp. Nó sẽ không biết mất, và chúng ta phải có cách xử lý có trách nhiệm về lâu dài”, ông nói.